VIỆT NAM (NV) - Trong khi đích thân ông Ashton Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ tới Singapore để tham dự đối thoại Shangri-La 2016 thì Trung Quốc chỉ cử Đô Đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng tới Singapore.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore NG Eng Hen (bìa phải), và Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter (thứ hai từ phải),
nghe giới thiệu về P-8, trước giờ khai mạc đối thoại Shangri-La 15. (Hình: US Navy)
Trung Quốc vốn không mặn mòi với các đối thoại Shangri-La và việc chỉ cử phó tổng tham mưu trưởng tham dự là nhằm giảm sức nặng của diễn đàn mà Trung Quốc vẫn cho là bị Hoa Kỳ thao túng.
Ngay trong ngày khai mạc đối thoại Shangri-La, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc khẳng định cuộc đối thoại lần này sẽ chẳng có gì lạ vì Hoa Kỳ tiếp tục lèo lái cuộc đối thoại.
Đối thoại Shangri-La là cách gọi diễn đàn thường niên về an ninh Châu Á giữa 28 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thường thì có thêm nhiều quốc gia, tổ chức khác quan tâm đến an ninh Châu Á dự khán.
Bắt đầu từ 2002, năm nay là lần thứ 15 đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore. Cuộc đối thoại lần thứ 15 diễn ra trong ba ngày, từ 3 đến 5 Tháng Sáu.
Giới quan sát thời sự quốc tế dự đoán, tại đối thoại Shangri-La lần này, Hoa Kỳ sẽ chỉ trích Trung Quốc kịch liệt và sẽ có nhiều quốc gia tán thành những chỉ trích đó.
Người ta tin rằng, tại đối thoại Shangri-La 15, Trung Quốc sẽ rất đơn độc vì không có quốc gia nào công khai bày tỏ sự tán thành các hành động của Trung Quốc trong thời gian vừa qua ở Biển Đông như: Bồi đắp nhiều bãi đá thành đảo nhân tạo, xây dựng các công trình quân sự và bài bố vũ khí trên chuỗi đảo nhân tạo đó.
Tháng trước, Liên Âu rồi tới các cường quốc thuộc nhóm G7 đều đã lên tiếng nhắc nhở rằng, trong vấn đề Biển Đông, các bên cần thượng tôn luật pháp quốc tế và được khuyến cáo rằng chỉ nên sử dụng các biện pháp ôn hòa để giải quyết bất đồng về chủ quyền. Trước khi lên đường đến Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ từng nhận định, cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông chẳng khác gì tự dựng một trường thành để cô lập chính mình.
Đại Tướng Petr Pavel, chủ tịch Ủy Ban Quân Sự NATO (Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương), cũng vừa tuyên bố tuy sẽ không can thiệp vào những vấn đề của các khu vực khác nhưng NATO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia ven Biển Đông phát triển khả năng quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và thực hành bảo vệ an ninh hành hải.
No comments:
Post a Comment