Ngay sau khi xảy ra vụ cá biển chết đồng loạt ở miền Trung, theo chia sẻ với báo chí của một giám đốc doanh nghiệp thủy sản, khó khăn đã được nhìn thấy như phải kỹ lưỡng hơn trong khâu thu mua thủy hải sản, thận trọng hơn nếu muốn thay nước cho những diện tích nuôi tôm gần biển ô nhiễm.
Ngoài ra, tình trạng cá chết bất thường cũng tạo tâm lý lo âu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu tại miền Trung.
Theo đánh giá của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ngư trường Bắc Trung Bộ, nơi cá chết hàng loạt không phải là ngư trường chính của Việt Nam. Đây là khu vực quy tụ hàng ngàn loại thủy hải sản khác nhau, với sản lượng chưa đủ cho các lô hàng lớn và không ổn định. Chính vì thế, hoạt động đánh bắt nơi đây chủ yếu dành cho nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên thông tin cá biển chết gần 2 tháng vẫn chưa công bố, kèm phát ngôn đầy mâu thuẫn của Bộ trưởng Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn vào chiều ngày 2-6: “Các nhà khoa học nỗ lực tìm ra nguyên nhân và đã sớm tìm ra nguyên nhân. Nhưng việc điều tra cá chết là nhiệm vụ của nhiều cơ quan nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì thế cần phải rốt ráo xác định nguyên nhân."
Điều này đang đẩy các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản gặp khó vì trước đó, ngày 24-5-2016, Cơ quan thẩm quyền EU đã có văn bản cảnh báo tới các nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam, và yêu cầu các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng nói rằng thời điểm hiện tại việc phản biện không còn nhiều thuyết phục, vì các mẫu cá ở thời điểm đầu tháng 4/2016 được lưu tại phòng kiểm nghiệm đã hết hạn và sẽ được tiêu hủy, khiến việc truy tìm nguyên nhân chính xác khó khăn hơn rất nhiều.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment