Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-06-15
Hình ảnh minh họa Courtesy change.org
Cá chết tại Việt Nam không hẳn chỉ người Việt trong nước mới là nạn nhân trực tiếp mà cho dù ở cách xa hàng chục ngàn cây số thì ám ảnh cá chết đối với người Việt sống ở nước ngoài không phải là nhỏ. Một trong những chống đối ấy là bức thư gửi cho bà Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ cũng như cơ quan FDA (Food & Drug Administration) báo động nguồn cá nhiễm độc từ Việt Nam do một nhóm chuyên gia Việt kiều soạn thảo.
Ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống
Ngay từ lúc tin cá chết dày đặc dọc 4 tình miền Trung người Việt sống ở Mỹ đã có hiện tượng ra chợ mua nước mắm về trữ trong nhà khi nghe tin cá chết được thu mua và chở về miền Nam để làm nước mắm. Câu chuyện tưởng như đùa này thật ra cho thấy mối quan tâm của người Việt xa xứ đến chính bữa cơm trong gia đình họ chứ hoàn toàn không bắt nguồn từ ý thức chia sẻ những biến cố trong nước có liên quan đến môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.
Mình ở nước ngoài có cuộc sống thảnh thơi hơn thì mình phải nghĩ đến những người còn đang nghèo đói ở quê hương của mình chứ không nên đi làm những việc tẩy chay cá của Việt Nam.
-Bùi Kiến Thành
Sự lo sợ hải sản hay cá xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ khiến người Việt nhiều nơi đã không dám ăn bất cứ loại cá nào từ biển Đông ngay cả nguồn cá từ Trung Quốc hay Đài Loan cũng bị nhìn dưới ánh mắt nghi ngờ. Hình ảnh những con cá chết trắng bờ xuất hiện hàng ngày trên mạng xã hội và Internet khiến giới trẻ hải ngoại chia sẻ mối lo về môi trường ngày càng nhiều bởi họ biết rằng cá, hải sản sẽ đến trực tiếp bàn ăn của họ và hậu quả nhiễm độc không phải là chuyện xa vời.
Từ những thực tế này một nhóm trí thức tại California quyết định lên tiếng với chính phủ Mỹ. Họ là dược sĩ Christina Cao, Joe Long và Kỹ sư hóa học Đỗ Thành Công cùng họp nhau lại soạn thảo văn bản gửi cho FDA yêu cầu kiểm nghiệm những lô hàng hải sản nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc Việt Nam. Bản kiến nghị này đang lưu hành trên mạng và tập trung chữ ký của mọi người bất kể người Việt hay Mỹ.
Ông Đỗ Thành Công, kỹ sư hóa học và là nhà tranh đấu cho dân chủ nhân quyền Việt Nam, người trực tiếp góp phần soạn thảo văn bản này cho biết lý do khiến ông và các bạn thực hiện việc này (*)
“Bên cạnh vấn đề liên lạc trực tiếp với FDA thì cá nhân tôi đã gửi thư thẳng cho bà Bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ cũng như tôi đã chuyển nội dung đó tới cho các dân biểu Nghị sĩ tại tiểu bang California. Chúng ta nên nhớ rằng Bộ y tế là cơ quan chính thức, đầu não và FDA chỉ là cơ quan phụ. Hiện nay tôi và anh chị em đã liên hệ và làm bản Onine Petition và đã nhận phản hồi không những của FDA mà trực tiếp từ văn phòng của bà Bộ trưởng Bộ Y Tế về vấn đề sức khỏe. Hiện nay tôi đang liên lạc văn phòng các dân biểu để cùng họ phản ứng mạnh mẽ để có hiệu quả tốt hơn trong vấn đề ngăn chặn hay giảm thiểu qua việc kiểm soát thực phẩm.”
Khi thăm dò phản ứng của giới chức trách nhiệm trong nước chúng tôi được TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn cho biết cảm nghĩ của ông:
“Tôi nghĩ câu chuyện không đáng lo ngại tới mức đó, nếu mình làm như thế thì thiệt hại đầu tiên là ngư dân của mình. Nhất là người ngư dân đánh cá ở biển xa đầu tư xây dựng đóng tàu, tổ chức đánh cá rất khó khăn và thực sự mức độ nhiễm đôc nó không ra ngoài dòng hải lưu ven bờ.”
Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế từ Mỹ về Việt Nam làm việc từ nhiều năm qua cho rằng việc tẩy chay hàng hóa Việt Nam sẽ làm cho người ngư dân khổ sở thêm và kinh tế Việt Nam từ đó sẽ gặp trở ngại cho vấn đề phát triển, ông nói:
“Lập trường của tôi là mình phải nghĩ tới vấn đề quốc gia dân tộc. Nghĩ tới cuộc sống, quyền lợi của người Việt Nam những cái gì mà đất nước có thể làm sao vươn lên để dân tộc trở nên giàu có cho nên những hành động làm phương hại đến quyền lợi kinh tế của đất nước của quê hương tôi thấy không hợp lý. Mình là người Việt Nam thì phải nghĩ tới quê hương đất nước hàng bao nhiêu triệu người đang sống lam lũ làm ăn bán lưng cho trời bán mặt cho đất đề sinh sống và phát triển. Mình ở nước ngoài có cuộc sống thảnh thơi hơn thì mình phải nghĩ đến những người còn đang nghèo đói ở quê hương của mình chứ không nên đi làm những việc tẩy chay cá của Việt Nam.
