Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA 2016-06-16
Đồng đô la Mỹ (ảnh minh họa) AFP
Hôm thứ ba mùng bảy, một lần nữa, Ngân hàng Thế giới lại hạ thấp dự báo kinh tế toàn cầu năm nay là chỉ tăng trưởng có 2,4% thay vì 2,9%. Trước đó bốn ngày, thống kê lao động tại Hoa Kỳ cũng gây thất vọng về số tuyển dụng trong tháng năm, vì vậy Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ khó nâng lãi suất sau phiên họp định kỳ ngày 14-15 tháng này và điều ấy cũng ảnh hưởng đến trị giá đồng Mỹ kim trong trong luồng giao dịch toàn cầu… Nhân dịp này, chúng ta sẽ cùng nhìn lại tư thế của đồng đô la Mỹ…
Lãi suất đồng đô la ảnh hưởng thế giới
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chúng ta đang đi hết nửa năm đầu của 2016 và e chừng là biến động dồn dập ở nhiều nơi đang chi phối sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Đầu Tháng Sáu thì thống kê lao động bất lợi tại Hoa Kỳ khiến các thị trường dự đoán Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ khó tăng lãi suất trong tháng này như nhiều nền kinh tế đang phát triển đã lo ngại. Nhưng mươi ngày tới thì thế giới chờ đợi kết qủa trưng cầu dân ý hôm 23 tại Anh Quốc, với ảnh hưởng tai hại nếu nước Anh rút khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Giữa hai biến cố ấy, vụ khủng bố vào mờ sáng ngày 12 tại bang Florida của Mỹ khiến 51 người bị tàn sát là một nhắc nhở về sự bất ổn chung. Trong khung cảnh đó, ta mới nhìn lại dự báo của Ngân hàng Thế giới về đà tăng trưởng năm nay của kinh tế toàn cầu là chỉ có 2,4% mà thôi. Ông nghĩ sao về những biến cố này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, khi kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng bình quân có 2,5% thì đấy là tình trạng suy trầm, hay recession. Nếu tham khảo các luồng thông tin đa diện, thì ta thấy nơi nơi đều nói đến nguy cơ suy trầm và thực tế thì có khi đã bị hiện tượng đó mà chưa biết chỉ vì chưa kịp thu thập thống kê.
Các quốc gia đang phát triển lỡ vay tiền Mỹ quá rẻ lại bị khốn đốn và đây đó người ta nói tới vai trò Đế quốc của đồng Mỹ kim, như một ngoại tệ có tham vọng bá chủ!
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Khi Ngân hàng Thế giới điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 2,9% xuống còn 2,4% và giải thích rằng 40% của đà sa sút đáng ngại ấy đến từ các nước xuất khẩu thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu và từ các nền kinh tế đang phát triển, tức là vẫn còn nghèo, thì ta nghĩ ngay đến số phận của dân nghèo tại các quốc gia đó. Khi soạn thảo dự báo này từ vài tháng trước, Ngân hàng Thế giới chưa kết hợp được nhiều thông tin u ám của Việt Nam và đây mới là điều đáng ngại.
Nhìn rộng ra ngoài, chúng ta còn thấy một nghịch lý nữa là giữa những bất ổn chung và cả tình trạng lao động sa sút nhất từ sáu năm nay, kinh tế Hoa Kỳ vẫn lại khá hơn hết. Khi ấy, một câu hỏi được nêu ra là vì sao việc Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng hay không tăng lãi suất lại làm thế giới thất điên bát đảo? Kỳ này, tôi xin đề nghị là chúng ta sẽ tập trung vào đề tài ấy.
Nguyên-Lam: Thưa ông Nghĩa, Hoa Kỳ đang có cuộc tranh cử tổng thống và theo các cuộc thăm dò thì đề mục kinh tế đang được nhiều người quan tâm nhất vì nỗi lo âu hay vì thất vọng của họ. Trong cảnh ngộ đó, ông lại nói kinh tế Mỹ vẫn khá hơn hết và thế giới ngóng xem là nếu kinh tế khả quan thì lãi suất Hoa Kỳ sẽ tăng làm nhiều nước lại thất điên bát đảo. Thưa ông, đấy có phải là chuyện nghịch lý không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta đang sống trong một thế giới gọi là “nhất thể hóa” vì số phận các nước được giàng chung với nhau qua luồng giao dịch kinh tế. Nhưng thế giới đó cũng có nhiều nhận thức khác biệt về cùng một thực tế. Trong các xã hội dân chủ, người ta có quyền nêu ra nhận thức ấy vì lý do này hay lý do khác mà mình cần thấy ra để khỏi hiểu lầm.
Khi nạn Tổng suy trầm bùng nổ năm 2008-2009, nhiều người ở ngay bên Mỹ này vội nói đến ngày tàn của tư bản chủ nghĩa trên quê hương của nó và còn ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc khi ấy tăng vọt và sản lượng vượt qua Nhật Bản vào năm 2010 để đứng hạng nhì. Vì nạn Tổng suy trầm, Hoa Kỳ hạ lãi suất và bơm tiền kích thích kinh tế khiến Mỹ kim sụt giá; sự kiện ấy càng có vẻ xác nhận rằng nước Mỹ đến hồi suy vong và đồng bạc chỉ là giấy lộn đi tìm nơi có giá hơn ở bên ngoài. Thế nhưng, từ năm 2014, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo sẽ giảm dần mức bơm tiền và tỷ giá Mỹ kim tăng mạnh khiến luồng tư bản lại chảy ngược về Mỹ. Khi đó, các quốc gia đang phát triển lỡ vay tiền Mỹ quá rẻ lại bị khốn đốn và đây đó người ta nói tới vai trò Đế quốc của đồng Mỹ kim, như một ngoại tệ có tham vọng bá chủ!
Nguyên Lam: Quả thật là về nhận thức, Nguyên Lam thấy ra nhiều thái cực quá đáng, khi người ta nói thế này lúc thì luận thế nọ. Như là sau khi ca tụng sự kỳ diệu kinh tế Trung Quốc ngày nay ai cũng thấy nền kinh tế này đang sa sút và trông ngóng vào đầu máy kinh tế Hoa Kỳ mà có thời người ta cho là bị khủng hoảng. Thưa ông, thế thì sự thật nó nằm ở đâu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, đồng Mỹ kim có thể lên hay xuống giá thì đấy không hề là chỉ dấu về sự hưng thịnh hay suy vong của Hoa Kỳ. Cũng thế, việc Mỹ kim được sử dụng nhiều hay ít trong luồng trao đổi toàn cầu chẳng phản ảnh sức mạnh của nước Mỹ.
Sự thật thì Hoa Kỳ là siêu cường vì sáu yếu tố chủ yếu. Như về mặt địa dư thì có lãnh thổ vuông vức phì nhiêu, được bảo vệ bởi hai đại dương lớn nhất địa cầu; về kỹ thuật và công nghệ thì đấy là xứ tiến tiến nhất; về văn hóa thì nước Mỹ sùng chuộc tự do và sáng tạo; về tài chính và kinh tế thì xứ này có sự linh động biến báo; về chính trị thì dù ai cũng có quyền tranh luận phản bác, chẳng ai muốn phá bỏ chế độ; và về quân sự thì Hoa Kỳ vẫn chưa có đối thủ. Trải qua hơn 200 năm, trong sáu yếu tố nói trên thì cột trụ này khác có thể nhất thời nghiêng ngả, nhưng cả hệ thống vẫn bền vững và thừa khả năng ứng phó hoặc thay đổi mà không quốc gia nào có thể so sánh được.
Ngay trước mắt thì ngoài những tài nguyên thiên nhiên đa diện, kể cả dầu khí hay nước ngọt, 88% hàng hóa tiêu thụ của Mỹ là sản phẩm nội địa, chỉ có 12% là hàng nhập khẩu. Nghĩa là kinh tế xứ này không bị lệ thuộc nặng vào nguồn cung cấp từ thế giới bên ngoài. Mặt khác, xuất khẩu của Hoa Kỷ chỉ chiếm chừng 14% của Tổng sản lượng nên sinh hoạt kinh tế có lên hay xuống thì cũng chẳng tùy thuộc vào sức mua của thiên hạ. Trung Quốc, Đức hay Nam Hàn lại chẳng được như vậy vì lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hay tiêu thụ của thị trường khác.
Mỹ kim vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất
Nguyên Lam: Đấy là ta nói về nội lực của Hoa Kỳ và qua đó, Nguyên Lam còn thấy nước Mỹ nhập khẩu chỉ có 12% của yêu cầu tiêu thụ mà lại là nguồn xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới. Khi họ bán hàng vào Hoa Kỳ và nhận về đô la Mỹ thì tỷ giá lên xuống của đồng bạc đó mới ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của họ. Nếu Mỹ kim xuống giá thì điều ấy có lợi cho hàng của Hoa Kỳ bán ra ngoài, nhưng chỉ chi phối có 14% là tỷ trọng xuất khẩu mà thôi. Thưa ông Nghĩa, có phải như vậy không?
