Saturday, April 30, 2016

Làm sao để đóng góp cho đất nước?

Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA 2016-04-30  
000_Hkg9358058-622.jpg
Một người chạy xe ôm ngồi chờ khách trên lề đường ở Hà Nội bên cạnh một bức tranh cổ động, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP
Câu chuyện những người ‘vượt biên’, ‘ra đi công khai’ hay du học để rồi có thể đóng góp ra sao cho đất nước đến nay vẫn là đề tài được người Việt Nam trong cũng như ngoài nước nêu ra; nhất là vào dịp ngày 30 tháng 4  hằng năm.

Chặn lúc đi

Bốn người ở La Gi, Bình Thuận vào ngày 22 tháng tư vừa qua bị tòa xử và kết án tù về tội tổ chức đưa người ‘vượt biên’ bằng thuyền sang Úc.
Một trong những người đó bởi có con nhỏ nên ngay sau phiên tòa vẫn còn được tại ngoại nói với Đài Á Châu Tự do vì nhà cửa bị giải tỏa, từ đó cùng đường đành họn con đường vượt biên; nhưng không may bị chính phủ Úc với chính sách cứng rắn đối với người tỵ nạn hiện nay nên bị trả về Việt Nam.
Chỉ hai ngày sau, gia đình của một nhà hoạt động công tác đòi hỏi quyền con người cũng như từ thiện giúp đỡ những người khốn khó tại khu vực miền Trung, ông Nguyễn Đức Quốc, đi xuất cảnh theo diện đoàn tụ gia đình sang Hoa Kỳ nhưng bản thân ông này bị chặn lại không cho đi.
Tôi yêu cầu họ làm đúng luật, cho tôi xem thông báo của Công an Thừa Thiên - Huế; nhưng họ không ‘xuất trình’ được và họ giữ tôi không cho tôi ra máy bay.
-Nguyễn Đức Quốc
Ông Nguyễn Đức Quốc cho biết lại điểm mà theo ông là vi phạm luật pháp Việt Nam của công an xuất nhập cảnh tại sân bay Đà Nẵng:
“Tôi được Sở Tư Pháp Thừa Thiên- Huế từ năm 2014 đến nay cấp lý lịch tư pháp đến 3 lần. Tại sao trong những ngày tôi ở gia đình tại Lăng Cô, họ không làm việc với tôi mà trong thông báo họ nói ngày 25 tháng tư đến Công an Thừa thiên - Huế để làm việc. Tôi nói với họ rằng tại sao Công an Thừa Thiên - Huế không làm việc trực tiếp với tôi mà khi tôi vào cửa khẩu Sân bay Đà Nẵng thì Công an Cửa khẩu lại yêu cầu tôi về làm việc với Công an Thừa Thiên - Huế. Tôi yêu cầu họ làm đúng luật, cho tôi xem thông báo của Công an Thừa Thiên - Huế; nhưng họ không ‘xuất trình’ được và họ giữ tôi không cho tôi ra máy bay.”
Ông Nguyễn Đức Quốc còn cho biết trước khi ra đi, một viên an ninh Thừa Thiên - Huế tên Trần Ngọc Thành đến gia đình ông yêu cầu phải ký kết gì đó nếu không sẽ gặp trở ngại khi xuất cảnh; thế nhưng vợ ông khi tiếp viên an ninh đó đã thẳng thừng từ chối.
Chúng tôi liên lạc với an ninh Trần Ngọc Thành để hỏi thông tin được ông Nguyễn Đức Quốc cung cấp và nhận được trả lời của viên an ninh như sau:
“Tôi chả biết phóng viên gì. Việc của người ta cần thì người ta liên lạc với tôi, còn ông không liên lạc với tôi làm gì.”

