Friday, June 3, 2016

Tập Cận Bình dùng quân đội ngăn Mỹ xoay trục sang châu Á

Thu Hằng 
Theo RFI- 03-06-2016 11:54 
media
 Hải Quân Trung Quốc tuần tra trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh chụp ngày 09/02/2016. REUTERS/Stringer 
Từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay hiện đại hóa lực lượng quân sự, đặc biệt là kho hạt nhân. Căn cứ vào một số khía cạnh, cuộc cách mạng này nhằm cản đường chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ. Trên đây là nhận định của chuyên gia người Pháp Mathieu Duchâtel trong bài phỏng vấn được đăng trên nhật báo Pháp Le Monde, số ra ngày 29 và 30/05/2016.
An ninh tại châu Á và các cuộc xung đột hàng hải là một trong những chủ đề nghiên của Mathieu Duchâtel, trợ lý giám đốc chương trình châu Á tại Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu (ECFR). Ông từng làm đại diện tại Bắc Kinh từ 2011 đến 2015 của Viện Nghiên Cứu Hoà Bình Quốc Tế Stockholm (Sipri).
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng nói : « Quyền lực nằm trên đầu nòng súng ». Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang đi theo lời khuyên của bậc tiền bối. Từ năm 2012, trong mọi thông cáo mang tính chính trị, ông nhấn mạnh đến vai trò là người đứng đầu quân đội. Đến ngày 20/04/2016, ông chính thức trở thành “tổng tư lệnh” các lực lượng vũ trang, theo cách gọi của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Thâu tóm quân đội để phục vụ chính sách đối ngoại
Ngay tháng 09/2015, người đứng đầu nhà nước thông báo cải tổ sâu rộng cơ cấu của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (APL). Theo phân tích của nhà nghiên cứu Duchâtel, cuộc cải tổ này nhằm hai mục đích: thứ nhất là mang ý nghĩa chính trị nhằm mục đích kiểm soát; thứ hai mang tính tác chiến, nhằm thành lập thêm các cơ quan cho phép quân đội Trung Hoa theo đuổi quá trình hiện đại hóa. Nhiều mặt của tổ chức hùng hậu này đã tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng và hình thành các vùng ảnh hưởng độc quyền trong nội bộ quân đội. Đây cũng chính là những trở ngại để quân đội hiện đại hóa và ông Tập Cận Bình muốn xóa bỏ tình trạng này.
Về mặt đối ngoại, ông Tập Cận Bình đánh dấu sự khác biệt với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, thường bị trỉ chích là thiếu quyết đoán. Ngược lại, chủ tịch Tập luôn đưa ra những quyết định quan trọng tác động đến quốc tế, như xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn trong vùng Biển Đông, đưa giàn khoan dầu vào vùng chủ quyền của Việt Nam...
Hơn nữa, vì quân đội được hiện đại hóa nên tầm hoạt động của lực lượng này cũng được mở rộng. Không chỉ còn bảo vệ lợi ích chủ quyền tại các vùng có tranh chấp, từ giờ quân đội Trung Quốc có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ở nước ngoài.
Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân muốn khẳng định là một yếu tố chủ đạo trong vùng. Trong tay chủ tịch Tập Cận Bình, lực lượng quân sự Trung Quốc trở thành một công cụ để dẫn dắt chính sách đối ngoại của ông, chứ không chỉ còn đảm nhiệm vai trò phòng thủ như dưới thời các chủ tịch tiền nhiệm.
Chính trong bối cảnh này, vào tháng 02/2016, Bắc Kinh đã thông báo khởi công xây dựng một căn cứ tại Djibouti, căn cứ đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Chuyên gia Mathieu Duchâtel đánh giá, đây là một bước ngoặt chiến lược của Bắc Kinh, vì trước đây, Trung Quốc luôn tuân theo nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nước khác. Trong khi đó, ngoài phục vụ lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, căn cứ tại Djibouti còn tham gia chống cướp biển và hỗ trợ các chiến dịch gìn giữ hòa bình tại châu Phi.
Ngân sách giành cho quân đội của Trung Quốc chỉ đứng sau ngân sách của Hoa Kỳ, lên đến 130 tỉ euro. Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu người Pháp, Bắc Kinh không muốn chạy đua với Mỹ, mà nhằm cản trở chiến lược của Mỹ tại châu Á. Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan trong những năm 1995-1996 có thể giải thích cho những tham vọng hiện đại hoá Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân. Vào thời kỳ đó, Trung Quốc bất lực nhìn hai hàng không mẫu hạm Mỹ tuần tra tại vùng biển này mà không xua đuổi được.
Kho hạt nhân được cho là điểm chủ đạo trong kế hoạch trên vì Bắc Kinh không có tầu ngầm mang tính răn đe. Trung Quốc cũng nhận thấy dễ bị tấn công trước những kế hoạch phòng chống tên lửa của Mỹ và những chiến dịch tuần tra ngoài khơi Biển Đông. Vì vậy, Bắc Kinh áp dụng chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập - Anti-Access/Area-Denial (A2/AD).
Trung Quốc không còn nhún nhường như trước đây, mà tỏ ra hiếu chiến hơn. Điều này được ông Mathieu Duchâtel giải thích rằng Bắc Kinh đã có năng lực lớn hơn, đặc biệt là lực lượng tuần duyên được trang bị các phương tiện cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình. Lực lượng này có khả năng phản ứng khi ngư dân Philippines hay Việt Nam đánh bắt trong một số khu vực có tranh chấp chủ quyền.
Mỹ cản đường phát triển hạt nhân của Trung Quốc ?
Thế nhưng, đằng sau những hành động đó, còn có canh bài chiến lược xung quanh vấn đề hạt nhân với Hoa Kỳ, dù Bắc Kinh rất ít khi nhắc đến. Thực vậy, Trung Quốc có một căn cứ tầu ngầm được trang bị hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân tại đảo Hải Nam, trong vùng Biển Đông. Trung Quốc rất cần căn cứ này để đưa tầu ngầm ra khơi. Việc Mỹ can thiệp vào vùng Biển Đông bị Bắc Kinh xem là hành động cố ý ngăn cản Trung Quốc phát triển hạt nhân. Mức độ quan trọng của vấn đề này không được nhắc nhiều,  trong khi đó đây lại là một canh bài quan trọng.
Theo nhận định của ông Mathieu Duchâtel, việc tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam thể hiện rằng sức kháng cự trước các lực lượng hùng hậu của Trung Quốc tại Biển Đông không con mang tính đơn lẻ, mà từ giờ mang quy mô cấp vùng. Đối với Việt Nam và Philippines, cần phải tìm cách đối trọng với sức mạnh Trung Hoa, vừa bằng cách phát triển khả năng của mỗi nước, đồng thời phải tìm được các đồng minh hay bằng cách thắt chặt mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Trung Quốc có ngân sách quốc phòng còn lớn hơn tổng ngân sách của cả hai nước Việt Nam và Philippines gộp lại và cả hai nước đều thiếu khả năng. Dù sao, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam vẫn là một biểu tượng mang tính chính trị lớn.
Châu Âu vẫn cấm bán vũ khí cho Trung Quốc. Thế nhưng, các tập đoàn công ngiệp vũ khí châu Âu lại có chính sách đầy hoài bão tại khu vực Đông Nam Á. Họ tranh thủ tình hình để tìm kiếm thị trường mới và có mặt ở bất kỳ thị trường nào vẫn còn chỗ.
Về các tranh chấp tại Biển Đông, Liên Hiệp Châu Âu tuân theo một nguyên tắc : ủng hộ áp dụng luật biển quốc tế và đàm phán. Thế nhưng, vị thế này đã thay đổi, từ ủng hộ đối thoại sang hòa bình và một cách tiếp cận cụ thể hơn, trong bối cảnh Philippines đang chờ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye về những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc. Mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng vì phán quyết của tòa trọng tài mà châu Âu sẽ ủng hộ, còn Trung Quốc thì luôn phản đối.
Vậy, liệu Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận một cơ chế để tránh leo thang ? Theo ông Duchâtel, thực ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những thoả thuận để tránh sự cố trên biển và trên không. Các cuộc đàm phán liên quan đến biển Hoa Đông với Nhật Bản vẫn đang được tiến hành, nhưng hiện đang gặp trở ngại về vấn đề xác định vùng địa lý mà Bắc Kinh phải áp dụng. Về vấn đề Biển Đông, bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa Trung Quốc và khối ASEAN vẫn không bị loại trừ, nhưng lại không đúng thời điểm chính trị do Philippines đã đệ đơn lên tòa trọng tài quốc tế và các tranh chấp đang bị quân sự hóa.
Liệu có thể giải quyết được vấn đề chủ quyền trên quần đảo Trường Sa không ? Theo ông Mathieu Duchâtel, khu vực này có quá nhiều đảo nhỏ và bị nhiều nước khác nhau trấn giữ nên khó chia cắt được. Ông kết luận, có lẽ giải pháp khả quan là tất cả các nước có tranh chấp cùng đề ra một kế hoạch phát triển kinh tế chung.

No comments:

Post a Comment