Monday, July 11, 2016

Sài Gòn, rác và cuộc sống của những người ‘móc bọc’

Một người phụ nữ sống bằng nghề thu gom rác. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Một người phụ nữ sống bằng nghề thu gom rác. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Theo Người Việt -11-07-2016
Nguyễn Sài Gòn
SÀI GÒN (NV) – Rác, đó là một thứ phế thải không còn dùng được gì nữa. Người ta vứt đi như vứt một nỗi buồn. Nó là thứ không còn giá trị sử dụng trong gia đình người này nhưng lại có giá trị với người khác vì nó chính là sự sống, là một kiểu mưu sinh của những người ở tận đáy xã hội.
Ở Sài Gòn người ta có một từ mới dành cho những con người nầy đó là “dân móc bọc” vì thanh tre dài có câu ngoéo là đồ nghề duy nhất mà họ có. Với vũ khí kỳ dị nầy thì mội đống rác lù lù hôi rình hôi… rạc kia sẽ như một bãi chiến trường tanh banh dưới những trận bươi móc.
Rác đối họ là sự sống. Mọi thứ của rác đều có thể được móc ra rồi phân loại thành từng đống. Bao ni lông, vỏ bia, chai lọ, giấy báo giấy vệ sinh và cả sắt thép vụn cũng được gom lại thành bó rồi chở đến bán cho chủ vựa và từ đó rác được vận chuyển đến lò tái sinh.
Không ai có thể ngờ rằng những cuộn giấy vệ sinh đang được sử dụng ở khắp các nhà hàng quán nhậu từ bình dân cho đến sang trọng ở trên đất nước nầy đều có xuất xứ từ rác. Nó cũng được đánh giá thứ hạng sang hèn cho đến thơm thúi và dĩ nhiên cái giá trị tiêu dùng cũng rất khác.
Ở nơi tôi ở những người hốt rác bắt đầu hoạt động từ sáng sớm đến giữa khuya – khi mà những căn nhà đang yên giấc thì họ đang miệt mài trong những thùng rác. Với một chiếc xe đẩy nhỏ cùng với bao chứa lủng lẳng họ cắm cúi làm công việc phân loại.
Hình ảnh nầy bạn có thể bắt gặp ở bất cứ đâu ngay trong cái xứ sở phồn hoa giả tạo nầy, giả tạo vì nơi đây bạn sẽ khó mà kiếm được một đồ dùng gia dụng nào phẩm chất sạch đẹp mà không được “tái sinh” từ rác.
Một công nhân vệ sinh kiêm luôn người nhặt rác với những đống rác luôn luôn có chủ, có “đường dây rác” riêng biệt. Nói cho đúng hơn là có “mafia rác,” mà ai muốn làm ăn muốn được “móc bọc” cũng không dễ vì tất cả đều được “bảo kê” không ai có thể tự dưng được “ăn rác.”
Vậy nên người ta ví rác như vàng, và nó đúng như vậy, khi có một ông Việt Kiều bên Mỹ có tên David Dương đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la để được đầu tư vào công việc xử lý rác thải ở Đa Phước và Đông Hưng Thạnh, Hóc Môn, Sài Gòn.
Xe rác của những người mưu sinh từ rác. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Xe rác của những người mưu sinh từ rác. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)
Người ta nói đây là một công trình qui mô kiểu Mỹ trong qui trình xử lý rác thải. Nghe nói công trình nầy đã vấp phải nhiều tai tiếng vì có quá nhiều quan chức chính quyền muốn tranh giành món lợi béo bở nầy vì trong việc thu gom rác này nhà nước cũng phải bỏ một mớ tiền không nhỏ ra để xử lý rác.
Rác vàng rác bạc… là vậy nên không ai chịu nhả ra món lợi béo bở hôi hám này, một khi nó được “chế biến” trở lại thành những vật dụng hữu ích cho con người. Với một đất nước lạc hậu như Việt Nam thì chuyện rác gần như chuyện “vứt đi” và đương nhiên họ chỉ biết làm sao để đốt hay chôn nó thật sâu cùng với với rất nhiều phí tổn mà không hề biết rằng nó là một ngành nghề đẻ ra tiền.
Bởi vậy nên những người lượm rác vẫn tồn tại cùng với những đống rác ngất ngưỡng mà con người thải ra hàng ngày. Như một vòng tuần hoàn của sinh tử, ăn vào cho ra, sử dụng lại những thứ mình đã vất đi, chỉ khác ở đây người ta đang phải dùng lại toàn những thứ chỉ sạch hơn một chút khi đã được tẩy xút bằng hóa chất bởi một qui trình khủng khiếp mà chỉ Việt Nam mới có được.
Một chị nhặt rác thải tâm sự: “Mỗi ngày làm việc từ trưa cho đến khuya sáng cùng với bao thứ rác rưởi kinh hoàng – cố gắng lắm cũng kiếm được trăm bạc. Hôm nào “ trúng mánh” được những thứ rác sạch thì giá có cao hơn một chút không thì với những thứ “rác rưởi đến tận cùng” thì công sá không bao nhiêu vì giá thấp muốn khóc.
Nhà thầu họ mua hết, nhưng thứ nào có giá đó, nên khi đem bán thì họ chỉ cần nhìn vô mặt hàng khô hay ướt, sạch hay dơ, là họ có thể lên cân và ra giá, và người bán như em thì chỉ biết gật đầu cám ơn nhận tiền rồi đi. Đừng có mơ trả treo vì rác sẽ không có đường quay trở về nơi chốn nó đã được “bươi móc” ra.

Chuyện về rác và những mưu sinh cực nhọc của nó thì không vui nhưng buồn thì không có chỗ dừng. Vì rác đã và đang đem lại cho những con người nghèo khó miếng cơm manh áo. Nhờ rác mà những con người vật vờ đau khổ không bao giờ dám ngẩng cao đầu kia vẫn sống và hi vọng vào một ngày mai rác sẽ thơm hơn trong một xã hội sạch hơn.

No comments:

Post a Comment