Wednesday, August 31, 2016

Nghệ An: Lại thêm một người chết trong trụ sở công an


Người nhà nạn nhân lo hậu sự cho ông Quân. (Hình: Tiền Phong)
Người nhà nạn nhân lo hậu sự cho ông Quân. (Hình: Tiền Phong)

NGHỆ AN (NV) – Một người đàn ông đã chết tại nhà tạm giam của công an huyện Diễn Châu khi bị giam giữ để điều tra “tình nghi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan nhà nước.”
Nhiều báo tại Việt Nam đưa tin, ngày 29 tháng 8, công an huyện Diễn Châu của tỉnh Nghệ An xác nhận thông tin nghi can Đinh Hồng Quân (56 tuổi), trú tại xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu “tử vong khi bị tạm giữ ở trụ sở công an huyện.”
Ít nhất, ông Quân là nạn nhân thứ 6 chết trong khi bị tạm giam tại trụ sở công an từ đầu năm 2016 đến nay.
Theo trình bày trên tờ dân Việt của bà Đinh Thị Hà – chị gái ông Đinh Hồng Quân thì vào khoảng 7 giờ sáng ngày vừa kể trên, gia đình nhận được thông tin em trai bà tử vong tại nhà tạm giam công an huyện Diễn Châu.
“Các cán bộ công an nơi đây cho biết, thi thể ông Quân đã được chuyển vào bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu. Sau khi xác định tử vong, cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc,” tờ Dân Việt kể lại.
Bà Hà cũng cho biết, khoảng 3 ngày trước, em bà bị đưa về trụ sở công an huyện Diễn Châu chờ xét xử tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng mà công an phát hiện trước đó trong nhà…”

Khoảng 16 giờ chiều ngày 28 tháng 8, 2016, bà Hà được 2 người cháu (con của ông Quân) gọi đi cùng lên nhà tạm giam của công an huyện Diễn Châu để thăm gặp ông Quân. Qua tấm cửa kính của phòng thăm gặp tại trụ sở công an huyện Diễn Châu, bà Hà cùng 2 người cháu đã gặp được ông Quân khoảng 8 phút. Sau đó, lực lượng công an không cho gặp nữa nên cả 3 người ra về. Sự việc sau đó gia đình không biết gì nữa, theo bản tin tờ Dân Việt.
“Chúng tôi gặp được khoảng 7-8 phút nhưng em tôi vẫn cười, tự đi lại thoải mái, khỏe mạnh lắm. Trước đó em trai tôi cũng khỏe mạnh, không có tiền sử của bệnh gì cả. Thế mà đột ngột sau 1 đêm thì em trai tôi lại mất. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân vì sao em tôi chết như vậy? Nếu đau ốm, bệnh tật sao phía công an không thông báo cho gia đình tôi?” Lời bà Hà nói trên tờ Dân Việt.
Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Quân đã bị công an tỉnh Thái Bình bắt do “tình nghi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan nhà nước.” Khi xét nhà ông Quân, công an tỉnh Thái Bình và của huyện Diễn Châu “thu được khẩu súng quân dụng.” Đến tháng 7, ông Quân bị tòa tuyên phạt 30 tháng tù. Ông Quân bị di lý về nhà tạm giữ công an huyện Diễn Châu để đợi ngày ra tòa xét xử về “hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.”
Tuy nhiên, về khẩu súng, bà Hà cho biết “đây không phải là khẩu súng của em tôi mà khẩu súng này của bố tôi lúc đi bộ đội ở bên Lào về giữ nó làm kỷ niệm… Lúc đó tôi cũng được biết, khẩu súng đã cũ, bị gỉ không dùng được nhưng lực lượng công an cũng đã lập biên bản thu lại…”
Tra tấn, nhục hình để ép cung đã dẫn đến cái chết của hàng trăm người dân khi bị bắt về trụ sở công an nhưng hầu hết đều bị vu cho là “Biểu hiện khó thở,” “sức khỏe yếu,” “viêm phổi cấp,” “sốc ma túy,” “biểu hiện co giật, đầu đập vào tường”… nếu không thì “tự tử,” “treo cổ tự sát.”
Năm ngoái 2015, có 17 nạn nhân chết trong tay công an mà riêng tháng 12 đã có tới 3 nạn nhân. Năm 2014 có tới 24 nạn nhân. Năm 2013 có 12 nạn nhân và năm 2012 có 13 nạn nhân.
Cuối năm 2013, Việt Nam ký vào bản Công Ước Quốc Tế về Cấm Tra Tấn Nhục Hình. Nhưng dù ký cam kết với thế giới, guồng máy công an vẫn không thay đổi cách điều tra nghi can. Tra tấn ép cung vẫn là phương cách để công an “phá án” cho nhanh để có “thành tích,” dẫn đến cái chết bất thường.
Theo Bộ Công An báo cáo ở Quốc Hội hồi tháng 3 2015, từ năm 2011 đến 2014, có đến “226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam, chủ yếu do tự sát và bệnh lý” mà không mấy người tin đó là sự thật. (TN)

No comments:

Post a Comment