Số tiền 500 triệu USD là thỏa thuận giữa chính quyền CSVN với Formosa Hà Tĩnh. Đối với các gia đình và cá nhân bị thiệt hại từ việc Formosa Hà Tĩnh xả thải, thì chưa có thỏa thuận nào về vấn đề này. Do đó cần thiết nhanh chóng thực hiện các bước khởi kiện dân sự để yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải đền bù thỏa đáng cho người dân.
Theo luật sư Trai, “Nếu tôi là ngư dân thì tôi sẽ tìm cách để đòi hỏi quyền lợi cho mình. Tôi sẽ tập hợp bà con xóm biển thành một nhóm, lập danh sách những người bị ảnh hưởng từ vụ cá chết rồi phân loại theo nhóm. Nhóm ngư dân không thể đi biển đánh bắt cá, nhóm vợ con mất việc phụ ở nhà, nhóm tiểu thương bị ảnh hưởng vì bán chẳng ai mua”.
Một số luật sư tại Sài Gòn sẳn sàng trợ giúp miễn phí cho ngư dân việc khởi kiện Formosa ra tòa. Trước mắt, nếu được sự ủy quyền của ngư dân, các luật sư sẽ lên danh sách gồm tên tuổi địa chỉ, tính toán con số thiệt hại thu nhập hàng tháng do không thể đánh bắt hoặc bán được cá, xin xác nhận của chính quyền xã, và xác nhận của hiệp hội đánh bắt thủy sản, nếu như có tham gia hiệp hội đó.
Về tính toán thời gian yêu cầu bồi thường thì có thể trao đổi tham khảo thêm với những ngư dân có kinh nghiệm, với hiệp hội nghề cá, hội đánh bắt thủy hải sản, tham khảo ý kiến của bộ tài nguyên môi trường về việc bao lâu nữa ngư dân mới lại ra khơi?
Luật sư Trần Thành (Sài Gòn) nói rằng các căn cứ pháp lý cho vụ kiện này là theo quy định từ điều 159 đến điều 165 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (hiệu lực từ 1-1-2015), Điều 53 Hiến pháp 2013 của CSVN, Điều 200 Bộ luật dân sự 2005, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao CSVN. Theo đó, đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp thì chủ thể có quyền đòi bồi thường là tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.
Luật sư Ngô Ngọc Trai kêu gọi: “Để làm những việc này hỗ trợ cho bà con ngư dân thì cần có sự tham gia của các nhà hoạt động xã hội dân sự, các luật sư và tất cả những ai quan tâm chia sẻ”.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment