Wednesday, August 31, 2016

Phúc thẩm vụ vượt biên đến Úc

Theo BBC-31 tháng 8 2016 

Image copyrightVO AN DON
Image captionBốn người vượt biên sẽ ra tòa trong phiên xử ngày 1/9
Phiên tòa phúc thẩm xử bốn người Việt Nam vượt biên đến Úc sẽ diễn ra vào thứ Năm 1/9, luật sư bào chữa nói.
“Sau đó thấy mức án quá cao, tất cả các bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo,” luật sư Võ An Đôn nói với BBC Tiếng Việt.
Trong năm 2015, có hai tàu xuất phát từ Bình Thuận, mỗi tàu có 46 người tìm đường đến Úc.
Ngày 26/5, Tòa án thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận kết án tù bốn người trong vụ 46 người vượt biên đi Úc.
Bà Trần Thị Lụa bị kết án 30 tháng tù giam, bà Huỳnh Thị Kiều chịu 27 tháng tù, ông Nguyễn Minh Quyết bị kết án 24 tháng tù và ông Nguyễn Đình Quý bị kết án 24 tháng tù.
Trước đó, công an tỉnh Bình Thuận khởi tố và bắt giam bốn người, bà Trần Thị Lụa, bà Huỳnh Thị Kiều, chồng bà Kiều ông Nguyễn Đình Quý và ông Nguyễn Minh Quyết về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo Điều 275 Bộ luật hình sự.
Bốn người đã cùng đi trên một chuyến tàu gồm 46 người, cả họ hàng, anh em, từ cảng Phan Thiết ngày 1/7/2015, vượt biển đến Úc ngày 21/7/20115. Họ bị phía Úc trao trả lại Việt Nam ngày 25/7/2015.
Luật sư Võ An Đôn và luật sư Nguyễn Khả Thành nhận bào chữa miễn phí cho bốn người trong vụ án vượt biên này.

Chính phủ Úc?

Một tổ chức nhân quyền cho rằng chính phủ Úc có trách nhiệm trong vụ việc.
“Chính phủ Úc chỉ phỏng vấn họ ngắn trên tàu của Hải quân Úc và trả họ về. Quan điểm của chúng tôi là như vậy là chưa có quyết định hợp lý về việc họ có nỗi sợ thật sẽ bị truy tố khi quay về, ” ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói với BBC hôm 31/8.
“Chính phủ Úc nói với chính phủ Việt Nam không trừng phạt những người này vì họ muốn rời khỏi đất nước. Ở Việt Nam, chính phủ đồng ý. Và bây giờ chính phủ Việt Nam đi ngược lại điều đó, họ truy tố những người này và Úc đang ở đâu? Phía Úc im lặng.”
“Chính phủ Úc đã bỏ rơi những người này. Đầu tiên, là trả họ về lại nơi họ có thể gặp nguy hiểm, và thậm chí không theo dõi việc gì đang xảy ra theo cách cơ bản nhất,” nhà hoạt động nhân quyền này bình luận.
“Khi chúng tôi nêu vấn đề này với Chính phủ Úc ở Canberra, đề nghị họ đảm bảo chính phủ Việt Nam không trừng phạt những người này. Chính phủ Úc nói với chúng tôi tại sao họ phải bảo vệ những người vận chuyển người lậu. Và họ phủi tay khỏi việc đó.
Image captionÔng Phil Robertson từ Human Rights Watch nói phiên tòa ngày 1/9 sẽ 'phán xét' cả cam kết nhân quyền của Úc
“Rõ ràng là với thông tin chúng tôi nhận được, những chiếc tàu này được tổ chức theo kiểu cộng đồng truyền thống. Mọi người cùng góp tiền tiền lại và cùng ra đi. Australia nói rằng có nạn chuyển lậu người và đó là hoạt động tội phạm, nhưng điều này hoàn toàn không phải vậy. ”
Ông Phil Robertson bình luận như vậy về phiên tòa phúc thẩm ngày 1/9 với bốn người trong chuyến tàu 46 người vượt biên đi Úc.
Một vụ án vượt biên tương tự xét xử vào tháng 4/2016 có một bị cáo là bà Trần Thị Thanh Loan, bị kết án ba năm tù, trong khi đó chồng bà bị kết án hai năm tù. Trường hợp bà Loan khi đó đặt ra câu hỏi bốn đứa con của bà sẽ sống ra sao nếu cả hai vợ chồng bà phải vào tù.
Một nhà báo và một nghị sĩ Đảng Xanh từ Úc đã đến Việt Nam và tổ chức quyên góp để bốn đứa trẻ có thể được sống bên ông bà mà không phải vào trại mồ côi khi cha mẹ đi tù.
Image copyrightVO AN DON
Image captionMột ký giả người Úc đã kêu gọi cộng đồng ủng hộ cho bốn đứa con của bà Trần Thị Thanh Loan, bị kết án ba năm tù vì vượt biên đến Úc
Bà Shira Sebban, một phóng viên người Úc, là người đứng ra quyên góp cho gia đình này.
Cuộc gây quỹ của bà Shira Sebban nhận được sự ủng hộ của cả người Úc, người Việt và nhanh chóng đạt được số tiền hỗ trợ cho gia đình bà Loan khi bà phải thụ án tù.
Ngày 16/8, sau cuộc gây quỹ của Shira Sebban, bà Loan nhận được Quyết định hoãn thi hành án phạt tù, thời hạn hoãn một năm, cho đến khi chồng bà thụ án tù xong quay trở về.

No comments:

Post a Comment