Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA- 2016-08-16
Núi Pháo trong vành đai nội bất xuất ngoại bất nhập. Resident photo
Sau khi được phát hiện bởi nhóm kĩ sư thăm dò khoáng sản Canada, và qua hai lần đổi chủ, khu mỏ Núi Pháo ở xã Hang Hùm và Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động vào năm 2014. Trong suốt hai năm khai thác, tác hại do công trình này gây ra không nhỏ chút nào. Nhiều gia đình sống trong ô nhiễm không khí, xã Hà Thượng là xã chịu thiệt hại nặng nhất. Và đặc biệt, một cụm dân cư bỗng chốc bị cô lập, mọi việc đi lại khó khăn đến mức họ tự gọi tên đây là cái chuồng chó nhốt họ suốt hai năm nay! Những tiếng kêu từ mười một gia đình trong khu mỏ Núi Pháo nghe ra chừng lọt thỏm giữa sự vô tâm của công ty khai thác và nhà nước.
Giới chức địa phương nói gì?
Một cán bộ chuyên viên môi trường đang làm việc tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ:
Họ sống trong môi trường ô nhiễm như thế, rồi kế sinh nhai của họ bị ảnh hưởng vì trước đây họ bám trục đường để sống nhưng giờ đã trở thành ốc đảo.
- Công an huyện Đại Từ
“Anh không có giấy tờ gì, không có ai bảo lãnh thì anh không vào được bên trong. Phải có người bảo lãnh thì mới có thể vào được chứ bình thường thì không vào được.”
Vị cán bộ này chia sẻ thêm là khu khai thác khoáng sản của Công ty Núi Pháo nằm trên một khu vực trải dài, vắt qua Quốc lộ 37 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mấy trăm hộ dân ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ sống quanh khu vực này đang khổ sở từng ngày. Bất cứ ai đến gần khu dân cư trên đều choáng váng với mùi hóa chất nồng nặc. Người dân nơi đây phải đóng kín cửa suốt ngày, giăng bạt để ngăn bụi.
Và đáng sợ nhất là tiếng ồn, âm thanh ù ù phát ra gần như 24/24h trong ngày, cộng với tiếng mìn phá đá vào canh trưa, từ 11h cho đến 1h, ngay giờ nghỉ trưa của người dân đã khiến cho đời sống nơi đây đảo lộn hoàn toàn. Không khí bị ô nhiễm trầm trọng, người dân hứng chịu hoàn toàn mọi sự khó chịu và mối nguy từ môi trường ô nhiễm nặng.
Ông Chu Văn Tuất, Bí thư xã Hà Thượng tỏ ra bức xúc khi nói về môi trường, điều kiện sống của người dân bị xâm hại:
“Người ta đang phải chịu vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm hóa chất…”
Vì lý do bận họp nên chúng tôi không gặp được ông Bí thư xã này nhiều hơn, chúng tôi tìm hiểu sự vụ qua một công an huyện Đại Từ, cán bộ công an này yêu cầu giấu tên khi trả lời phỏng vấn vì theo ông, câu chuyện của Núi Pháo là một câu chuyện dài, tế nhị và nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều ông lớn và những thế lực nhóm, lợi ích nhóm. Ông nói:
“Người dân đang phải chịu rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là họ sống trong môi trường ô nhiễm như thế, rồi kế sinh nhai của họ bị ảnh hưởng vì trước đây họ bám trục đường để sống nhưng giờ đã trở thành ốc đảo. Họ sống ngay sát nhà máy nên việc ô nhiễm môi trường thì miễn bàn, có chứng nhận của Bộ, sở tài nguyên môi trường, rồi của tỉnh như hàm lượng cyanua có thời điểm lên quá 217 lần so với quy định. Rồi kết luận mới nhất của ủy ban tỉnh Thái Nguyên, về sử dụng hóa chất 2015, lượng hóa chất sử dụng trong năm 2015 của công ty Núi Pháo là hơn 900 ngàn tấn, vượt DT của công ty Núi Pháo gần 3 lần. Đương nhiên là có một thế lực ghê gớm đứng sau, như một số bài báo về cyanua tại đây, giờ trên mạng chỉ còn cái tít thôi.”
Ông cho biết thêm là từ người dân cho đến các cán bộ của xã Hang Hùm, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ đã nhiều lần khiếu nại, kiến nghị lên cấp trên nhưng mọi việc vẫn cứ chìm xuồng, người dân khổ nạn vẫn hoàn khổ nạn. Trong khi đó, trẻ em và người già trong khu chuồng chó bị bao vây bởi hàng rào và bảo vệ mỏ, hầu như hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài, việc đi chợ hay đi đâu cũng phải trình báo lý do với bảo vệ mỏ. Nếu có ai đến thăm mười một gia đình này thì phải có gia đình này ra cổng mỏ bảo lãnh và nói rõ lý do cũng như mục đích thăm. Phóng viên, nhà báo thì tuyệt nhiên không được vào thăm người dân bên trong khu mỏ.
