Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA- 2016-08-31
Bãi biển Cà Ná RFA photo
Dự án khu liên hợp nhà máy luyện cán thép khổng lồ với công suất trên 16 triệu tấn mỗi năm đang chuẩn bị xây dựng tại hai xã Phước Diêm và Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Và có thể nói rằng đây là dự án khiến cho nhiều người mất ăn mất ngủ bởi câu chuyện xả độc của Formosa Hà Tĩnh đã làm cho vùng kinh tế Bắc miền Trung sa sút nghiêm trọng. Bây giờ, thêm một dự án thép ở phía Nam miền Trung nữa, xem như cả miền Trung phải gồng lưng chịu đựng chất thải nếu như câu chuyện Formosa tái diễn tại Ninh Thuận.
Bài học Formosa còn đó
Một cán bộ môi trường của tỉnh Ninh Thuận, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Nếu mà nói về vấn đề nhà máy thép thì cần phải coi lại chuyện môi trường. Bài học Formosa vẫn còn đó. Cần phải trưng cầu dân ý, để cho người dân họ quyết. Đặc biệt, vấn đề địa chính trị là câu chuyện hết sức nguy hiểm. Và làm sao chúng ta quản lý được chuyện xả thải của họ 24/24 chứ? Vì họ có thể xả lén ra biển. Và vấn đề công nghệ, làm sao phải làm công nghệ khô chứ đừng làm công nghệ ướt nữa. Mà công nghệ khô thì rất tốn kém. Chính vì vậy rất khó. Hơn nữa cán bộ của Việt Nam cũng không đủ trình độ để quản lý, để phân biệt đâu là công nghệ khô, đâu là công nghệ ướt… Mọi việc đều rất nguy hiểm”.
Nếu mà nói về vấn đề nhà máy thép thì cần phải coi lại chuyện môi trường. Bài học Formosa vẫn còn đó. Cần phải trưng cầu dân ý, để cho người dân họ quyết.
- Một cán bộ tỉnh Ninh Thuận
Vị cán bộ này cho biết thêm rằng dự án lần này do tập đoàn Hoa Sen, một công ty tư nhân kinh doanh và sản xuất tôn thép trong nước bỏ tiền vào đầu tư xây dựng.
Chỉ riêng vấn đề sản xuất thép, đây là một dự án rất lớn với lượng vốn đầu tư lên tới 10 tỉ 600 triệu Mỹ Kim, dự tính công suất 16 triệu tấn mỗi năm. Nếu so sánh với Hà Tĩnh thì dự án này lớn hơn nhiều, bởi giai đoạn 1 của dự án thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, công suất là hơn 10 triệu tấn mỗi năm.
Theo dự thảo thỏa thuận hợp tác chiến lược với ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Ngoài ra, tập đoàn Hoa Sen còn dự tính đầu tư thêm bốn dự án hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận gồm: Nhà máy sản xuất xi măng; Nhà máy nhiệt điện – năng lượng tái tạo và một nhóm dự án khai thác khoáng sản, vận chuyển, kho bãi, khách sạn du lịch…
Vị này cho rằng với mức độ đầu tư cũng như quá nhiều hạng mục đầu tư, nguy cơ phá nát môi trường bởi quá trình thi công, gây ảnh hưởng đến địa tầng học và sau đó là vấn đề chiến lược quân sự bị phá vỡ, vùng biển nhạy cảm này dễ dàng bị quan sát bởi các đối tác nước ngoài đến đây hợp tác làm ăn, đặc biệt là các tàu nước ngoài đáp vào khu cảng có trọng tải lớn, có thể chịu được tàu quân sự mà dự án đã nêu là khó tránh khỏi.
Cũng theo vị cán bộ môi trường này, điều khiến ông lo ngại nhất hiện nay là mặc dù dự án sắp sửa thi công nhưng người dân hoàn toàn không có thông tin gì về nó. Chưa có cuộc họp báo hoặc trưng cầu dân ý nào cả. Trong khi đó, mọi rủi ro và tai họa về sau đều do người dân gánh chịu.
Ông Non, một cư dân sống ở Cà Ná, Ninh Thuận, chia sẻ: “Mình đâu có biết được gì đâu. Mình sợ là nó xả ra cho nước biển dơ dáy, hư hỏng hết môi trường. Tôi ở xa chỗ này, tôi không làm nghề cá nên cũng không ước lượng được mức nguy hiểm của nó. Bởi tôi làm nước mắm nên tôi chưa thể đưa ra ý kiến nào cụ thể… Bây giờ cũng đang rối!”.