Hạch sách khi về

Trong thời gian qua có nhiều nhà hoạt động trong nước ra hải ngoại để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho công cuộc đấu tranh, xây dựng xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn và họ quyết định trở về trong nước để hoạt động.
doan-trang-hrw-622.jpg
Từ trái sang: Blogger Đoan Trang, Blogger Nguyễn Anh Tuấn và LS Trịnh Hội tại văn phòng Human Rights Watch hồi cuối tháng 1 năm 2014.
Tuy nhiên ngay khi về đến sân bay họ cho biết bị an ninh làm việc, tịch thu hộ chiếu, thông báo không cho họ được xuất cảnh nữa.
Một trong những người đó là nhà báo tự do, đồng thời cũng là nhà hoạt động xã hội Đoan Trang ở Hà Nội cho biết thực tế đối với việc xuất nhập cảnh của người dân trong nước:
“Thực ra ở Việt Nam lâu nay có phong trào, xu hướng ủng hộ khẩu hiệu ‘Xách balô lên và đi’. Nhiều người cổ vũ thanh niên ra nước ngoài học tập, nếu ở lại được càng tốt. Định cư ở nước ngoài và xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài thì càng tốt, tốt cho gia đình và cho bản thân. Khi  có cuộc sống tốt đẹp thì cũng có ảnh huởng đến đất nước. Quan niệm của họ là như vậy.
Thế nhưng vấn đề trong các thanh niên không phải thanh niên nào cũng được đi. Vấn đề đáng nói ở đây là phân biệt đối xử: những bạn trẻ nào đã lộ rõ ra là có tư tưởng chính trị rõ ràng, người ủng hộ thay đổi xã hội, ủng hộ cho dân chủ - nhân quyền ở Việt Nam, người thực sự có hoạt động gì đó theo hướng ủng hộ dân chủ - nhân quyền Việt Nam thì không đi được.”
Bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn từ Đà Nẵng trình bày lại trường hợp của riêng anh sau khi ra nứớc ngoài trở về Việt Nam:
“Trước khi ra đi thì tôi cũng nghĩ đi một thời gian rồi về đóng góp cho sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam thôi. Nhưng khi về bị thâu hộ chiếu, cấm xuất cảnh thì đó cũng không phải điều gì khiến mình quá bất ngờ.”

Cách đóng góp

Nhà báo tự do Đoan Trang cho rằng có nhiều người đi học nước ngoài về nước không thể đem hết tài năng ra thi thố vì ở Việt Nam chưa có những chuyên ngành họ học hay cơ sở nghiên cứu khoa học cũng không đầy đủ.
Còn đối với những nhà hoạt động độc lập không nằm trong hệ thống của chính quyền lập ra dù gặp bao khó khăn trở ngại; nhưng cô cho rằng cũng có cách cho mọi người:
Như anh thấy hiện tại trong cộng đồng Việt Nam 3-4 triệu người có rất nhiều người đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong khi đó có rất nhiều người Việt sống trong nước mà có đóng góp gì mấy cho xã hội đâu.
-Nguyễn Anh Tuấn
“Những người chấp nhận ở lại nước ngoài hoặc những người chấp nhận theo kiểu ‘bỏ cuộc’ tức buông xuôi sống mòn tại Việt Nam thì đó là những người đã chấp nhận chứ không phải đã cố gắng làm điều gì đó. Chứ nếu thực sự họ thấy điều đó là bất cập, cơ chế đó là bất cập, họ thấy năng lực của họ không được trọng dụng thì họ phải có cách xoay sở. Nói một cách lý thuyết là ‘ở đâu có ý chí, ở đó có con đường’. Họ như vậy chẳng qua là không chiến đấu hết mình, không đấu tranh đến cùng thôi. Chứ không phải chắc chắn là không thể nào sống nổi, chắc chắn chỉ có chết dần, chết mòn ở Việt Nam thôi, phải trở lại nước ngoài thôi! Đó là những người mà thái độ sống và chọn lựa của họ như vậy nên mới bị như vậy.”
Anh Nguyễn Anh Tuấn có cách nhìn về vấn đề đóng góp cho đất nước như sau:
“Thực ra muốn giải quyết các vấn đề xã hội phải do chính những người trong nước phải quan tâm đến tình hình đất nước, tình hình xã hội để giải quyết; chứ còn những  người thực sự muốn đi, không quan tâm mấy đến vấn đề đất nước, đến tình hình xã hội chung quanh họ; nếu đã  như vậy thì khi họ ở lại Việt Nam chưa chắc họ có sự đóng góp gì cho xã hội tốt hơn.
Còn trong trường hợp có thực lòng quan tâm đến đất nước mà họ vì lý do này, lý do khác (mà có cả hằng ngàn, hằng triệu lý do như thế) mà người ta ra đi, thì cứ yên tâm với vị trí địa lý ở đất nước họ sống vẫn tìm ra được cách để giúp đỡ cho Việt Nam.
Như anh thấy hiện tại trong cộng đồng Việt Nam 3-4 triệu người có rất nhiều người đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong khi đó có rất nhiều người Việt sống trong nước mà có đóng góp gì mấy cho xã hội đâu.”
Gần đây có những so sánh giữa Việt Nam và hai nước làng giềng thuộc nhóm kém phát triển bên cạnh Việt Nam là Campuchia và Lào. Một số chỉ số cho thấy cả hai quốc gia đó đang xu hướng qua mặt Việt Nam.
Một lần nữa những người quan tâm lại nêu vấn đề ‘tại sao người Việt thông minh, sáng tạo, cần cù khi ra nước ngoài đa số thành công, nhưng sao đất mẹ của họ ngày càng tụt hậu so với những nước mà trước đây không thể nào sánh nổi nước Việt.

No comments:

Post a Comment