Người dân kêu trời không thấu!
Anh Xuân, một người dân có nhà còn mắc kẹt trong khu chuồng chó giữa mỏ Núi Pháo đã than thở với chúng tôi:
"Ô nhiễm trầm trọng, như nước ăn thì bể thải của nhà máy đổ ra cách nhà tôi 2 đến 3 mét, ngay sát giếng ăn của gia đình tôi. Từ năm 2012 đến nay giếng không còn dùng được, gia đình tôi phải đi xin nước ăn ở xa. Họ rào lại đi đứng không được, mình đi lại vất vả, muốn làm gì cũng không được, hai con nhỏ của tôi cũng bị ảnh hưởng việc học hành. Bốn năm nay thì sinh hoạt, cuộc sống rất vất vả. Thực tế là không phải đền bù không thỏa đáng mà là công ty Núi Pháo chưa bao giờ nói chuyện với chúng tôi, chưa bao giờ họ đến đây để nói chuyện về việc đền bù. Bản thân gia đình tôi chưa ngăn cản công ty Núi Pháo bao giờ, thậm chí là rất tạo điều kiện. Như trước đây họ múc cái mương qua trước nhà mình, mình cũng cho họ múc, còn múc vào của mình gần 3 mét đất nữa. Họ bảo cứ để họ làm rồi cuối năm tính, làm xong là họ không thèm nói gì tiếp với mình luôn.”
Anh Xuân nói rằng anh và mười gia đình còn lại chỉ mong được giải thoát khỏi khu chuồng chó giữa lòng Núi Pháo này càng sớm càng tốt. Anh sống trên đất của cha mẹ để lại, đây là diện tích đất xây dựng nhà ở và đất vườn, đất ruộng có nguồn gốc lâu đời của ông nội anh, đến cha anh và bây giờ là gia đình anh đang sử dụng. Về vấn đề thủ tục đền bù giải tỏa hết sức đơn giản bởi giấy tờ đất hợp pháp. Nhưng suốt nhiều năm nay phía công ty khai thác Núi Pháo cũng như phía chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra giải pháp di dời mười một gia đình này ra khỏi Núi Pháo.
Thực tế là không phải đền bù không thỏa đáng mà là công ty Núi Pháo chưa bao giờ nói chuyện với chúng tôi, chưa bao giờ họ đến đây để nói chuyện về việc đền bù.
- Anh Xuân
Một phụ nữ không muốn nêu tên, sống trong khu chuồng chó Núi Pháo, chia sẻ:
“Rào xung quanh như thế nên đi lại, ra vào rất khó khăn. Nhiều lúc, anh em bà con đến cũng bị cản trở, gây khó. Như thùng nước trước nhà em là thùng nước rất độc. 4 hướng quanh nhà em là toàn tải nặng, nên lúc nó chạy, nhà rung lắc rất ảnh hưởng. Chưa kể bom nổ. Rồi gần nhà em có cái nhà máy sản xuất Vonfram tinh luyện nữa, ngoài ô nhiễm môi trường, không khí thì còn nguồn nước uống nữa. Nhà em đã hiến gần 2 ngàn mét đất ở đường tải dịch mới của Núi Pháo ở đầu và cuối đường quốc lộ 37. Rồi cái thùng nước giờ độc hại nữa, trước đây chưa biết độc thế nào, nhà em cũng ủng hộ thêm 300 mét đất nữa. Thế đó, nhà em đã làm rất nhiều cho Núi Pháo nhưng họ chưa làm được gì cho chúng em. Hôm vừa rồi, có xe của đoàn thanh tra chính phủ về. Em vô tình ra ngay khu rào chắn, có anh nhà báo muốn vào trong xem lời em nói đúng không nhưng bảo vệ không cho vào, mặc dù không mang theo máy ảnh hay máy quay phim gì cả. Rõ ràng giữa người dân và cán bộ, tiếng nói của chúng em muốn ra ngoài cũng rất khó.”
Người phụ nữ này đã bày tỏ nguyện vọng được đền bù đúng giá trị đất, để chị có tiền mà di dời nhà cửa, tái định cư trên một diện tích đất khác và ổn định công ăn việc làm. Với mức giá ép đền bù hiện tại thì không tài nào có thể tái định cư được. Và nỗi thao thức, tiếng kêu vì môi trường quá bẩn của chị cũng là tiếng kêu chung của 11 gia đình còn mắc kẹt trong lòng khu mỏ Núi Pháo. Mong rằng tiếng kêu của họ không bị lọt thỏm giữa những mâu thuẫn của lợi ích nhóm và cổ phần ma!
No comments:
Post a Comment