Theo đó, cơ quan điều hành dự kiến dành 273.3 nghìn tỷ đồng (tương đương 12.2 tỷ USD) để trả nợ trong năm 2016. Trong đó, trả nợ trực tiếp được bố trí trong dự toán ngân sách là 154 nghìn tỷ đồng (bằng 15.2% dự toán thu ngân sách năm 2016), trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại khoảng 24 nghìn tỷ đồng, đảo nợ khoảng 95 nghìn tỷ đồng.
Nhưng trong khi trả nợ 12 tỷ USD, kế hoạch vay của Chính phủ lại đến 452 nghìn tỷ đồng (hơn 20 tỷ USD) trong năm 2016. Trong đó, vay để bù đắp bội chi là 254 nghìn tỷ đồng, phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60 nghìn tỷ đồng, vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43 nghìn tỷ đồng và vay đảo nợ 95 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, lại thêm một năm nữa đi vay nhiều hơn là trả nợ. Đây chính là tình trạng nợi cũ chồng nợ mới và lãi mẹ đẻ lãi con mà đang khiến cho chính thể Việt Nam sa lầy ngiêm trọng trong cơn khủng hoảng kinh tế của nợ xấu, nợ công và ngân sách kiệt quệ.
Một trong những nguồn cơn gây ra tình trạng trên là bội chi ngân sách. Vào năm 2013, mức bội chi đã lên đến 6.3% GDP, vượt quá mức cho phép 5% GDP. Tưởng như đã rút ra được bài học xương máu. Nhưng không, cho đến năm 2015, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục đẩy mức bộ chi lên đến 6.1% GDP, tức mỗi năm xài lố khoảng 250,000 tỷ đồng.
Cũng vào năm 2015, xã hội chứng kiến một cơn địa chấn rùng mình dân tộc khi chính quyền nhiều tỉnh đòi xây trụ sở hành chính với giá trị từ vài ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Thậm chí, một dự án bảo tàng cũng “kê” đến chẵn 10,000 tỷ đồng. Rồi đến hàng loạt “tượng đài cách mạng” không chịu thua kém về giá trị…
Nhưng điều quái lạ là trong kế hoạch chi tiêu ngân sách năm 2016 đã được Quốc hội “gật” không hề khó khăn, mức bội chi vẫn được chấp nhận là 5% GDP. Theo đó, nếu chi dưới mức 5% thì được coi là “thành tích”.
Não trạng tiêu hoang như thế đã đẩy ngân sách vào tình thế thâm lạm thường xuyên và có thể vỡ nợ. Tình hình đang trở nên nguy khốn hơn khi Ngân hàng nhà nước vừa phải đòi hai ngân hàng thương mại là BIDV và VietinBank trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt mà không để lại nhằm tăng vốn.
Trong khi đó, Bộ Tài chính phải nghĩ ra đủ mọi cách, từ “phí bảo vệ môi trường tăng gấp 3 lần”, đến huy động bảo hiểm y tế toàn dân, thậm chí đến cách huy động 500 tấn vàng trong dân để “bù đáp khó khăn ngân sách”.
Được biết, con số nợ công mới nhất do một chuyên gia phản biện độc lập là ông Lê Đăng Doanh cung cấp đã lên đến khoảng 4.5 triệu tỷ đồng, tức khoảng 210 tỷ USD, bằng đến 100% GDP chứ không phải là dưới 65% GDP như các báo cáo của Chính phủ công bố.
Từ cuối năm 2015 đến nay, các tổ chức tín dụng quốc tế và đồng thời là chủ nợ lớn nhất của Việt Nam như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu đã đồng loạt ngừng cho Việt Nam vay các khoản ODA có lãi suất ưu đãi.
Trong năm 2015, Việt Nam còn phải trả nợ cho các chủ nợ trên đến 20 tỷ USD. Nhiều khả năng một phần ngoại tệ được trả nợ phải lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối. Do vậy, cho đến này quỹ dự trữ ngoại hối chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, so với con số 40 tỷ USD do Ngân hàng nhà nước “khoe” vào năm 2015.
06/12/2016 - 18:49
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment