Tuesday, June 14, 2016

'Quy hoạch cán bộ': chiêu bài để các băng, nhóm sắp đặt người

HÀ NỘI (NV) Trong khi những thắc mắc về việc điều động, bổ nhiệm cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh chưa được trả lời thì vừa có thêm những thắc mắc nữa về ông Vũ Quang Hải, 30 tuổi là con trai ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương Việt Nam, vừa nghỉ hưu hồi tháng 4, 2016 vừa qua.


Ông Vũ Quang Hải, “đại diện thế hệ trẻ” tuyên thệ sẽ đoàn kết, tận tâm, tận lực để phát huy truyền thống đưa Sabeco vươn xa. Về Sabeco, lương của ông Hải khoảng 500 triệu đồng/năm. (Hình: Dân Trí)

Hiệp Hội Các Nhà Ðầu Tư Tài Chính Việt Nam - thường được gọi tắt là VAFI, vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương giải thích tại sao bộ này lại bổ nhiệm ông Hải làm thành viên Hội Ðồng Quản Trị, kiểm soát phần vốn của nhà nước (90%) tại Tổng Công Ty Bia Rượu Nước Giải Khát Sài Gòn - thường được gọi tắt là Sabeco. Vì là thành viên Hội Ðồng Quản Trị nên ông Hải được sắp đặt để đảm nhận vai trò phó tổng giám đốc của Sabeco.

VAFI vạch ra nhiều điểm bất thường trong con đường thăng tiến của ông Hải. Năm 24 tuổi dù không hề có kinh nghiệm quản lý-điều hành, ông Hải vẫn được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Tổng Công Ty Ðầu Tư Tài Chính của Công Ðoàn ngành dầu khí Việt Nam - một trong những doanh nghiệp do cha của ông chỉ đạo. Trong hai năm làm tổng giám đốc của doanh nghiệp vừa kể, ông Hải tạo ra khoản lỗ khoảng 200 tỉ đồng.

Sau đó, ông Hải được Bộ Công Thương rút về làm cục phó Cục Xúc Tiến Thương Mại và chỉ một năm sau, ông được đưa về Sabeco. VAFI thắc mắc, Bộ Công Thương căn cứ vào đâu để đưa một người như ông Hải về Sabeco (?).

Sau khi VAFI chất vấn, một vài tờ báo Việt Nam vừa tiết lộ, trước khi “điều động” ông Hải về Sabeco. Ông Hoàng - cha ông Hải đã điều động ông Võ Thanh Hà, thư ký của mình về làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của Sabeco!
Cần nhắc lại rằng, tuần trước, báo chí Việt Nam vừa lật lại hồ sơ về ông Trịnh Xuân Thanh, 50 tuổi. Ông Thanh, một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Ðại Học Kiến Trúc năm 1990, sau đó sang Ðông Âu “làm ăn.” Năm 1995, ông Thanh quay về Việt Nam và năm 1996 được bổ nhiệm làm lãnh đạo một công ty của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM.

Ðến năm 2000, ông Thanh chuyển qua làm phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng Công Ty Sông Hồng, sau đó được đề bạt làm phó tổng giám đốc rồi làm tổng giám đốc của Tổng Công Ty Sông Hồng cho đến năm 2007, ông Thanh chuyển qua Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC).

Năm 2010, Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam được vinh danh là một trong mười “Sao Vàng Ðất Việt.”
Giữa năm 2013, người ta phát giác PVC thua lỗ 3,200 tỉ đồng! Ông Thanh lúc đó là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của PVC đột nhiên được rút khỏi PVC để về làm trưởng văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung. Vài tháng sau, vào đầu năm 2014, thủ tướng Việt Nam chỉ đạo điều tra-xử lý các sai phạm khiến PVC thua lỗ nghiêm trọng, nhiều thuộc cấp của ông Thanh bị tống giam, còn ông Thanh thì quay trở về Hà Nội làm... chánh văn phòng Ban Cán Sự Ðảng của Bộ Công Thương.

Năm 2015, ông Thanh được “luân chuyển” về tỉnh Hậu Giang.

“Luân chuyển” là bước khởi đầu của tiến trình chuẩn bị cho việc bổ nhiệm các viên chức đã được lựa chọn trước để đảm nhận những chức vụ cao hơn và quan trọng hơn (từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam gọi tiến trình lựa chọn trước về nhân sự lãnh đạo từ trung ương đến địa phương là “quy hoạch cán bộ”).

Trong trường hợp của ông Thanh, “luân chuyển” từ Bộ Công Thương về tỉnh Hậu Giang là bước khởi đầu để trở thành một trong các viên chức lãnh đạo chính quyền Việt Nam.

Áp lực của dư luận đã khiến ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN yêu cầu phải điều tra về những vấn đề có liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Ông Trần Công Chánh, bí thư tỉnh Hậu Giang - người mà tuần trước vừa bảo với báo chí rằng, việc công an Hậu Giang cấp biển số dành cho công xa để ông Thanh gắn vào xe riêng (một chiếc Lexus 570, trị giá khoảng 6 tỷ đồng) là... điều bình thường, đừng nên làm ầm ĩ, vừa lên tiếng xin “rút kinh nghiệm.”

Ông Trần Lưu Hải, cựu phó Ban Tổ Chức của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN, mới bảo với báo chí là ông Thanh không nằm trong danh sách “quy hoạch cán bộ” do Bộ Chính Trị của đảng CSVN phê duyệt. Ông Thanh được điều động về tỉnh Hậu Giang là do thỏa thuận giữa... Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.

Tiết lộ vừa kể xác nhận điều mà công chúng đồn đãi từ lâu, đó là các băng nhóm đang thao túng hệ thống công quyền Việt Nam không còn khoanh gọn trong phạm vi một ngành hay một địa phương mà đan xen chằng chịt giữa nhiều ngành, nhiều cấp.

Chuyện các viên chức lãnh đạo đảng, lãnh đạo chính quyền từ trung ương đến phường, xã sử dụng “quy hoạch cán bộ” để sắp đặt con cháu, thân nhân kế nhiệm mình đã trở thành bình thường. Phản ứng của dân chúng, báo giới thường là không đi tới đâu vì kết quả các cuộc kiểm tra đều giống nhau: Việc sắp đặt là “đúng qui trình.” (G.Ð)

14-06-2016 1:26:43 PM 

No comments:

Post a Comment