Saturday, April 30, 2016

Việt Nam : Ngư dân khốn khổ trước thảm họa cá chết ở miền Trung

Thụy My Theo RFI-29-04-2016 20:52 
media
Gần 200 phóng viên chờ đợi cuộc họp báo hôm 27/04/2016 về vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung, nhưng đại diện bộ Môi Trường chỉ đọc một thông cáo viết sẵn. REUTERS/Kham 
Trước thảm họa cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung, hôm qua 28/04/2016 hàng trăm ngư dân làng biển Cảnh Dương, Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình đã biểu tình đòi hỏi phải trả lại vùng biển sạch cho người dân. Tình trạng này đang làm dư luận cả nước xôn xao, riêng đối với những người mà cuộc sống gắn bó với nghề cá lại càng khốn khổ.
Bản tin AFP ngày 28/4 cho biết, sau khi hàng ngàn con cá đã bị chết, đến lượt hơn 100 tấn nghêu chết lại được phát hiện ở Việt Nam, có thể do chất thải độc hại từ khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh. Hàng đống nghêu đã đến kỳ thu hoạch bị chết nằm chồng chất lên nhau trong những ngày gần đây. Hãng tin Pháp dẫn lời một người dân buồn bã nói với một tờ báo trong nước : « Chúng tôi kỳ vọng vào vụ nghêu được mùa này để bán trong những ngày lễ. Nhiều đầu nậu đã đặt cọc mua nhưng đến nay thì mọi thứ tiêu tan ».
Bắt đầu từ ngày 06/04/2016, cá nuôi trong các lồng bè xung quanh khu vực cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bỗng nhiên bị chết hàng loạt. Tiếp theo, cá lại chết la liệt ở Quảng Trạch, Đồng Hới … (tỉnh Quảng Bình), rối đến Gio Linh, Triệu Phong … (Quảng Trị) ; Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế).
Tổng cộng đến gần 300 kilomet bờ biển miền Trung bị ảnh hưởng. Cá bị chết lên đến vài chục tấn ở mỗi tỉnh, có đủ loại lớn nhỏ, từ vài trăm gam cho tới những con cá nặng đến 35 ký. Bị chết nhiều nhất là các loại cá sống ở tầng nước sâu 30 đến 40 mét như cá hồng, cá liệt, cá đuối, cá mú…
Hôm thứ Tư 27/4, chính quyền Việt Nam ra lệnh cấm tiêu thụ, mua bán hải sản ở vùng này, trong lúc đang còn điều tra. AFP dẫn một thông cáo chính phủ, trong đó thủ tướng yêu cầu:« Để bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người dân, các bộ ngành và chính quyền địa phương thu thập và xử lý lập tức xác cá chết ».
Tập đoàn Đài Loan Formosa, sở hữu một nhà máy luyện kim khổng lồ trong vùng này, bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ô nhiễm. Những giả thiết được đặt ra trước đó như động đất, sóng thần, dịch bệnh, tràn dầu…đều trở nên vô nghĩa, khi một ngư dân phát hiện ra đường ống xả nước thải của Formosa chôn ngầm dưới đáy biển. Đường ống khổng lồ này dài đến 1,5 kilomet, đường kính 1,1 mét, nằm ở độ sâu 17 mét, mỗi ngày xả ra 12.000 mét khối nước.
Formosa nhìn nhận từ đầu năm đến nay có nhập về 300 tấn hóa chất khoảng 40 loại để súc rửa đường ống và máy móc, trong đó có những chất độc và cực độc như chất chống gỉ, chống ăn mòn…Vào lúc người « thám tử nhân dân » lặn xuống, khúc cuối của đường ống đang phun ra một thứ nước màu vàng đục rất bẩn. Các nhà khoa học nhìn nhận, chỉ có chất độc rất mạnh mới có thể khiến hàng loạt cá lớn nhỏ chết bất đắc kỳ tử như thế.
Hãng tin Pháp cho biết người dân cả nước đã bị sốc sau tuyên bố của ông Chu Xuân Phàm (Chou Chun Fan), trưởng văn phòng Formosa ở Hà Nội. Ông này nói, trong một video được đưa lên mạng : « Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được ». Trước phản ứng mãnh liệt của dư luận Việt Nam, tập đoàn Formosa sau đó đã đứng ra xin lỗi.
AFP cũng dẫn lời thứ trưởng bộ Môi Trường Võ Tuấn Nhân, nói rằng cuộc điều tra của chính phủ hiện chưa thể xác định được mối liên hệ giữa Formosa hay một nhà máy khác và tình trạng ô nhiễm.
Hãng tin Pháp nhắc lại, dọc theo miền Trung có nhiều nhà máy. Tuy nhiên với 3.000 kilomet bờ biển, Việt Nam xuất khẩu rất nhiều cá và các loại hải sản khác, lãnh vực này đã mang về cho đất nước 5,8 tỉ euro trong năm ngoái.
Nhưng với thảm họa môi trường này, hiện giờ ngư dân miền Trung sống ra sao ?
Tại Vũng Áng, ông Mai Quang Hanh, ngư dân ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nằm cách nhà máy Formosa chỉ có một kilomet, nói về nỗi khổ của người dân mưu sinh nhờ biển, một khi không còn tôm cá, biển trở thành biển chết :
Ông Mai Quang Hanh : "Trước đó, ngư dân ở đây, đặc biệt là ở giáo xứ Đông Yên cũ, chuyên môn sống về nghề biển – không có nghề gì khác, chỉ có nghề biển thôi. Cuộc sống vẫn bình thường, chài lưới, đánh bắt xa bờ, gần bờ…đều có thu hoạch cả.
Nhưng cách đây khoảng hai mươi ngày - bởi vì giáo xứ Đông Yên ở gần Formosa, chỉ cách có gần một cây số thôi - khi nguồn nước bị ô nhiễm do nhà máy của Formosa thải ra biển, thì cá chết trôi dạt đầy. Cá chết gồm đủ mọi thứ cá : cá nhỏ nhất là cá liệt, cho đến cá lớn là cá hồng, cá sảo…đều bị chết hết !
Mà cá chết rồi thì tất cả các nghề nghiệp của ngư dân phải dừng lại. Đi biển cũng không có thu hoạch. Vì thế cho nên ngư dân đành ở nhà vá lưới, củng cố nghề nghiệp để chờ khi nguồn nước ổn định thì lúc đó mới tiếp tục đánh bắt. Đã hơn hai mươi ngày rồi, mà bây giờ vẫn còn tiếp tục xảy ra hiện tượng cá chết. 
Báo chí thì nói là cá hết chết rồi nhưng thực tế chúng tôi chuyên môn sống trên mặt biển đây, đến hôm nay vẫn phát hiện cá chết nhiều. Có những thứ cá dạt vào bờ nhưng sợ không dám ăn, đem ướp muối. Thường thường khi ướp muối, nếu con cá không có chất độc thì nó màu trắng. Nhưng bị nhiễm độc rồi thì tối về ướp muối xong, sáng mai đưa ra máu cá trở thành màu xanh, kể cả súc vật cũng không dám cho ăn đâu. Độc hại đến mức đó. 
Khi chính quyền chưa vào cuộc, họ chưa có những khuyến cáo nhắc nhở, thì người dân thấy lại truyền khẩu với nhau là cá bị nhiễm độc chết vì Trung Quốc « thuốc ». Cuối cùng cũng tội nghiệp cho mấy bà bán cá. Khi mua của dân thì mua với giá bình thường, nhưng bán lại ở chợ thì lỗ một, hai triệu, có bà lỗ ba, bốn triệu một ngày. Dân họ không ăn nữa, phải bán rẻ, mà có khi bán rẻ cũng không ai mua, phải đưa về đổ. Đào hố cho xuống rồi rắc vôi, chứ không có cách gì khác. Khổ đến cái mức đó. 
Dân ở đây khi thấy cá chết cũng kêu van to nhỏ lên các cấp chính quyền mà thôi. Chứ còn nghe trên thông tin đại chúng, đặc biệt là đài Tiếng nói Việt Nam thì họ cũng nói « vào cuộc », làm cái này cái nọ nhưng không biết rồi có tham gia hay không. Nếu tình trạng này mà kéo dài thì cuộc sống người dân ở đây thật bấp bênh. Không có nghề nghiệp, rồi ô nhiễm nguồn nước đủ thứ thì rất chi là khó khăn. Không biết ở các cấp lãnh đạo chính quyền ở trên rồi họ sẽ làm thế nào, thì người dân ở đây vẫn còn chờ đợi".
Người ta vẫn chưa quên vụ nhà máy Vedan đã bức tử sông Thị Vải hồi năm 2008. Nhưng lần này, xã hội dân sự đã lớn mạnh hơn thời đó. Bản « Tuyên bố về tội ác đầu độc biển miền Trung » đăng trên trang Bauxite Việt Nam đến hôm nay đã có 880 người ký tên. Bên cạnh đó đã có nhiều lời kêu gọi xuống đường vì môi trường tại Hà Nội và Saigon ngày Chủ nhật 1/5 tới.

No comments:

Post a Comment