Tuesday, August 16, 2016

Việt Nam đối mặt với dịch sốt xuất huyết

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-08-16  
000_DC77D.jpg
Ấu trùng 'Chi Aedes' của loại muỗi gây sốt xuất huyết trong chiến dịch chống sốt xuất huyết tại New Delhi vào ngày ngày 18 tháng 7 năm 2016.  AFP PHOTO
Dịch sốt xuất huyết lại bùng phát mạnh ở Việt Nam trong các tuần qua khiến giới chức y tế lo ngại, thúc giục các địa phương đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh lây lan. Điểm đặc biệt là dịch năm nay bùng phát mạnh ở 4 tỉnh Tây nguyên vốn không phải là nơi lưu hành phổ biến dịch bệnh này so với cả nước, theo nhận định của Bộ Y tế. Những yếu tố nào dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh ở Việt Nam trong thời gian qua, người dân cần lưu ý những điểm gì trong phòng và điều trị bệnh?

Nguyên nhân dịch bệnh bùng phát

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế vào ngày 7 tháng 8 vừa qua cho biết Việt Nam đã phát hiện gần 50.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết, sốt xuất huyết đã xuất hiện ở cả 48 tỉnh, thành phố và đã có 17 người tử vong. Điểm đặc biệt là khu vực Tây Nguyên có số ca mắc sốt xuất huyết chiếm đến 75% so với cả nước.
Mùa mưa cũng là một nhân tố dẫn đến sự gia tăng các trường hợp bị nhiễm sốt xuất huyết. Khi mưa xuống, nước đọng, muỗi có thể đẻ trứng, sinh sôi, nảy nở, khiến người dân có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh.
- Bác sĩ Babatunde Olowkure
Báo chí trong nước dẫn lời Cục trưởng cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch mạnh vào năm nay là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khiến nhiệt độ tăng, hạn hán kéo dài buộc các gia đình tăng trữ nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh nở. Ngoài ra ông cũng cho biết vùng Tây nguyên vốn là nơi sốt xuất huyết không phổ biến nên miễn dịch cộng đồng thấp, ý thức phòng dịch của người dân khu vực này còn thấp. Theo ông Phu, có những gia đình dân tộc thiểu số có nhiều người mắc bệnh cùng lúc dù trước đó đã ký cam kết phòng chống dịch bệnh.
Nói về ý thức phòng bệnh và sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, bác sĩ Babatunde Olowkure, chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh của WHO cho biết:
“Một số lý do có thể là do con người không cẩn thận đề phòng, không dùng kem chống muỗi, che kín người hoặc tránh nước đọng trong nhà, hoặc ngoài nhà.”
Bác sĩ Raman Velayudhan, chuyên gia về kiểm soát dịch bệnh nhiệt đới của tổ chức Y tế thế giới (WHO) giải thích về yếu tố khí hậu và sự sinh sôi nẩy nở của muỗi, loại truyền virut sốt xuất huyết từ người sang người.
“Trứng muỗi có thể kéo dài thời gian sống tới 6 tháng để nở khi chúng gặp nước. Tức nó có khả năng thích ứng cao, có thể ở nơi khô ráo trong nhiều tháng mà không sao. Ngoài ra thì cũng có những nhân tố khác trực tiếp như thay đổi khí hậu, lũ lụt và hạn hán cũng đều tạo điều kiện cho sự sinh sôi của muỗi, dẫn đến sự lan rộng của sốt xuất huyết.”
Những vùng nước đọng trong và ngoài nhà là những môi trường lý tưởng để muỗi đẻ trứng. Điều này cũng giải thích vì sao vào mùa mưa hàng năm dịch bệnh thường phát triển mạnh. Thời gian này trong năm cũng là khoảng mùa mưa ở Việt Nam. Bác sĩ Olowkure giải thích:
“Thời tiết thay đổi, mùa mưa cũng là một nhân tố dẫn đến sự gia tăng các trường hợp bị nhiễm sốt xuất huyết. Khi mưa xuống, nước đọng, muỗi có thể đẻ trứng, sinh sôi, nảy nở, khiến người dân có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh. Mùa mưa là mùa mà chúng ta nên cẩn thận với môi trường xung quanh, phải che đậy những thùng đựng nước, để tránh muỗi đẻ trứng trong các phần nước đựng trong nhà.”
Giới chức y tế Việt Nam không nói đến sự lây lan của dịch bệnh do sự di chuyển của người và hàng hóa, nhưng đây cũng được coi là một trong những yếu tố lây lan bệnh chủ yếu ở khắp nơi trên thế giới. Việt Nam lại là một nước đang phát triển, đô thị hóa và sự dịch chuyển của hàng hóa và người từ vùng này sang vùng khác diễn ra thường xuyên. Bùng phát dịch do phần đóng góp của nhân tố này là khó tránh khỏi. Bác sĩ Velayudhan nói:
000_Mvd6742598.jpg
Một bệnh nhân sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện ở Asuncion vào ngày 29 tháng 1 năm 2016. AFP PHOTO
“Việc lan rộng dịch sốt xuất huyết trên thế giới xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là việc đô thị hóa, dân cư đông đúc. Sốt xuất huyết truyền qua muỗi nhưng không phải cùng loại muỗi truyền sốt rét. Nó chủ yếu đốt vào ban ngày và có khả năng thích ứng rất cao với môi trường sống đô thị. Vì thế sốt xuất huyết chủ yếu là căn bệnh của thành phố nhưng giờ cũng đang lan dần ra các khu vực nông thôn…
Về cơ bản, dịch sốt xuất huyết lan rộng là do sự di chuyển của con người. Con người mang virut. Con muỗi chỉ có nhiệm vụ chuyển virut từ người này sang người khác. Nguyên nhân thứ hai là do sự di chuyển của hàng hóa. Một số loại hàng hóa có thể tạo điều kiện cho muỗi sinh nở.”

Nguy cơ bệnh nặng

Một điểm đáng chú ý khác trong dịch bệnh năm nay ở Việt Nam, theo Bộ Y tế là đã phát hiện cả chủng virut sốt xuất huyết D4 bên cạnh loại D1 và D2 là hai loại vốn phổ biến trong các dịch sốt xuất huyết hàng năm tại Việt Nam. Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 chủng virut là D1, 2, 3 và 4. Về cơ bản những người đã từng bị nhiễm sốt xuất huyết thì được miễn nhiễm với chủng sốt xuất huyết mà họ đã bị nhiễm trước đó nhưng không chắc có được sức đề kháng chéo. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác phòng tránh và điều trị. Bác sĩ Velayudhan giải thích:
“Những thách thức bây giờ đối với các nước như Việt Nam là sốt xuất huyết gây ra bởi cả 4 loại virut không có đề kháng chéo. Tức là nếu bạn bị sốt xuất huyết bởi virut 1 thì không có nghĩa bạn sẽ miễn dịch với các chủng virut còn lại. Nếu 2 năm sau đó bạn bị virut 2 thì bạn có thể sẽ bị nặng, bởi vì đôi khi nhiễm virut có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp. Cho nên các nước như Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức có nhiều trường hợp bị nặng vì cả 4 loại virut đã xuất hiện tại đây. Nó sẽ có ảnh hưởng tới nhiều người hơn, có những người sẽ bị sốt xuất huyết đến 2 lần. Điều này sẽ dẫn đến các trường hợp nặng và khó khăn trong việc điều trị.”
Sốt xuất huyết không có tỷ lệ tử vong cao như sốt rét nhưng theo ước tính của WHO, dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến khoảng từ 50 đến 100 triệu người trên thế giới và có khoảng 20.000 người tử vong mỗi năm do bệnh.
Một điểm chú ý đối với sốt xuất huyết là con số người tử vong rất thấp. Đó cũng là lý do bệnh dịch không gây nhiều chú ý như sốt rét, vì sốt rét thì có hàng triệu người chết mỗi năm còn sốt xuất huyết thì chỉ có 20.000 ca mỗi năm.
- Bác sĩ Raman Velayudhan
Ngoài việc phải đương đầu với 4 chủng virut hiện có, Việt Nam cũng phải đối mặt với thực tế về sự hiểu biết của người dân đối với bệnh dịch. Bác sĩ Velayudhan cho biết:
“Một điểm chú ý đối với sốt xuất huyết là con số người tử vong rất thấp. Đó cũng là lý do bệnh dịch không gây nhiều chú ý như sốt rét, vì sốt rét thì có hàng triệu người chết mỗi năm còn sốt xuất huyết thì chỉ có 20.000 ca mỗi năm. Nhiều người khi bị sốt xuất huyết thường có triệu chứng như cúm. Họ uống Tylanol và sau đó hết bệnh. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ từ 2-5% ca bị nặng thì phải đưa vào bệnh viện để chăm sóc kịp thời.”
Ngoài ra, thiếu cơ sở điều trị bệnh cũng là một thách thức không nhỏ của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi dịch bệnh đang hoành hành nặng nề nhất. Báo Người Lao động mới đây trích lời của bác sĩ Y Bliu Arul, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Lak cho biết bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến đã khiến hầu hết các khoa của bệnh viện này quá tải, công suất sử dụng giường bệnh lên đến 200 – 300%.

Phòng chống dịch bệnh

Để đối phó với dịch bệnh, Bộ Y tế Việt Nam đã lập 8 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Bộ Y tế cũng gửi công văn đến ủy ban nhân dân 63 tỉnh thành, đề nghị triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy. Theo chỉ đạo từ Bộ Y tế, các ổ dịch được phát hiện phải được phun hóa chất diệt muỗi 2 đến 3 lần cách nhau 1 tuần.
Vào ngày 7 tháng 8 vừa qua Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lak.
WHO mới đây cũng đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine ngừa sốt xuất huyết có tên là Dengvaxia của hãng Sanofi Pasteur của Pháp. Theo hãng sản xuất thì vaccine có hiệu quả tới 70% đối với những người đã phơi nhiễm trước đó với virut sốt xuất huyết và có hiệu quả ngăn chặn bệnh diễn biến trầm trọng đạt từ 90 đến 95%. Theo chuyên gia của WHO thì việc có vaccine sẽ làm giảm đáng kể các ca nhiễm bệnh và tử vong do bệnh. Vaccine hiện đã được cấp phép ở 4 quốc gia là Mexico, Brazil, El Salvador và Philippines.
Việt Nam cũng đã thử nghiệm vaccine này trước đó nhưng hiện chưa có thông tin gì về việc Vaccine sẽ sớm được cấp phép cho sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

No comments:

Post a Comment