Wednesday, August 31, 2016

Cơ quan nào tham mưu cho Thủ tướng Phúc ‘dùng ngân sách xử lý nợ xấu’?

Lại là Ngân hàng nhà nước. Nhưng khôn ngoan hơn năm 2014, vào lần này giới quan chức lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước còn lôi kéo hai bộ Tài chính và Kế hoạch và Đầu tư vào cuộc để cùng “chia lửa”.
Liệu thủ tướng Phúc hiện nay có đỡ tệ hơn ông Dũng? (Ảnh: bizlive.vn)
Theo báo Vneonomy, Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư chủ trì xây dựng, vừa công bố, đã dự kiến trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết “Đề án nghiên cứu khả năng bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu”.
Với ý đồ đã được bộc lộ rõ như vậy, các ngành chức năng tham mưu cho chính phủ vẫn hoàn toàn chưa từ bỏ ý định rút rỉa ngân sách, mà thực chất là tiền đóng thuế của tuyệt đại đa số dân chúng, để giải quyết mới hỗn độn được gọi là “nợ xấu”. 
Việc tái hiện ý đồ trên cũng cho thấy sự thất bại hầu như rõ ràng của cơ chế Công Ty Quản Lý Các Tài Sản Tín Dụng (VAMC) trong việc mua và bán nợ xấu. Được thành lập cách đây 3 năm, nhưng cho tới giờ này VAMC mới chỉ mua được khoảng 10% nợ xấu từ các ngân hàng, không phải bằng tiền mặt mà bằng… giấy.
Tuy nhiên cho đến nay, bế tắc của VAMC là mua nợ rồi, nhưng không biết bán cho ai. Cũng cho tới nay, tuyệt đối không có tin tức nào về một đối tác thương mại và tài chính quốc tế nào chịu mua lại nợ của VAMC, cho dù trước đó VAMC và giới quan chức chính phủ còn dõng dạc: “Nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ của Việt Nam”. 
Vào tháng 10/2014 - ba năm sau khi triển khai đề án xử lý nợ xấu, chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình đã đưa kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước” ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhưng cũng bởi quá chủ quan, nên giới chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã vấp phải một làn sóng phản đối quyết liệt từ đủ mọi thành phần dân chúng, và cả trong giới quan chức. Cho tới lúc đó, đa số người dân đều đã nhận ra nợ xấu có nguồn gốc cơ bản từ những chiến dịch kinh doanh cực kỳ phiêu lưu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm trong thời kỳ “đầu cơ vàng” những năm 2006-2007. Để sau đó, khi các thị trường đầu cơ lao dốc và gần như sụp đổ, thì phần lớn các nhà đầu tư đều rước họa vào thân.
Chỉ tính riêng những tập đoàn lớn của nhà nước có tham gia đầu cơ như thế đã mang về số lỗ kinh hoàng như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 10,000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 30,000 tỷ đồng…
Trong lúc dư luận và công luận xã hội dồn dập phản ứng trước đề nghị dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, một đại biểu quốc hội khu vực Hải Phòng là Trần Ngọc Vinh đã thẳng thừng: “Hiện ngân sách rất eo hẹp, thu chi chưa cân đối được mà còn chi cho ngân hàng nữa thì ngân sách hụt rất lớn. Không bao giờ cho phép lấy tiền ngân sách đắp vào khoản lỗ của các ngân hàng”.
Ít ngày sau đó, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh buộc phải yêu cầu Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư không đưa vào báo cáo trình quốc hội nội dung dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.
Còn bây giờ là việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nếu trước đây Thủ tướng Dũng đã mắc lỡm từ dàn tham mưu của Thống đốc Bình, liệu Thủ tướng Phúc hiện nay có đỡ tệ hơn ông Dũng? 
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment