CTV Danlambao - Ngày 2/6/2016, Dân Làm Báo có đưa tin về việc “Công an đứng nhìn côn đồ tấn công nông dân giữ đất” tại Bắc Giang liên quan đến dự án sân golf dịch vụ Yên Dũng do Công ty Cổ phần QNK Bắc Giang làm chủ đầu tư.
Theo diễn biến sự kiện trước đó, hàng trăm công an sắc phục lẫn thường phục từ nhiều đơn vị khác nhau như Cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, công an, an ninh và các lực lượng hỗ trợ cùng đại diện các cấp chính quyền tại Bắc Giang đã tổ chức cưỡng chế người dân bàn giao đất tại hồ chứa nước Bờ Tân thuộc thôn Bình An, xã Tiền Phong cho dự án sân golf Yên Dũng.
Trong số những người bị tấn công tại buổi cưỡng chế này còn có cả một nữ phóng viên thuộc báo Tài Nguyên Môi Trường. Theo lời người dân có mặt tại hiện trường kể lại, nữ phóng viên bị một phụ nữ bịt mặt xông vào cướp hai điện thoại và giật giỏ xách khi đang cố gắng tác nghiệp. Điều đáng nói ở đây là việc tấn công và cướp giật xảy ra trước sự chứng kiến của hàng trăm công an mà không một ai can thiệp.
Công an huyện Yên Dũng sau khi tiếp nhận thông tin phóng viên bị cướp giật đến nay vẫn chưa có động thái điều tra cụ thể. Theo một số nguồn tin từ những người thuộc ban dự án sân golf, Dân Làm Báo được biết công ty QNK đã nhờ công an dàn xếp vụ việc để trả lại điện thoại cho người bị cướp.
Làm sân golf liệu có chắc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hay không?
Tại Việt Nam hiện nay, có hơn 130 sân golf, và thực tế lượng khách đến sân gần như không cân bằng đủ nguồn thu cho các doanh nghiệp. Đa phần các đơn vị kinh doanh sân golf chủ yếu thu lợi từ việc bán đất nền để xây biệt thự nghỉ dưỡng.
Nếu thử khảo sát ở các sân golf người ta sẽ thấy dân đến sân golf thường xuyên ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở nhóm khách có “đặc quyền” miễn phí là các quan chức tại địa phương – những người đã bôi trơn cho các dự án lấy đất của dân lập sân chơi.
Công ty Cổ phần QNK Bắc Giang dự kiến đầu tư vào dự án sân golf Yên Dũng với tổng kinh phí đầu tư 1,625 nghìn tỷ đồng. Trong đó số vốn thưc mà Công ty QNK có là 325 tỷ (chiếm 20%), số còn lại 1.300 tỷ là vốn đi vay (chiếm 80%).
Khi xây dựng thiết kế sân golf ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, việc đánh giá tác động môi trường (DTM) là một bài toán cực kỳ quan trọng. Một dự án sân golf muốn đi vào kinh doanh thực tế phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của DTM. Tuy nhiên ở Việt Nam, các chủ đầu tư thường chạy vay hoặc đút lót để “mua” được giấy chứng nhận khá dễ dàng để tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường. Trên thực tế việc duy trì các thảm cỏ xanh tươi trên sân golf có thể sẽ làm cạn kiệt nước ngầm của nhiều vùng đất. Điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước dự trữ cho tưới tiêu nông nghiệp của các khu vực lân cận. Đây là lý do chính vì sao người dân tại thôn Bình An, xã Tiền Phong (Bắc Giang) phản ứng với dự án vì lo ngại hồ chứa nước Bờ Tân sẽ bị ảnh hưởng.
Dự án sân golf, dịch vụ Yên Dũng có tổng diện tích là 183,8ha sẽ bao gồm các công trình phụ trợ như: nhà hàng, khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng, khu resort, spa.. liệu có là một dạng đầu tư bền vững hay chỉ là chiêu thức lấy đất nông nghiệp, nguồn nước tưới tiêu của người dân để biến thành phương tiện kinh doanh cho nhóm lợi ích?
No comments:
Post a Comment