Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-06-14
Cá đông lạnh nhiễm độc trong kho của Vựa cá Dũng Thuộc tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị hôm 13/6/2016. Courtesy photo
30 tấn cá nhiễm độc phenol tại Quảng Trị đang là vấn đề lớn của chính phủ. Thế nhưng thái độ im lặng của cơ quan chức năng cộng với biện luận của chuyên gia liên quan đến an toàn thực phẩm càng làm cho dư luận trở nên mất phương hướng và vì vậy việc giải quyết càng mù mờ và khó khăn hơn.
Nhiễm độc nhưng có thể ăn?
Ngày 7 tháng 6 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra số hải sản tại vựa cá Dũng Thuộc tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh phát hiện 30 tấn cá nục có hàm lượng phenol là chất cấm dùng trong thực phẩm. Việc phát hiện này làm bùng lên sự lo ngại trong người dân và giải pháp cho phép người dân được mua bán cá nếu chúng được đánh bắt xa bờ của Bộ trưởng Cao Đức Phát phải phá sản.
Phát hiện này gây thiệt hại lớn và trước nhất là cho chính người chủ vựa cá là bà Lê Thị Thuộc, vì với trên 100 tấn cá trong kho của bà chắc chắn sẽ không bán được cho ai vì chất độc phenol, mặc dù không phải tất cả số cá đều nhiễm độc nhưng với người tiêu dùng họ không thể liều lĩnh đem mạng sống của cả gia đình ra làm vật thí nghiệm cho một bữa ăn được nấu bằng những con cá chết vì chất độc.
Tôi chắc chắn với anh là khi cá bị chết một cách tự nhiên như thế mà chưa xác định được nguyên nhân chứ đừng nói là đã xác định được nguyên nhân thì đều không được sử dụng.
-Nguyễn Thị Kê
Số cá này ban đầu người dân tưởng là do ham lợi nên chủ thu mua từ các ghe thuyền địa phương nhưng khi báo chí tìm hiểu mới biết là số cá này bà Thuộc đã mua từ tàu đánh bắt xa bờ và bà có giấy chứng nhận an toàn do địa phương cấp. Nói với phóng viên báo VNExpress bà Lê Thị Thuộc bày giải:
“Cá đó chỉ lấy ở Quảng Trị, Quảng Bình, tàu đánh bắt xa bờ vào từ 30 hải lý trở ra, số lượng 1 cân là 25 ngàn là giá tiền còn khô thì 65 ngàn. Vì nhà nước nói biển khơi là an toàn nên dân mua trong giai đoạn đi biển về mà cá làm ra không ai ăn, mình là vựa cá thì mình phải mua cho tàu cất vào kho cái đã để giải quyết cho tàu bè cái đã vì khi cập vào thì nhà nước nói là cá an toàn ở biền khơi thì mình mua vào.”
Lệnh của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trước đó vài ngày đưa ra cho người dân Thừa Thiên – Huế rằng nếu cá được đánh bắt xa bờ từ 20 hải lý trở lên thì hoàn toàn có thể tiêu thụ được.
Theo thông tin từ các nguồn độc chất và thực phẩm cho biết phenol là chất có tính độc. Nó làm co giật, ngất, trụy tim, hư thận, gan và gây bỏng nặng nếu tiếp xúc trực tiếp vào da.
Phát xít Đức từng dùng phenol để chế tạo hơi ngạt giết người hàng loạt do tính năng tấn công hệ hô hấp và thần kinh của con người của nó. Nó không giết người ta ngay nhưng nó mang lại cái chết êm ái vì nó thơm như mùi xăng thơm.
Mặc dù phenol được biết tới là một độc chất nhưng một chuyên gia giảng dạy tại Đại học Bách Khoa Hà Nội là PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh chuyên gia Viện Công nghệ Sinh học và thực phẩm của trường cho rằng cá nục nhiễm phenol không đáng ngại nếu rã đông tốt thì có thể ăn được.
Theo PGS Thịnh, phenol là chất độc nhưng mức độ ảnh hưởng đến cơ thể thế nào còn phụ thuộc vào nồng độ hấp thụ, chưa kể phenol khi vào cơ thể sẽ được bài tiết một phần qua da, nước tiểu.
PGS Thịnh khẳng định: “Với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu một gia đình 4 người ăn 1kg thì nồng độ chỉ còn 0,009mg/ngày. Lượng ăn này không nhiều, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên không đáng ngại”
Từ nhận định trên ông Thịnh cho rằng không nhất thiết phải tiêu huỷ vì 30 tấn cá rất nhiều tiền, có khi cả cơ nghiệp của người dân. Hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước, nên có thể xử lý bằng cách rã đông cá tự nhiên và sau đó người dân có thể dùng được.
