Tuesday, June 14, 2016

Trường Sa: Ngư dân Việt đối mặt với đủ loại tàu Trung Quốc

ÐÀ NẴNG (NV) - Hiện nay mỗi khi ra đảo Trường Sa đánh bắt cá, ngư dân Việt Nam thường xuyên “chạm trán” với của đủ chủng loại tàu thuyền Trung Quốc hoạt động như “sân nhà” của mình.


Ðây là chiếc tàu cá xóa số hiệu, nghi là tàu giả dạng làm nhiệm vụ trinh sát. (Hình: Thanh Niên)

Với các ngư dân Bình Thuận, Bình Ðịnh, Phú Yên, Ðà Nẵng... chuyên đánh bắt hải sản ngoài Trường Sa, việc “chạm trán” tàu Trung Quốc từ tàu cá, tàu kéo, khảo sát biển, hải cảnh, hải giám, hải tuần và cả tàu chiến đấu... đã trở thành “cơm bữa.”

Thanh Niên ngày 14 tháng 6 dẫn lời ông Trần Quang Phố (43 tuổi), xã Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận, thuyền trưởng tàu cá BTh-96689.TS, đã có thâm niên hơn 20 năm đánh bắt hải sản tại ngư trường Trường Sa cho biết, số lượng các tàu Trung Quốc tăng đột biến ở vùng biển Trường Sa bắt đầu từ thời điểm cuối năm 2013, khi họ tập trung các loại tàu thuyền bồi đắp, xây dựng trái phép trên 7 bãi đá cưỡng chiếm của Việt Nam từ hồi cuối những năm 80.

Tăng đột biến là các tàu cá bọc sắt.


Tàu cá Trung Quốc khởi động máy dọa nạt khi tàu Việt Nam tiến đến gần. (Hình: Thanh Niên)

Trước thời điểm 2013, các tàu cá Trung Quốc đi thành tốp 3-5 chiếc với tàu hậu cần để hỗ trợ nhau đánh bắt dài ngày. Nhưng hiện nay, do đã cơ bản hoàn tất việc xây dựng trái phép ở các bãi đá, các tàu cá thường đi riêng lẻ và dễ dàng cập vào âu tàu trong bãi để tiếp tế, nghỉ ngơi. Ðặc biệt, nhiều tàu cá bọc sắt không chỉ đơn thuần đánh bắt hải sản mà thường xuyên đi sát các đảo của Việt Nam dò la.

Tàu đánh cá khủng của Trung Quốc trên vùng biển Trường Sa, được gọi là “tàu mẹ.” Mỗi khi tới điểm đánh bắt, “tàu mẹ” dừng lại thả các “tàu con” (xuồng nhỏ) xuống biển, tỏa đi đánh bắt, xong lại cẩu hoặc kéo “tàu con” đến điểm đánh bắt khác. “Tàu mẹ” còn có chức năng bảo đảm hậu cần dài ngày và thu mua hải sản...

Chưa hết, thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc xóa số hiệu, cùng với nhiều tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần và cả tàu chiến đấu hoạt động quanh các đảo trong toàn quần đảo Trường Sa của Việt Nam như “sân nhà” của mình. (Tr.N)

14-06-2016 2:25:08 PM 

No comments:

Post a Comment