Thursday, August 25, 2016

Lúa, cà phê chết sạch, quan chức vẫn còn họp bàn ‘giải ngân’ cứu hạn

Hạn hán hồi tháng 3, 2016 làm ruộng nứt nẻ, cây lúa chết đứng, hai người đang cố bắt vài con cá con hy vọng còn sót trong vũng nước của con rạch cũng đã cạn trơ đáy. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Hạn hán hồi tháng 3, 2016 làm ruộng nứt nẻ, cây lúa chết đứng, hai người đang cố bắt vài con cá con hy vọng còn sót trong vũng nước của con rạch cũng đã cạn trơ đáy. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Mùa hạn đã đi qua, lúa ở đồng bằng, cà phê ở Tây nguyên đã chết từ lâu nhưng đến nay, các bộ có trách nhiệm “cứu hạn” vẫn còn đang họp bàn để “giải ngân” các số tiền được dùng.
Tháng 6, năm 2016, nhà cầm quyền trung ương đã lấy 2,000 tỉ đồng từ khoản dư của dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1A cho các địa phương bị hạn mặn “cứu hạn cấp tốc.”
Khoảng từ tháng 2 đến tháng 5, 2016, nhiều ký sự, bài viết kèm theo hình ảnh về sự thiếu nước thê thảm của những khu vực trồng lúa ở miền nam, trồng cà phê, nuôi bò ở Tây Nguyên và Nam Trung phần. Nay đã gần hết tháng 8, một chu kỳ hạn hán khác sắp đến mà số tiền “cứu hạn cấp tốc” vẫn không được phân bổ.
Trong phiên họp ngày 25 tháng 8 giữa hai bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư và Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn với Văn Phòng Chính Phủ, theo tường thuật của tờ Dân Trí, lý do chưa được giải ngân vì ý kiến của hai bộ vừa kể “tréo chân nhau.”
Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư “muốn phân bổ đều, mỗi tỉnh bị hạn mặn được khoảng 80 tỷ đồng để giải quyết ngay việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng… nhưng Bộ Nông Nghiệp lại muốn đưa một số dự án dang dở của ngành vào để có thêm nguồn vốn thực hiện.”
Bởi vậy “2,000 tỷ đồng ‘ách’ lại đến nay, họp đi họp lại nhiều lần, cuối cùng phải chấp nhận bổ sung thêm một vài danh mục nhỏ như yêu cầu của ngành nông nghiệp,” theo tờ Dân Trí kể lại cuộc họp.
Theo một bản tường trình của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3, 2016, hạn hán tại Việt Nam thiệt hại nghiêm trọng trên diện tích trồng trọt khoảng 393,000 ha, thêm khoảng 1.2 triệu ha bị ảnh hưởng. Khoảng một triệu người thiếu nước ngọt cho sinh hoạt hàng ngày.
Ðây là mùa hạn hán vừa qua đi được mô tả là nghiêm trọng nhất từ 90 năm trở lại đây và nó sẽ còn tái diễn trong những năm tới. Một phần vì dòng sông Mekong bị Trung Quốc xây các đập giữ nước ở thượng nguồn và các nước khác như Lào, Thái, Miến Ðiện chận dòng làm đập thủy điện.

Việt Nam ở hạ du của con sông lãnh đủ hệ quả trong khi hiện tượng thời tiết El Nino đóng góp thêm vào sự khốn khó của người dân Việt Nam. (TN)

No comments:

Post a Comment