Cá chết ở vùng biển thuộc Đà Nẵng vào sáng 29 tháng 4. (Hình: Tuổi Trẻ)
Từ 6 tháng 4 đến ngày 27 tháng 4, cá đã chết trắng một đoạn biển dài khoảng 250 cây số, chạy dọc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Hiện có hàng trăm ngàn gia đình, hàng triệu người điêu đứng vì không thể kiếm sống bằng việc đánh bắt, mua bán cá, cung cấp các loại dịch vụ cho ngư nghiệp, làm muối, nuôi thủy sản (cá bè, tôm, nghêu), kinh doanh du lịch biển (nhà hàng, khách sạn, vận tải),... Chính quyền tỉnh Quảng Bình và mới đây là chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã phải tổ chức phát gạo cứu đói.
Dưới áp lực của công chúng, chính quyền Việt Nam đã buộc phải thừa nhận, sự kiện cá chết là một thảm họa môi trường do nước biển bị nhiễm độc. Tuy chính quyền Việt Nam chưa xác định chất độc gây ô nhiễm và nguồn ô nhiễm nhưng nhiều chuyên gia và dân chúng tin rằng đó là hậu quả của việc cho phép Tập Đoàn Formosa (Đài Loan) xây dựng một nhà máy thép ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) mà không ràng buộc và kiểm soát về chất thải.
Đáng chú ý là từ 28 tháng 4 đến nay, cá sống ở tầng nước sát đáy biển dạt vào bờ biển đoạn thuộc Thừa Thiên-Huế ngày một nhiều và người ta bắt đầu thấy cá chết ở vùng biển thuộc thành phố Đà Nẵng.
Trả lời phỏng vấn của tờ Người Đô Thị về các tác động có thể tiếp diễn của thảm họa môi trường vừa kể, ông Dũng lưu ý về đặc điểm tự nhiên của bờ biển Việt Nam. Do chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực và xích đạo, do trái đất quay từ Tây sang Đông, do bờ biển Trung Quốc khi xuống phía Nam thì lệch về hướng Tây nên trong 365 ngày/năm luôn có một dòng hải lưu ở tầng đáy chảy dọc bờ biển Việt Nam từ phía Bắc xuống phía Nam và chảy mạnh nhất ở đoạn từ Vũng Áng đến mũi Cà Mau (tốc độ trung bình khoảng 0.38 mét/giây). Chưa kể mỗi năm có 9 tháng, do tác động của gió Đông Bắc, đoạn biển từ Vũng Áng đến Cà Mau còn chịu tác động của dòng chảy tầng mặt (tốc độ trung bình khoảng 0.75 mét/giây).
Đó là lý do ông Dũng tin rằng, nếu không cắt ngay nguồn khiến nước biển nhiễm độc thì thảm họa môi trường khiến cá chết trắng biển sẽ lan rộng cho đến Phú Quốc.
Ông Dũng nhận định, vào thời điểm này, gió Tây Nam đang đưa dòng nước tầng mặt qua hướng đảo Hải Nam, nên hiện tượng cá chết chưa xuất hiện ở vùng biển phía Nam miền Trung. Tuy nhiên rất khó tránh chất độc xâm lấn đến vùng biển này. Nước biển có thể pha loãng độc chất, cá không chết trắng biển nhưng vẫn nhiễm độc và có thể gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm cho con người trong tương lai. Cũng vì vậy, ông Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang đối diện với “một hiểm họa cực kỳ lớn đối với cả quốc gia vì nó triệt tiêu nguồn tài nguyên để nhiều triệu người có thể duy trì cuộc sống trong nhiều ngàn năm dọc dải đất hình chữ S.”
Theo phó chủ tịch Hội Khoa Học Kỹ Thuật và Kinh Tế Biển của thành phố Sài Gòn, điều phải bận tâm không phải chỉ riêng nhà máy thép của Formosa mà là làm sao để kiểm soát nước thải ra biển của tất cả các khu công nghiệp. Nếu không kiểm soát được thì cần đóng cửa. Không thể để quyền lợi của một nhóm nhỏ tìm mọi cách để có tiền rồi ra ngoại quốc định cư lấn át quyền lợi của cả một dân tộc - đa số mơ ước tìm được hạnh phúc ngay trên đất nước của mình.
Ở góc độ cựu trưởng Ban Hạ Tầng Cảng Biển thuộc Cục Hàng Hải Việt Nam, ông Dũng nói thêm, do đặc điểm địa lý, Vũng Áng đứng hàng thứ hai trong bốn điểm quan yếu để bảo vệ an ninh lãnh thổ của Việt Nam (ba điểm quan yếu còn lại là Cam Ranh, Nam Du và Côn đảo). Cảng Sơn Dương ở Vũng Áng là nơi có thể kiểm soát hoạt động lưu thông cả trên bộ lẫn trên biển từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc Việt Nam.
Lẽ ra phải giao Vũng Áng cho hải quân vì có độ sâu, độ rộng thích hợp để tiếp nhận cả hàng không mẫu hạm, vì có núi cao che chắn, vì dễ tổ chức tiếp liệu nên giúp gia tăng khả năng phòng ngự và tấn công để phòng ngự vịnh Bắc bộ thì không hiểu tại sao, chính quyền Việt Nam lại giao Vũng Áng cho Đài Loan, bất chấp khuyến cáo của nhiều giới về những nguy cơ đủ loại đối với cả kinh tế lẫn quốc phòng. (G.Đ)
04-29-2016 1:21:53 PM
No comments:
Post a Comment