Đó là những gì mà ông có thể biết được từ thông tin nhà nước. Còn theo tìm hiểu của ông thì dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận khi đi vào hoạt động, quy trình sản xuất sẽ được khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào từ quặng sắt, than, đá, đá vôi… cho đến việc sản xuất thép thành phẩm, bán thành phẩm như thép xây dựng, thép hình, thép chế tạo… và các sản phẩm phát sinh như xi măng, điện.
Không dừng ở đây, dự án còn xây cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với quy mô 25 bến tàu, lưu lượng vận tải hàng hóa 53 triệu tấn mỗi năm, cảng có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 300,000 mã lực trên tổng diện tích hơn 100 hecta, dùng để làm bến nhập than, xuất thép. Vốn đầu tư của dự án này cần thêm khoảng 804 triệu Mỹ kim.
Theo một giới chức Ninh Thuận cho biết thì dự án của của tập đoàn tôn Hoa Sen sẽ được triển khai trên diện tích đất 1,500 hecta. Hiện chủ đầu tư đang làm các thủ tục để xin cấp phép đầu tư, tiến hành các bước đánh giá tác động môi trường, khảo sát thực địa.
Cán bộ này tỏ ra lo lắng đặt nghi vấn, dự án sắt thép của tập đoàn HSG sẽ triển khai đầu năm 2017. Khi đó, những dự án khu nghỉ dưỡng, du lịch, nổi tiếng nhiều năm nay ở hai xã Phước Diêm và Cà Ná có tiếp tục trụ được nữa hay không? Hàng ngàn gia đình cư dân đang sống bình yên có bị bị lao đao giống như hàng ngàn gia đình người dân ở Vũng Áng, Hà Tĩnh và các tỉnh bờ biển Bắc miền Trung?
Sự bình yên bị đe dọa
Một chủ khách sạn tên Hà, ở Cà Ná, tỏ ra phân vân:“Người ta chưa có làm cái gì hết, em không biết nó có ảnh hưởng gì không. Người ta chưa có đền bù gì hết, cũng chẳng biết làm chỗ nào nữa, chỉ nghe nói là tôn Hoa Sen nó làm ở đây nhưng nó cũng chưa báo mình biết là nó lấy khu nào nữa. Nghe là lấy tới hai địa điểm, nhưng chưa có thông báo là chỗ nào. Nói chung hiện nay em đang rối mù về thông tin bao giờ họ làm!”.
Nghe là lấy tới hai địa điểm, nhưng chưa có thông báo là chỗ nào. Nói chung hiện nay em đang rối mù về thông tin bao giờ họ làm!.
- Bà Hà, Cà Ná
Chị Hà tỏ ra lo lắng nhớ lại chuyện cũ, năm 2012 Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự lễ khởi công xây dựng dự án gang thép Formosa ở Vũng Áng, lúc đó báo tỉnh Hà Tĩnh viết rằng dự án được ứng dụng kỹ thuật và các thiết bị tiên tiến trên thế giới về luyện gang, luyện thép và cán thép, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường tốt nhất… Thế nhưng họ chỉ mới súc đường ống thôi thì cả vùng biển Bắc miền Trung đã chết khô từ cá động vật đến thực vật, trải dài trên vủng bờ biển 200km, chim chóc cũng không sống sót nổi.
Chị Hà cho rằng trong bối cảnh hiện tại, ngành xây dựng đang khựng lại, thị trường nhà đất đóng băng, mọi ngành nghề đều trì trệ và lượng thép dư thừa trên thị trường đã chạm trần. Trong khi đó đời sống của người dân ngày càng trì trệ và tụt hậu.
Chỉ cần nhìn vào lượng khách đến trú ngụ ở khách sạn của mình chị Hà cũng có thể biết được đời sống đang xuống thấp cỡ nào. Giờ lại thêm một khu công nghiệp luyện thép nữa, chị Hà Lắc đầu ngao ngán và kết luận là miền Trung sẽ còn khổ dài dài và đến lúc nào đó không xa, chỉ khoảng một thời gian ngắn nữa thôi, ngư dân Cà Ná sẽ chuyển qua lặn thép thay vì đánh bắt cá ngoài biển.
No comments:
Post a Comment