Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-06-16
Đợt thi tuyển công chức trực tuyến do Bộ Nội Vụ tổ chức trước đây. (ảnh minh họa) File photo
Việt Nam dân số 90 triệu nhưng có đến 11 triệu người hưởng lương và mang tính chất lương do ngân sách nhà nước đài thọ. Con số này bao gồm cán bộ, công chức, người ăn lương hưu, hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước, kể cả các hội đoàn nhà nước. Câu hỏi đặt ra là nhà nước Việt Nam xoay xở thế nào, để nuôi bộ máy Đảng và Nhà nước quá cồng kềnh như vậy, trong khi nợ công ở mức báo động, bội chi ngân sách lớn.
Cần tinh giảm bộ máy hành chánh
Nam Nguyên phỏng vấn Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề liên quan. Từ Sài Gòn, trước hết Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định:
LS Trần Quốc Thuận: Giải pháp thì đã có nhiều người nói và có thể đã thành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước từ nhiều năm về trước rồi. Đó là phải tinh giảm bộ máy hành chánh. Ông Nguyễn Xuân Phúc lúc là Phó Thủ tướng đã từng nói rằng, trong bộ máy Nhà nước chỉ có 1/3 làm việc, còn 2/3 không làm được việc. Bây giờ ở cương vị Thủ tướng ông ấy nên hành xử chuyện đó.
Nhưng mà vấn đề quan trọng hơn, người ta cũng nói các hội, đoàn thể, nên trả về vị trí chính thức của họ. Bà Phạm Chi Lan cũng có nói, những đoàn thể đó nên sống bằng kinh phí do hội viên đóng góp, chứ không đem kinh phí nhà nước ra nuôi bộ máy đó. Rồi xây trụ sở, rồi trang bị như một cơ quan hành chánh, thì ngân sách nào mà chịu nổi. Câu chuyện đó rất rõ và người ta cũng nói rất nhiều lần về chuyện đó.
Ông Nguyễn Xuân Phúc lúc là Phó Thủ tướng đã từng nói rằng, trong bộ máy Nhà nước chỉ có 1/3 làm việc, còn 2/3 không làm được việc. Bây giờ ở cương vị Thủ tướng ông ấy nên hành xử chuyện đó.
-LS Trần Quốc Thuận
Trong thời kỳ tôi làm việc, mười mấy năm về trước người ta cũng đặt vấn đề đó ra rồi. Cũng từng lớn chuyện là cần phải có một cuộc cải cách lớn về thể chế, cơ chế, trong đó người ta muốn nói là cần có cải cách mạnh về thể chế chính trị nữa. Bây giờ vấn đề đó cũng nên đặt ra và Bộ trưởng Lê Doãn Hợp mới vừa trả lời trên báo VietTimes trong nước, ông cũng nói phải cải cách mạnh. Nếu không với một bộ máy như thế này, cồng kềnh và không hiệu quả, thậm chí tham nhũng không trị được, thì uy tín cầm quyền của Đảng và Nhà nước này đã đến hồi lung lay dữ rồi.
Nam Nguyên: Ý kiến nêu ra trên báo chí có nói tới vấn đề bỏ hẳn biên chế suốt đời, đưa vào Luật Công chức thay thế biên chế suốt đời bằng hợp đồng lao động. Điều này có khả thi tại Việt Nam hay không, trên thực tế nhiều nước trên thế giới vẫn tồn tại công chức có lương hưu suốt đời?
LS Trần Quốc Thuận: Ý kiến đó trước đây cũng có nhiều người nói, cá nhân tôi cũng đặt vấn đề như thế, tức là nên có biên chế hợp đồng lao đồng có thời hạn và có thể kéo dài hợp đồng lao động đó bằng nhiều hình thức, từ 6 tháng dài nhất là 5 năm. Bây giờ trong thời gian quá độ như thế này, người ta nói người đi kháng chiến mới tham gia bộ máy nhà nước, còn khó khăn do học tập ít … bây giờ đã 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, không nên có một biên chế suốt đời… cũng có một số nước duy trì. Nhưng tôi được biết ở Úc, New Zealand họ đâu có biên chế suốt đời đâu. Như vậy tôi cho đó là một giải pháp rất tích cực và trong quyết tâm tinh giảm biên chế cũng cần có hình thức như thế. Chứ còn cứ để như thế thì không bao giờ giải quyết được… Bộ máy ngày càng phình to ra, bắt người dân nuôi thì rõ ràng rất là nguy hiểm cho chế độ.