Hoàn toàn đồng ý là phải bảo vệ cho người tiêu dùng, không sử dụng những thức ăn độc hại. Không phải tất cả cá của Việt Nam đều như thế cả cho nên mình vơ đũa cả nắm rất có hại cho quyền lợi của đất nước, nhân dân cho nên những ai làm việc ấy thì nên suy nghĩ lại.”
Lên tiếng vì sự bưng bít thông tin
Lý do dẫn tới việc tẩy chay xuất phát từ thái độ im lặng của nhà cầm quyền cũng như Hà Nội đã thẳng thừng từ chối sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ khi đại sứ Mỹ đưa ra đề nghị tìm nguyên nhân cá chết. TS Đặng Kim Sơn chia sẻ:
“Tôi hy vọng sắp tới thời gian không xa chính phủ sẽ có ý kiến chính thức về chuyện này, nói rõ về nguồn gốc, mức độ phạm vi thiệt hại và nói rõ việc xử lý. Tôi thông cảm với lo lắng của người tiêu dùng nhưng tôi nghĩ rằng hiện nay các nguồn cá xuất khẩu đi chủ yếu là cá được đánh bắt xa bờ thì hoàn toàn có thể chắc chắn về độ an toàn.”
Nạn nhân trực tiếp là những người trong nước và nạn nhân gián tiếp là Việt kiều của chúng ta, tôi, anh và hàng triệu người Việt Nam hải ngoại sẽ tiêu thụ những thực phẩm độc như vậy.
-Đỗ Thành Công
Khi được hỏi trước khi soạn thảo bức thư gửi giới chức y tế Hoa Kỳ ông Đỗ Thành Công có chuẩn bị ý kiến chống đối dựa vào lý do bảo vệ cho người ngư dân Việt Nam hay không, ông Công cho biết:
“Chúng tôi có nghĩ đến điều đó chứ nhưng có một số vấn đề chúng ta phải nhìn nó như thế này. Thứ nhất, việc nguy hại từ vấn đề biển hiện nay không đánh cá được do ngộ độc. Tất cả các vùng biển đã trở thành những bãi biển chết. Tác nhân của nó trực tiếp hay gián tiếp từ đảng cộng sản Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội và nhà máy Formosa đó là điều đầu tiên nhất. Bây giờ nếu chúng ta không có thái độ gì cụ thể thì việc gì sẽ xảy ra? Nhà cầm quyền Hà Nội vẫn tiếp tục im lặng, họ không có chính sách nào cụ thể bảo vệ xuất khẩu. Chúng ta đã ghi nhận có rất nhiểu cá, hải sản bị nhiễm độc nhưng người dân tiếp tục thu mua và qua mặt hệ thống nhà nước để xuất khẩu ra nước ngoài. Bây giờ ai là nạn nhân? Nạn nhân trực tiếp là những người trong nước và nạn nhân gián tiếp là Việt kiều của chúng ta, tôi, anh và hàng triệu người Việt Nam hải ngoại sẽ tiêu thụ những thực phẩm độc như vậy.
Bây giờ nếu vì lo ngại rằng sẽ gây nguy hiểm cho ngư dân trong nước khi ngăn chặn hải sản. Nhưng ngược lại nếu không làm gì cả thì ngư dân cũng không thể đánh bắt cá vì không thể tiêu thụ những con cá độc như vậy. Chẳng lẽ chúng ta nhìn thấy độc hại như vậy mà vẫn tiếp tục im lặng cho nhà cầm quyền Hà Nội xuất khẩu những sản phẩm độc hại cho chính cá nhân chúng ta ăn. Chúng ta phải lo sức khỏe cho cá nhân mình trước còn cái hại cho ngư dân chúng ta đành chấp nhận thôi.”
Không những thực phẩm mà vấn đề du lịch từ Mỹ về Việt Nam của Việt Kiều cũng như khách ngoại quốc cũng là một dấu hỏi lớn trước sự im lặng của chính quyền Việt Nam. Sự lo sợ cá chết, biển nhiễm độc sẽ ngăn cản ý định du lịch của một số người và điều này được ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt chia sẻ:
“Ảnh hưởng thì là chuyện nhãn tiền không ai nói thì mình cũng biết rồi chỉ có điều là người ta chưa thống kê thôi. Ngoài miền Trung người ta rất sợ và nhất là gần đây tại Khánh Hòa, Phú Yên tôm cá chết làm nhiều người nghi ngờ cho nên du lịch biển Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, một là họ chuyển vùng du lịch tránh các biển miền Trung, thứ hai có nhiều khách thận trọng tới mức họ không chịu ăn hải sản những vùng mà họ nghi ngờ và họ đi chỗ khác để tham quan.”
Cá chết chưa thể nói là sẽ đi vào quên lãng khi có quá nhiều chuyện liên tiếp xảy ra lúc gần đây. Bản kiến nghị gửi cho FDA và Bộ Y tế Hoa Kỳ nếu đi vào áp dụng chắc chắn sẽ là mối lo mới nếu Hà Nội tin rằng im lặng cho qua cơn sóng dư luận là giải pháp tối ưu.
No comments:
Post a Comment