Sunday, April 3, 2016

Ngư dân trả lại 'tàu vỏ thép' vì đi biển là lỗ

QUẢNG NAM (NV) - Thêm một tàu đánh bắt thủy sản giúp ngư dân “bám biển” vừa bị ngư dân trả lại công ty đóng tàu vì hư hỏng do “lỗi thiết kế” chỉ sau hai lần ra khơi đã lỗ 200 triệu đồng.

Tàu vỏ thép QNa-95997 TS của ông Phan Thu sau hai chuyến biển bị lỗ 200 triệu đồng do lỗi thiết kế, thiết bị bị hỏng. (Hình: Đất Việt)

Tờ Đất Việt hôm Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016 cho hay, ngư dân Phan Thu ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, không thể làm gì khác hơn ngoài việc trả lại con tàu vỏ sắt cho công ty đóng tàu Hải Sơn (công ty con mang bí số X50 của tổng công ty Sông Thu, Bộ Quốc Phòng CSVN) vì thu không đủ bù chi và hư hỏng, con tàu lại “rung lắc” không đánh bắt được.

“Hiện nay nghề lưới rê hỗn hợp này tới mức độ làm ăn như thế này thì mỗi tháng phải trả nợ cho ngân hàng 100 triệu đồng tiền lãi suất vay, hiện nay thu nhập rất thấp. Đi hai chuyến biển là đều lỗ hai chuyến rồi. Lỗ hai chuyến là 200 triệu đồng,” ông Phan Thu, chủ tàu vỏ sắt mang số hiệu QNa-95997 TS được dẫn lời trên báo Đất Việt.
Theo tờ Đất Việt kể lại, “Con tàu vỏ thép trị giá 14 tỷ đồng của ông Phan Thu, riêng lưới rê trên tàu gần 4 tỷ đồng. Nhưng khi ra biển, hệ thống lưới không chìm nên đánh bắt không hiệu quả. Hơn nữa, máy tời lưới luôn bị sự cố dẫn đến rách lưới liên tục.”

Theo ngư dân Phan Thu, con tàu vỏ thép có quá nhiều hạn chế mà chính anh và cả nhà máy đóng tàu cũng không lường hết được. Hơn nữa đơn vị thiết kế chưa hiểu được đặc thù ngành nghề đánh bắt của ngư dân. Nhiều tháng nằm bờ đợi sửa chữa nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.

“Hiện nay khi chúng tôi kéo lưới thì lưới va chạm vào kẽm chống ăn mòn làm rách lưới rất nhiều. Tôi đang đề nghị nhà máy đóng tàu X50 của tổng công ty Sông Thu (Bộ Quốc Phòng) khắc phục lại những khó khăn của việc đó. Với tình hình này khó trả nợ ngân hàng,” ông Phan Thu cho biết.

Ông Phan Thu nhận tàu nói trên ngày 17 thang 11, 2015. Đây là tàu đánh cá vỏ sắt đầu tiên mà ngư dân tỉnh Quảng Nam được nhà nước cho vay vốn ưu đãi theo nghị định 67 của nhà cầm quyền Hà Nội dành ra 14,000 tỷ đồng đóng 3,000 tàu vỏ thép thay thế cho các tàu gỗ bị coi là không thể “khẳng định chủ quyền lãnh thổ” khi đối diện với lũ tàu cá Trung Quốc xâm lấn, to hơn nhiều lần và là các tàu sắt.

Tàu dài hơn 25m, rộng 6.5m, công suất máy chính 822 CV và 1 máy phát điện công suất 20kw, có khả năng đánh bắt cả ngày và đêm.

Khoang lạnh của tàu có tổng thể tích 70m3 với 3 hầm nhỏ để ướp đá và khả năng giữ đá lạnh trong 20 ngày. Ngoài ra, tàu có máy radar với tầm quét 32 hải lý, máy định vị kết hợp hải đồ điện tử tích hợp thiết bị nhận dạng. Tàu đảm bảo dự trữ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước uống đủ hoạt động liên tục 1,500 hải lý cho 10 người sử dụng trong 20 ngày.

Khi tiếp nhận con tàu, ông Phan Thu, chủ được đài dẫn lời phát biểu: “Ngư dân chúng tôi muôn đời nay chưa có tàu vỏ thép và chưa có trang thiết bị hiện đại như ngày hôm nay. Khi nghị định 67 được ban hành, bản thân tôi rất hạnh phúc, khi có một con tàu vỏ thép hiện đại như ngày hôm nay, để chuẩn bị được ra khơi vừa hành nghề đánh bắt hải sản, vừa góp phần thu nhập kinh tế gia đình và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.”
Nhưng chỉ sau hai chuyến ra khơi thì ông Phan Thu phải đầu hàng.

Hồi tuần trước, tờ Tuổi Trẻ cho hay ngư dân Phan Bé, chủ tàu cá vỏ sắt “Sang Fish 1”(trị giá 12 tỷ đồng) phải trả lại con tàu cho nhà máy đóng tàu vì ông đã quá mệt mỏi “10 chuyến đi thì có 6 chuyến gặp sự cố” nên ông “hết kiên nhẫn rồi.”

“Từ khi nhận tàu đến nay, tôi đi 10 chuyến trên biển thì có tới 6 chuyến gặp sự cố hỏng hóc. Tời hỏng liên tục. Hết tời đến máy chính bị mất tải không hoạt động được nên phải đưa tàu vào bờ khắc phục. Mỗi đợt như thế năng suất đánh bắt không đủ bù tổn phí nên bạn chài bỏ đi hết. Đợt cuối cùng máy chính quá tải không hoạt động được, tôi kéo về nằm đây đến giờ,” ông Bé than thở trên tờ Tuổi Trẻ.

Sang Fish 01 là tàu cá vỏ thép thứ hai trên cả nước được hạ thủy vào tháng 7, 2014 với công suất lên tới 750CV, từng được kỳ vọng sẽ vươn khơi làm chủ Biển Đông. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, con tàu này liên tục gặp trục trặc. Ngay trong chuyến đi biển đầu tiên, tàu Sang Fish 01 đã ba lần gãy tời khiến đội tàu mất đi một số lưới, riêng tiền khắc phục lên tới hơn 500 triệu đồng.
Trước đây khoảng hai tháng, con tàu cá vỏ sắt đầu tiên mang tên Hoàng Anh 1 giao cho ngư dân Mai Thành Văn ở huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã bị trả lại.

“Trong 5 chuyến ra khơi, có đến 3 chuyến tàu bị hỏng hóc, lúc thì hư tời, khi thì hỏng máy buộc phải gọi tàu bạn kéo vào bờ, chẳng làm ăn gì được. Nhận tàu về tôi phải bỏ thêm 2 tỷ đồng để mua ngư cụ. Vậy mà đánh bắt không hiệu quả, không có chuyến nào lời nên đành mang tàu trả lại cho nhà máy,” ông Văn cho biết trên tờ Tuổi Trẻ ngày 26 tháng 3, 2016.

Ngay khi chương trình đóng tàu vỏ sắt mới bắt đầu, đã có nhiều lớn cảnh cáo về những con tàu sẽ không được đóng theo đúng nhu cầu của ngư dân, với những kiểu thiết kế của những người không quen biết nghề biển. Bên cạnh đó, để có thể vay được tiền của nhà cầm quyền, ngư dân phải chung chi cho những kẻ có quyền chấp thuận. (TN)

04-02-2016 2:59:49 PM 

No comments:

Post a Comment