Phải sửa luật?
Nam Nguyên: Thưa Luật sư, giải pháp thay bằng hợp đồng lao động có thời hạn, có thể giúp xóa tình trạng người ta chạy vào công chức với rất nhiều chuyện linh tinh như báo chí đã nói trong thời gian vừa qua?
LS Trần Quốc Thuận: Ý kiến đó rất đúng, thực tế người ta chạy vào công chức để kiếm một biên chế suốt đời để sau này người ta sống… Nhưng sự thực nhiều người chạy vào bộ máy nhà nước, họ không sống bằng lương đâu mà bằng những thứ khác… một đại họa. Cho nên phải quyết liệt giảm biên chế có hiệu quả rất mạnh, phải có hợp đồng lao động có thời hạn… nếu giảm được 1/3 thậm chí một nửa biên chế hiện nay thì sau đó có thể tăng lương… Bây giờ cũng có ý kiến tăng lương, nhưng tăng lương trong bộ máy cồng kềnh thế này rất là nguy hiểm. Ngân sách nhà nước dùng trả lương và trả nợ hết 70% rồi, còn tiền đâu để mà đầu tư trở lại… Cách trả lương bộ máy nhà nước này, mặc dầu ở địa phương, dưới phường, xã, ấp, khối dân phố người ta nói không trả lương, nhưng cũng có tiền bồi dưỡng mỗi tháng vài triệu. Rõ ràng cải cách không phải chỉ số ở trong biên chế mà con số có thể lên tới 11 triệu, là số có trong danh sách, còn cách trả lương ở bên ngoài cũng là một số rất là lớn nữa. Điều hành một bộ máy nhà nước như thế thì cần có cải cách mạnh.
Nam Nguyên: Thưa cần có luật pháp về các tổ chức xã hội dân sự, các hội đoàn nhà nước sẽ làm vai trò cũa tổ chức xã hội dân sự tự nguyện và phải tự lo kinh phí hoạt động bằng hội phí, hay gây quĩ bằng hình thức nào đó. Dự Luật về hội trong đó không điều chỉnh đối với một số hội đoàn nhà nước, Luật chưa ra đời nhưng đã có hướng duy trì bao cấp với hội đoàn nhà nước Luật sư nhận định gì?.
LS Trần Quốc Thuận: Hiện nay luật lệ hiện hành có 6 tổ chức gọi là chính trị xã hội gồm có Mặt trận Tổ Quốc, Thanh niên, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… kể cả Hội người cao tuổi nữa. Chưa nói tới chuyện 6 tổ chức chính trị xã hội nhà nước đưa vào danh sách cấp kinh phí, ngoài ra còn hơn hai mươi tổ chức khác cũng còn được hỗ trợ kinh phí nữa. Rõ ràng việc làm đó là rất không bình thường, trong khi Việt Nam kinh phí còn đang rất ngặt nghèo, rất khó khăn.
Dĩ nhiên phải dẫn đến sửa luật, còn nếu ở Việt Nam này Đảng mà quyết liệt thì đôi khi Đảng ra một Nghị quyết, thậm trong khi chưa có luật thì Quốc hội ra một Nghị quyết cắt giảm bộ máy, đi từng bước thích hợp, như giảm bộ máy, giảm kinh phí cấp cho bộ máy đó xuống, giảm trang bị. Chứ còn bây giờ cấp trụ sở các hội đoàn thể cũng là cơ ngơi như cơ quan nhà nước, trụ sở hoành tráng, ô tô, phòng làm việc máy điều hòa, lương bổng thang bảng lương như là cán bộ công chức, tương đương như nhau cả. Rõ ràng vấn đề trở thành đại sự, muốn làm thì phải có bước đi thích hợp và phải quyết tâm làm. Đó là câu chuyện cần phải đặt ra, chứ dĩ nhiên là nó vướng luật.
Nam Nguyên: Cảm ơn Luật sư Trần Quốc Thuận đã trả lời phỏng vấn.
No comments:
Post a Comment