Thế giới ngày nay vẫn dùng Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất, vì thanh toán đến 45% lượng hàng trao đổi toàn cầu và chiếm tới 65% của khối dự trữ ngoại tệ của các nước.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung thì các quốc gia buôn bán nhiều với bên ngoài thì mới bị hiệu ứng nặng của tỷ giá hay hối suất đồng bạc. Hoa Kỳ đã có giai đoạn hạ lãi suất hoặc ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế khiến Mỹ kim sụt giá, nhưng không nhắm mục đích ngoại thương hay cạnh tranh bất chính như nhiều nước than phiền. Và trong khi Âu Châu, Nhật Bản cùng vài xứ khác đã hạ lãi suất dưới số không thì vì nhu cầu nội địa Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương Mỹ dự tính nâng lãi suất trong tháng này hay cuối tháng tới. Khi ấy, các thị trường đang phát triển như Brazil, Nga, Thổ hay Nam Phi đều rúng động vì lãi suất tại Mỹ mà tăng thì tư bản sẽ rút chạy về Hoa Kỳ khiến họ cũng phải nâng lãi suất dù kinh tế còn èo uột chưa mạnh. May cho họ là tình hình lao động lại chưa khả quan nên bà Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ Janet Yellen mới tạm nghe ngóng việc nâng lãi suất hay không, khiến các thị trường đang phát triển mừng quá lên giá vù vù! Chính là động thái của Hoa Kỳ, vì yêu cầu kinh tế bên trong nước Mỹ, chứ chẳng vì muốn gieo sóng gió cho thiên hạ, mà nhiều nước mới đả kích tư thế họ gọi là “Đế quốc” của đồng đô la! Sau cùng, cũng phải nói là ngoài đặc tính kinh tế của Hoa Kỳ như vừa trình bày, thế giới ngày nay vẫn dùng Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất, vì thanh toán đến 45% lượng hàng trao đổi toàn cầu và chiếm tới 65% của khối dự trữ ngoại tệ của các nước.
Nguyên Lam: Nếu như vậy, có lẽ chúng ta phải trở lại vai trò của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, là cơ quan độc lập có nhiệm vụ giữ gìn sự ổn định giá cả và đạt mức thất nghiệp thấp cho kinh tế Mỹ. Khi định chế này quyết định về chính sách tiền tệ và tín dụng cho nhu cầu riêng của Hoa Kỳ, kinh tế toàn cầu vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định ấy. Thưa ông Nghĩa, sự thể có phải là như vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đúng là như vậy. Trong khung cảnh đầy bất trắc của kinh tế Âu Châu, Nhật Bản và Trung Quốc, với viễn ảnh Anh Quốc có thể ra đi và núi nợ của Trung Quốc bị sụp đổ khiến kinh tế toàn cầu chấn động, các thị trường đang phát triển sẽ sa sút thì giới hữu trách về tín dụng và tiền tệ của định chế độc lập này tại Hoa Kỳ cũng phải cân nhắc. Cho nên, không phải Quỹ Tiền tệ Quốc Tế IMF, Ngân hàng Trung ương Âu châu hay Ngân hàng Trung ương Nhật mà Hội đồng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ mới giữ vai trò của ngân hàng trung ương toàn cầu. Người ta cứ nói đến ưu thế của Hoa Kỳ khi đồng Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ của thiên hạ nên Mỹ tha hồ in tiền ra xài. Thật ra, kiến trúc tài chính quốc tế xây dựng từ 70 năm nay cũng là một gánh nặng cho Hoa Kỳ với nhiều điểm bất lợi mà ít ai nhìn thấy, nhất là chính người Mỹ cũng còn không rõ.
Nguyên Lam: Nguyên Lam nhớ rằng từ mười mấy năm nay, nhiều nước than phiền về ưu thế quá đáng của Mỹ kim và muốn tìm ra một ngoại tệ có khả năng thay thế. Thưa ông, kết quả của chuyện ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng tư thế của một đồng bạc là kết quả của nhiều yếu tố tích lũy từ lâu, trước hết vẫn là niềm tin vào khả năng giao hoán trao đổi và tồn trữ giá trị. Không định chế quốc tế nào có thể đơn phương thông báo từ nay đồng bạc này hay tờ giấy nọ sẽ là loại tiền tệ lưu hành toàn cầu. Lãnh đạo Bắc Kinh mơ điều viển vông ấy khi vận động IMF chấp nhận đồng Nguyên của họ vào cái rổ ngoại tệ gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt hay SDR kể từ Tháng 10 năm nay, nhưng nay đang lo sốt vó về sự thăng trầm của Mỹ kim trong khi vẫn chưa dám thả cho đồng bạc của mình lên xuống theo phép cung cầu của thị trường.
Nếu thế giới có thêm nhiều đồng bạc mạnh khác thì có thể tránh được những dao động thái quá do đồng Mỹ kim gây ra. Nhưng chuyện ấy chưa xảy ra trong vài chục năm tới và nếu đồng Euro bị khủng hoảng nay mai vì Anh Quốc rút khỏi Liên Âu thì thiên hạ vẫn phải đổi tài sản qua Mỹ kim để khỏi bị thiệt, và chưa chắc là sẽ tín nhiệm đồng Nguyên của Tàu, khi ấy, đồng Nguyên lại càng mất giá và nạn tẩu tán tài sản càng làm Bắc Kinh khốn đốn nặng.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment