SÀI GÒN (NV) – Tiền gửi ở các ngân hàng “không cánh mà bay” khiến chủ tài khoản phát hoảng. Song, ngân hàng né trách nhiệm đẩy qua công an kéo thời gian giải quyết, mặc khổ chủ lo lắng, bất bình.
Việc 26 tỉ đồng (gần $1.3 triệu) trong tài khoản công ty đầu tư và phát triển Quang Huân, huyện Củ Chi, Sài Gòn, mở tại Ngân Hàng (NH) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ cuối tháng 3 năm 2015 biến mất đang gây chấn động dư luận.
Tin báo Thanh Niên, khoảng tháng 7 năm 2016, bà Trần Thị Thanh Xuân, giám đốc công ty đến NH rút tiền thì bất ngờ phát hiện 26 tỉ đồng trong tài khoản đã biến mất. Số tiền trên được chuyển ra khỏi tài khoản bằng séc.
Người mua séc của công ty là bà Ðoàn Thị Thúy Hằng, nhân viên VPBank và người rút séc là ông Nguyễn Huy Nhựt, chồng bà Hằng cùng 2 người khác. VPBank đã viện lý do “nhân viên nghỉ việc,” đến nay vẫn không giải quyết sự việc này.
Ðể giải tỏa áp lực dư luận, chiều 24 tháng 8, VPBank đưa ra thông cáo cho rằng, “Nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự và cần cơ quan điều tra vào cuộc. Khi đó mới sáng tỏ được các nghi vấn về chữ ký chủ tài khoản, con dấu công ty Quang Huân sử dụng để ghi danh mở tài khoản và thực hiện các giao dịch mở tài khoản, trên séc, chứng từ giao dịch…,” nhằm thoái thác trách nhiệm.
Ðáng lo ngại là trường hợp tiền của bà Na Hương, ở quận 3, Sài Gòn, bị chuyển một cách “bí ẩn” khỏi tài khoản 500 triệu đồng tại NH Vietcombank chưa lắng xuống, thì nay lại đến trường hợp của ông Phương cũng tại NH này.
Tin cho biết, ngày 16 tháng 8, khi vừa ngủ dậy, ông Vũ Thành Phương, chủ một tài khoản của NH Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) hốt hoảng khi nhận được liên tiếp 14 tin nhắn từ NH báo tin tài khoản được giao dịch ở Nhật với số tiền hơn 17 triệu đồng.
Từ tin nhắn thứ 11 trở đi, giao dịch không thành công do không đủ tiền thanh toán. Ngay lập tức, ông điện thoại cho NH khóa thẻ lại. Nhưng chờ đến tận ngày hôm sau, NH mới thông báo cho ông là đang giải quyết bước đầu, nghĩa là đã báo cho phía MasterCard để họ kiểm tra rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Tuy nhiên cho đến ngày 24 tháng 8, ông Phương vẫn không biết là mình có lấy lại được tiền không.
Tương tự, bà T.T.T.Phúc, quận Ðống Ða, Hà Nội, cũng đang “xất bất xang bang” vì mất tiền vô lý tại NH Thương Mại Sài Gòn (SCB). Theo đó, bà Phúc gửi tiền tại phòng giao dịch Nguyễn Khuyến của SCB hơn 4.2 tỉ đồng để chuẩn bị mua nhà.
Ngày 19 tháng 11 năm 2015, bà Phúc ra SCB rút tiền thì được biết ngày 5 tháng 10 năm 2015 số tiền này đã được chuyển qua một tài khoản khác tên Hà. Phía SCB đưa cho bà Phúc một bản photocopy giấy ủy nhiệm chi có chữ ký giống chữ ký của bà nhưng camera giám sát tại thời điểm đó người giao dịch là một nam giới.
“NH khăng khăng đã thực hiện chuyển tiền theo ủy quyền của tôi cho người đàn ông đó nhưng không xuất trình được hợp đồng ủy quyền của tôi theo quy định của pháp luật. SCB xác nhận việc ủy quyền bằng cách cho nhân viên gọi điện cho tôi để hỏi có ủy quyền cho người đàn ông đó. Thực tế tôi không nhận được cuộc gọi nào từ SCB và khi yêu cầu cho nghe băng ghi âm thì SCB từ chối,” bà tức giận kể.
Chiều hôm qua ngày 24 tháng 8, SCB đã từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên báo Thanh Niên về việc này với lý do “vụ việc đang được cơ quan công an điều tra.”
Ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước cho biết, các NH trên thế giới dù trang bị hệ thống bảo mật mạng hiện đại, một hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhiều năm qua, nhưng trên thực tế vẫn có những sơ hở. Nếu tiền “bốc hơi” mà không có chữ ký của khách hàng, NH trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai sẽ làm rõ sau đó.
Theo ông Kiêm, hiện cách giải quyết phổ biến của các NHVN là trốn tránh trách nhiệm và sợ đền bù. Khi sự việc xảy ra, nhiều NH hành xử theo kiểu “cả vú lấp miệng em,” trong khi quy định pháp luật chưa rõ ràng, khiến người dân lâm vào thế yếu. Cách hành xử này không sòng phẳng và rất nguy hiểm cho chính hình ảnh NH.
Còn Luật Sư Trương Thanh Ðức, công ty luật Basico, nhận xét: “Trách nhiệm của NH là quản lý tiền của người gửi tiền. Vì vậy những vụ việc khách hàng mất tiền ở các NH cho thấy các lớp bảo vệ của NH khá sơ hở, chưa bảo đảm an toàn cho khách dẫn đến rủi ro thì NH phải chịu một phần, không thể ‘phủi’ trách nhiệm của mình bằng cách thoái thác ‘đang được cơ quan công an điều tra’, bởi một vụ việc khi có cơ quan công an tham gia thì thời gian sẽ rất dài làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người gửi tiền.” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment