Chiếc phi cơ tuần thám đa năng mất tích khi đang thực hiện phi vụ tìm kiếm một thượng tá, tham mưu trưởng Trung Ðoàn Không Quân 923 và là phi công điều khiển chiếc Su-30MK2 bị rớt vào sáng 14 tháng 6, 2016, ở vùng biển bên trên đảo Mắt, thuộc tỉnh Nghệ An.
Phi cơ tuần thám loại C-212. Một chiếc loại này vừa mất tích khi tìm kiếm phi công bị mất tích ở đảo Bạch Long Vĩ. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Lý do cuộc tìm kiếm phi công điều khiển chiếc Su-30MK2 bị mất tích được mở rộng đến tận đảo Bạch Long Vĩ là vì sáng 16 tháng 6, lực lượng tìm kiếm-cứu nạn nhìn thấy một vật thể màu vàng, nghi là áo phao hoặc dù của phi công chiếc Su-30MK2 lâm nạn.
Báo chí Việt Nam cho biết, trên chiếc phi cơ tuần thám đa năng vừa mất tích có chín người. Trong đó có một đại tá tên là Lê Kiêm Toàn, lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn Không Vận 918.
Phi cơ tuần thám đa năng loại C-212 do hãng Airbus (Pháp) và BAE System (Hoa Kỳ) thiết kế, được sản xuất tại một nhà máy ở Tây Ban Nha. Ngoài khả năng tuần thám ven biển, C-212 có thể được sử dụng để vận chuyển lính dù, hàng hóa, tải thương. Hồi đầu thập niên 2010, Việt Nam đặt mua ba phi cơ tuần thám loại C-212 cho Cảnh Sát Biển và đã nhận đủ lô hàng này vào năm 2012.
Giống như các hợp đồng mua bán thiết bị quân sự khác, giá của hợp đồng này được giấu kín.
Với sự kiện một phi cơ tuần thám đa năng loại C-212 mất tích, trách nhiệm tìm kiếm-cứu nạn của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, giờ đã tăng từ một vụ thành hai vụ. Báo chí Việt Nam cho biết, thời tiết tại các vùng biển mà lực lượng tìm kiếm-cứu nạn của Việt Nam đang phải tìm cứu những người mất tích và các phi cơ lâm nạn rất xấu.
Tin mới nhất trên báo Tuổi Trẻ vào sáng 17 Tháng 6 (giờ Việt Nam) cho hay, 'ngay sau khi có tin báo sự việc trên, tàu của một số đơn vị đã cơ động đến vị trí máy bay CASA 212 mất liên lạc. Đến chiều tối ngày 16 tháng 6, ở hướng Tây Bắc của vị trí này, lực lượng tại thực địa đã vớt được một số mảnh vỡ. Ngay trong đêm 16 tháng 6, các hoạt động tìm kiếm vẫn được triển khai tích cực.'
Như vậy, việc tìm kiếm chiếc C-212 vẫn đang tiếp diễn và nhiều người loa ngại rằng đây là một vụ "tai nạn chồng lên tai nạn."
*Tiếp tục tìm phi công Su-30 mất tích còn lại
Ðối với vụ chiến đấu cơ Su-30MK2, mang số hiệu 8585 rớt vào sáng 14 tháng 6, rạng sáng ngày 15 tháng 5, một tàu đánh cá mang số hiệu HT-20219 của ngư dân Hà Tĩnh đã vớt được một trong hai phi công điều khiển chiếc chiến đấu cơ loại Su-30MK2.
Lúc đầu báo chí Việt Nam dẫn lời thuyền trưởng của tàu đánh cá này cho biết, ông ta nghe tiếng kêu cứu khi tàu đang thả neo nghỉ đêm trên biển nhưng không xác định được vị trí người bị nạn. Về sau, ông ta tìm thấy thiếu tá phi công lâm nạn nhờ người bị nạn đốt... diêm.
Ðó cũng là lý do Bộ Quốc Phòng Việt Nam bị dân chúng chỉ trích kịch liệt vì không trang bị đủ các phương tiện cần thiết để phi công điều khiển một chiến đấu cơ trị giá 50 triệu Mỹ kim, phải phát tín hiệu xin cứu mạng bằng... diêm. Ðến cuối ngày, báo chí Việt Nam đồng loạt sửa lại là phi công phát tín hiệu xin cứu mạng bằng pháo sáng nhưng pháo sáng chỉ phát ra một đốm sáng như... diêm.
Việc tìm cứu phi công còn lại của chiếc Su-30MK2 vẫn đang tiếp tục. Bộ Quốc Phòng Việt Nam loan báo đã điều động hàng ngàn người và hàng trăm phương tiện bao gồm cả tàu lẫn phi cơ tìm kiếm nhưng theo tường thuật của báo chí Việt Nam, phương tiện tìm kiếm chủ yếu vẫn là các tàu đánh cá.
Ngày 15 tháng 5, sau khi đưa tin, “Việt Nam vừa mất thêm một chiến đấu cơ mới mua của Nga,” Người Việt nhận được một góp ý cho rằng, số chiến đấu cơ Su-30MK2 mà Việt Nam đã mua chỉ có 36 chiếc chứ không phải 40. Thật ra 36 hay 40 chỉ là những con số được ước đoán vì chưa bao giờ Bộ Quốc Phòng Việt Nam công bố đã mua bao nhiêu chiếc Su-30MK2 từ Nga và giá mỗi chiếc là bao nhiêu (?).
Trong khi một vài tờ báo cho biết, Việt Nam có 36 chiếc Su-30MK2 thì thông tin rải rác trên báo chí Việt Nam và các hãng truyền thông quốc tế cho thấy, từ tháng 1 năm 2009 đến tháng 8 năm 2013, Việt Nam đã ký ba hợp đồng và số lượng Su-30MK2 mà Việt Nam đặt mua lên tới 40.
Người đưa ra góp ý vừa kể nhận định, đến năm 2009, Việt Nam mới đặt mua Su-30MK2 nên trước năm này, không thể có tai nạn nào liên quan đến Su-30MK2 tại Việt Nam và số lượng tai nạn liên quan đến Su-30MK2 không thể lên tới năm vụ.
Ðúng là Người Việt đã nhầm lẫn khi xác định về số lượng tai nạn liên quan đến loại Su-30MK2 (chỉ một chứ không phải năm). Su-30MK2 là loại Su-30 được thiết kế để chuyên thực hiện các phi vụ trên biển.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, không phải chỉ đến sau năm 2009 Việt Nam mới có Su-30. Các tài liệu lưu trữ cho thấy, ngày 6 tháng 12 năm 1997, một vận tải cơ loại An-124 của Nga bị rơi khi đang vận chuyển hai trong số 12 chiếc Su-27UBK cho Việt Nam. Sau đó, Nga đã giao hai Su-30MK đời đầu tiên cho Việt Nam, thay thế cho hai Su-27UBK đã vỡ nát cùng với vận tải cơ chở chúng.
Cũng cần nói thêm là dòng Su-30 nói chung và Su-30MK2 nói riêng không phải là loại chiến đấu cơ đáng tin cậy.
Ngày 23 tháng 9 năm 2013, khi thay động cơ cho một chiếc Su-30MK2, Không Quân Indonesia phát giác mối hàn trên khung của chiến đấu cơ này bị nứt. Ðến ngày 9 tháng 10 cùng năm, Không Quân Indonesia phát giác lỗi tương tự trên một chiếc Su-30MK2 khác. Hai chiếc Su-30MK2 vừa kể nằm trong lô sáu chiếc Su-30MK2 mà Indonesia ký hợp đồng mua của Nga hồi 2011. Indonesia đã giao trả cho tổ hợp Komsomolsk-on-Amur của Nga cả hai chiếc với yêu cầu phải thay khung phi cơ.
Trước đó, vào tháng 2 năm 2013, từng có một chiếc Su-30MKI của Không Quân Ấn bị rơi do cánh đột nhiên phát nổ.
Vào ngày 28 tháng 2 năm 2012, khi đang bay thử nghiệm ở vùng Viễn Ðông thuộc Nga, một chiếc Su-30 bị rơi do động cơ đột nhiên bốc cháy.
Trước nữa vào tháng 12 năm 2011, một chiếc Su-30MKI của Không Quân Ấn bị rơi ở Pune do hệ thống điện tử trục trặc. Hồi tháng 11 năm 2009, một chiếc Su-30MKI khác cũng của Không Quân Ấn bị rơi ở vùng Rajasthan vì động cơ bị cháy.
Thiếu Tá Nguyễn Hữu Cường, phi đội trưởng của một phi đội thuộc Trung Ðoàn Không Quân 923, một trong hai phi công bay trên chiếc Su-30MK2 bị rớt sáng 14 tháng 6 và được ngư dân cứu vào sáng 15 tháng 6, kể rằng, ông ta và phi công là tham mưu trưởng Trung Ðoàn Không Quân 923, quyết định nhảy dù sau khi trong buồng lái của phi cơ có một tiếng nổ nhỏ.
Liệu Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã tìm hiểu kỹ về các vụ tai nạn vừa kể khi quyết định ký hợp đồng để mua hàng loạt Su-30MK2?
Lâu nay, tại Việt Nam, chuyện mua sắm thiết bị quân sự, phương tiện quốc phòng, an ninh vẫn được xem như “cấm địa” với lý do cần bảo vệ “bí mật quốc gia.” Mua sắm thiết bị quân sự, phương tiện quốc phòng, an ninh vẫn là chuyện giới lãnh đạo quân đội, công an tự quyết định, không cần báo cáo và cũng chẳng có ai giám sát.
Hồi tháng 11 năm 2013, viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao của Việt Nam lúc đó tên là Nguyễn Hòa Bình đã từng đề nghị Quốc Hội Việt Nam giám sát việc mua sắm vũ khí cũng như các phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh vì... đó không thể chỉ là chuyện riêng của quân đội và công an.
Ông Bình nhấn mạnh, những thông tin liên quan đến phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh có thể là “nhạy cảm” nhưng chi phí mua sắm là tiền của dân nên khoản đầu tư này cần được kiểm soát để bảo đảm chúng được sử dụng đúng mục đích. Ông ta đề nghị Quốc Hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và giám sát việc mua sắm vũ khí, phương tiện cho quân đội, công an.
Tuy đề nghị của ông Bình được ông Lê Việt Trường, lúc đó là phó chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh của Quốc Hội Việt Nam, ủng hộ bởi ông Trường cũng thấy rằng “cần phải thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch cả trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh” nhưng các đề nghị đó chẳng đi đến đâu.
Giống như việc mua bán tất cả các phương tiện quốc phòng, an ninh khác, giá mua bán Su-30MK2 giữa Nga và Việt Nam vẫn được bảo mật. Các hãng tin quốc tế đưa ra nhiều con số khác nhau. Chẳng hạn theo Ria Novosti - một hãng tin của Nga thì hợp đồng mua bán 12 phi cơ loại Su-30MK2 hồi tháng 8 năm 2013 là 450 triệu Mỹ kim. AFP thì cho biết, giá mua bán lô Su-30MK2 này khoảng 603 triệu Mỹ kim. Còn trang web lenta.ru của Nga ước tính giá trị 12 chiếc Su-30MK2 đó khoảng 600 triệu Mỹ kim. Mức độ chênh lệch lên tới 150 triệu Mỹ kim. (G.Ð)
16-06-2016 1:02:13 PM
No comments:
Post a Comment