Cánh Cò, viết từ Việt Nam 2016-08-16
Trung tâm hành chính Đà Nẵng, thường được gọi là tòa nhà "trái bắp" (bên trái). Internet photo
Câu chuyện chiếc giường của chị Toàn ở làng Thành Liên, xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa viết xong vẫn ám ảnh mãi. Nỗi ám ảnh nhân lên nhiều lần khi câu chuyện tòa nhà hình trái bắp của Đà Nẵng như một con dao cùn cứ chọc sâu vào vết thương của người theo dõi.
Cán bộ vung vải ngân sách
Dao cùn vì những chuyện vung vãi tiền bạc không còn xa lạ gì ở cái chính quyền này nữa. Nếu làm thống kê về phung phí tiền trong tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam may ra chỉ thua Tàu, phần còn lại chả chịu kém ai.
Cộng sản như những đứa con hư, chỉ biết xài tiền của cha mẹ mà không bao giờ biết tiếc bởi chúng có đổ chút mồ hôi nào trên những đồng tiền đó đâu? Cha mẹ chúng là nhân dân, những người cắm mặt xuống đất hay dầm mưa dãi nắng quanh năm để con cái là những lãnh tụ, những Bí thư, những đảng viên cao cấp cứ thoải mái mở kho ra lấy tiền tiêu xài không biết chán.
Cha mẹ chúng không được phép lên tiếng rầy la, chỉ được quyền than thở và sau đó tiếp tục cắm đầu xuống ruộng hay lặn ngụp trong sình lầy bắt ốc hái rau đóng từng xu thuế cho đám con phá của.
Cha mẹ chúng là chị Toàn của Thanh Hóa chỉ còn chiếc giường mỏng manh cũng bị chúng lấy đi đánh bạc. Chị Toàn ngồi khóc còn chúng lại cười. Hình ảnh thường thấy của những đứa con a dua với chúng bạn không một chút lương tâm về mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình.
Vì a dua theo lề thói khoe khoang, đứa con Đà Nẵng mới nảy ra ý tưởng xây tòa nhà cho 1.600 nhân viên chui vào làm việc. Hai năm sau, không biết hứng thú thế nào lại đòi dời sang nơi khác còn hai ngàn tỷ kia thì mặc cha mẹ chúng ngồi tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Người dân è cổ đóng thuế
Việt Nam khác người ở chỗ tiền trong ngân khố cạn kiệt phải tính tới chuyện vay nợ giật gấu vá vai nhưng nếu cần vung vãi cho ra vẻ tân tiến hiện đại thì bao nhiêu cũng chơi, bao nhiêu cũng đặt xuống cho canh bài phe phái.
Bà mẹ Toàn của Thanh Hóa thấy không, chiếc giường của bà nào có ăn thua chi mà khóc than níu kéo. Ngôi building đồ sộ kia còn không đứng được nữa kia huống gì là giường là chiếu?
Kẻ trên nói nóng và thiếu oxy, người dưới thì lại cho rằng làm việc trong một chốn thiên đàng như thế còn mong gì hơn. Kẻ thứ ba thì thầm, à thì ra chúng đang giở trò sang tay cho nhóm lợi ích nào đó nên đem cái nguyên nhân ngộp thở ra che mắt thế gian. Hai ngàn tỷ bán rẻ phân nữa thì chúng cũng có một ngàn tư túi.
Giận quá mất khôn, bà Toàn có chẻ giường ra thì cũng đâu đủ củi mà đốt tòa nhà vĩ đại này được?
Từ Bắc vô Nam bao nhiêu chiếc giường như thế rồi? bao nhiêu mảnh đời đã ngậm ngùi lìa thế gian vì thiếu một viên thuốc, một chỗ nằm. Bao nhiêu ước vọng cắp sách tới trường phải bỏ dỡ và bao nhiêu cô gái phải bán thân ra nước ngoài cho cán bộ có những tòa nhà như thế để đập để phá?
Đà Nẵng hay Sài Gòn Cần Thơ hay Hà Nội….tất cả các thành phố ấy dù nhà cao tầng có mọc lên đầy rẫy thì cũng từ xương máu nhân dân mà ra chứ nào phải của trên trời rơi xuống? Tiền vay bạc hỏi trên từng bắp thịt người dân thì có gì mà tự hào, hãnh tiến?
Có lúc người dân ngồi nhìn nhau tự hỏi họ đã làm gì nên tội mà từ đời cha tù đày cho tới đời con thất học chỉ có đám con của quan chức là công danh bằng phẳng quyền lợi ngập tràn. Như vậy là bất công là trấn lột… vậy mà người dân vẫn lót lá ngồi giữa chợ đếm từng đồng bạc lẻ gom góp cho cơ quan thuế vụ để bọn chúng cùng nhau phung phí tiêu xài.
Thành phố mở đèn người dân mở túi. Ai cũng phải chi vào ngân sách quốc gia. Quan lớn quan nhỏ hay ngay cả những kẻ chưa được làm quan phải nhớ rằng không có đồng tiền nào vô tri cả, chúng biết trả thù đấy. Hãy cười cho lớn để rồi khóc lớn hơn. Cái gương 30 tháng Tư còn đó, bao nhiêu đồng tiền cướp đoạt cũng trở thành phù du trong tích tắc. Lịch sử lập lại và dân chúng sẽ đòi phần của họ, liệu mà để dành cho đủ.
Cánh Cò, Việt Nam 16/08/2016
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
No comments:
Post a Comment