Nhận xét này của ông Thịnh nhanh chóng lan ra khắp nơi và số người phản biện ngày càng nhiều. Giáo sư Nguyễn Thị Kê nguyên giám đốc Viện Vệ sinh y tế công cộng thuộc Bộ Y tế cho biết:
“Tôi chắc chắn với anh là khi cá bị chết một cách tự nhiên như thế mà chưa xác định được nguyên nhân chứ đừng nói là đã xác định được nguyên nhân thì đều không được sử dụng hết. Xử lý không phải là đổ xuống hồ, xuống sông đâu mà người ta chôn hay cho hóa chất vào để mà tiêu hủy. Vừa rồi tại các tỉnh miền Trung người ta đều có chỉ đạo làm như vậy hết.”
Bác sĩ Đinh Đức Long cho biết nguyên tắc căn bản của chất độc khi vào cơ thể con người khác xa với các loại sinh vật khác vì chất độc không thể tiêu diệt bằng cách đun nóng:
“Tôi không phải chuyên gia sâu về nhiễm độc học nhưng chất đấy theo tôi biết không được sử dụng trong thực phẩm, như vậy nó là chất cấm. Nếu đã là chất không bình thường rồi thì anh có nấu chín chăng nữa thì nó vẫn nằm trong thức ăn thôi trừ phi nó là sinh vật thì anh nấu chín nó sẽ chết, tất nhiên ở một nhiệt độ cao nhất định còn bình thường khi là chất hóa học thì anh có nấu gì thì nó vẫn còn trong thức ăn và nếu sử dụng thì chúng ta sẽ gặp hậu quả.”
Dễ làm người dân hiểu lầm
Chúng tôi đã ba lần gửi công văn lên chính phủ đề nghị nhanh chóng tâp trung tìm ra nguyên nhân, bởi vì không có nguyên nhân thì không nói được gì cả.
-Ông Nguyễn Tử Cương
Căn cứ trên những nhận xét từ một chuyên gia về công nghệ sinh học như PGS TS Nguyễn Duy Thịnh rất dễ làm người dân tin vào văn bằng và học vị của ông, tuy nhiên ông không chứng minh được một lượng nhỏ Phenol trong cơ thể không nguy hại ngay nhưng sau nhiều lần nghe theo lời khuyên của ông mà người dân tiêu thụ số cá có lượng phenol ngày càng chồng chất trong cơ thể họ thì sự nguy hại có bằng 30 tấn cá hiện nay hay không?
Trong khi cá chết làm cho người tiêu dùng lo sợ thì chính bản thân người sống về nghề cá mới chịu thiệt hại nặng nề hơn ai hết. Hàng triệu người dọc duyên hải miền Trung phải phơi thuyền chờ chính sách của nhà nước đối với nghề nghiệp của họ.
Từ việc im lặng cho tới kéo dài thời gian công bố nguyên nhân cá chết đã khiến người làm cá ngày thêm điêu đứng hơn. Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Hiệp hội nghề cá Việt Nam cho biết:
“Chúng tôi đã ba lần gửi công văn lên chính phủ đề nghị nhanh chóng tâp trung tìm ra nguyên nhân, bởi vì không có nguyên nhân thì không nói được gì cả. Phải tìm ra nó là chất độc gì, có phải là chất độc không, nó tồn dư bao nhiêu lâu và nếu có những câu trả lời đó thì mới thông mọi lời giải.”
Ông Nguyễn Tử Cương cũng cho biết những hỗ trợ tạm thời của nhà nước:
“Hội thì không có gì cả vì hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng hội đã kiến nghị chính phủ hỗ trợ cho dân. Cứ mỗi một gia đình có nghề đánh bắt cá hay nuôi trên biển hay ven biển mà bây giờ không thể làm nghề được thì mỗi hộ, mỗi người trong hộ bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo một tháng. Nếu họ đã vay nợ thì khoan yêu cầu trả nợ, tức là cho giãn nợ lại. Nều mai mốt có hướng cụ thể rõ ràng rồi, khi họ quay lại sản xuất thì nợ cũ phải cho lui và cho vay nợ tiếp, vay tiếp ngân hàng để mà phát triển sản xuất.”
Câu hỏi lớn nhất người dân vẫn thường hỏi nhau: khi nào thì việc ăn cá mới an toàn để cho ngư dân tiếp tục ra khơi?
Câu hỏi này ngày nào nhà nước chưa công khai trả lời cho dân chúng thì ngày ấy thông tin lệch lạc về cá chết vẫn còn làm cho xã hội nghi hoặc. Với hàng trăm câu chuyện có liên quan đến Formosa và số tiền mà tập đoàn này bị nghi là hối lộ để bịt miệng quan chức chính phủ sẽ phủ lên bờ biển Việt Nam nhiều tang thương hơn thế.
No comments:
Post a Comment