Sunday, April 3, 2016

Kỳ vọng gì ở tân Chủ tịch nước VN?

Theo BBC-5 giờ trước 

Việt NamImage copyrightEPA
Image captionTân Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang (phải) tặng hoa Chủ tịch vừa mãn nhiệm, ông Trương Tấn Sang, tại Quốc hội Khóa 13 hôm 02/4/2016.
Một cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam và nguyên Đại biểu Quốc hội nói ông hy vọng tân Chủ tịch Nước Việt Nam và các lãnh đạo mới của chính quyền sẽ biết tôn trọng những tiếng nói phản biện và độc lập.
Trao đổi với BBC hôm 03/4/2016 về sự kiện ông Trần Đại Quang, Đại tướng Công an, vừa nhận bàn giao chức Chủ tịch Nước từ tay của người tiền nhiệm, ông Trương Tấn Sang, tại Quốc hội khóa 13 của Việt Nam, từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói:
"Việc dự kiến ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch Nước đã đặt ra trong Đại hội (Đảng CSVN) lần thứ 12, coi như vấn đề nhân sự đó đã được định hình và đã được quyết bởi Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới của khóa 12.
"Còn ông Trần Đại Quang, cũng có người bình luận ở góc độ này, góc độ khác, nhưng mà tôi cho rằng chọn một con người trẻ, có học hàm, học vị, có khả năng ngoại ngữ để làm Chủ tịch Nước thì tôi cho rằng đó là một cái tốt, theo xu thế mới.
"Cho nên, khác hơn, trước đây người ta hay chọn những nhân vật đó là nhân vật chính trị, bây giờ người ta chọn một nhân vật trẻ, có kiến thức, như vậy tôi rất là hoan nghênh. Ông Trần Đại Quang gần như là cả đời, suốt lý lịch của ông, là đều làm trong ngành công an.
"Tôi cho rằng việc đó cũng không có vấn đề gì phải e ngại, bởi vì một người có học thức thì vấn đề xử sự, mọi việc bao giờ nó cũng tốt hơn một người học hành nó không đến nơi, đến chốn."

Với trí thức sẽ thế nào?

Trước câu hỏi xử sự tới đây của ông Chủ tịch Trần Đại Quang trước giới trí thức Việt Nam, đặc biệt là những người có khuynh hướng ủng hộ tự do hóa và dân chủ, sẽ như thế nào, Luật sư Thuận nói:
"Tôi cho rằng xu thế mới bây giờ thì Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Thế giới (LHQ) và Việt Nam đã ký kết tham gia vào nhiều Công ước Quốc tế về nhân quyền, quyền chính trị và nhất là sau Hiến pháp 2013, như vậy tôi nghĩ rằng với tư cách (của bất cứ) ai cầm quyền trong thời kỳ này cũng phải làm theo xu thế đấy.
"Còn nếu mà mình đi ngược lại xu thế đấy, thì trước hết là mình vi hiến, mình ngược lại xu thế của thời đại.
"Thì thế giới người ta không ủng hộ, thì cái đó Việt Nam sẽ bị cô lập, điều đó chắc là không ai muốn.
"Cho nên tôi nghĩ rằng phải hành xử trong xu thế mới.
"Đó là phải tôn trọng tiếng nói phản biện, tiếng nói độc lập, đó là điều cần thiết.
"Và tôi cũng hy vọng rằng trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội lần này, sẽ có những tiếng nói độc lập trúng cử vào Quốc hội.
"Để Quốc hội đa chiều, có nhiều ý kiến hơn, mà nó thực sự là đại diện cho ý trí, nguyện vọng của nhân dân cả nước," ông Thuận nói.
Nhân dịp này, Luật sư Trần Quốc Thuận cũng bình luận về dấu ấn, di sản của người mà hôm 02/4 vừa bàn giao chức vụ cho ông Trần Đại Quang tại Quốc hội khóa 13 của Việt Nam, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
"Tôi cho rằng nhiệm kỳ của ông Trương Tấn Sang là nhiệm kỳ đạt nhiều thành quả lớn, trong đó nổi bật lên là thực hiện những chuyến ngoại giao và ký kết được những quan hệ chiến lược toàn diện hoặc là quan hệ chiến lược với nhiều nước trên thế giới," Luật sư nhận xét.

Nỗ lực rất lớn

Và Luật sư Thuận nói thêm: "Và cụ thể là đi sang Mỹ ký được hợp tác chiến lược toàn diện. Tôi cho rằng ký được cái đó là một nỗ lực rất lớn của ông Trương Tấn Sang, vì trước đó người ta có quan điểm rằng đây chỉ là một quan hệ ngoại giao bình thường như các ông Chủ tịch nước trước hoặc các Thủ tướng trước, chứ không cần phải ký cái gì quan trọng.
"Nhưng do sự quyết liệt của ông Trương Tấn Sang nên mới ký được quan hệ chiến lược toàn diện với Mỹ, thì đó là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong tình hình biển Đông, tình hình thế giới và thiết lập quan hệ chiến lược toàn diện với Nhật. Và tôi thấy rằng là một nguyên thủ Việt Nam đi sang Nhật lần đầu tiên được phát biểu trước lưỡng viện, Thượng viện và Hạ viện và được hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi cho rằng đó là uy tín của Việt Nam và cũng là uy tín cá nhân.
"Gần đây, trong năm vừa qua thì ký được quan hệ chiến lược với Philippines, mà chúng ta biết được Philippines chẳng ký với ai, họ chỉ có ký với Mỹ và một nước nào đó thôi... Đó cũng là một nỗ lực rất lớn của ông Trương Tấn Sang. Cái thế ký quan hệ chiến lược giúp Việt Nam có đối trọng để giữ hòa bình và sự ổn định ở biển Đông rất là quan trọng.
"Bên cạnh đó là vấn đề dân chủ và nhân quyền theo tôi biết là trong suốt nhiệm kỳ, ông Trương Tấn Sang chưa ra lệnh bắt bớ bất cứ một người nào và ông trực tiếp ký thả rất nhiều người, trong đó cụ thể là ông Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập - Quê Choa...
"Tôi cho là một nguyên thủ mà có quan hệ trực tiếp với các anh em tạm gọi là dân chủ, nhóm anh em tham gia phong trào sinh viên ở Sài Gòn, để thả những người có những tiếng nói độc lập rất tốt... Tôi cho rằng một người lãnh đạo như vậy là rất sâu sát và gần gũi với nhân dân.
Ông Trương Tấn SangImage copyrightEPA
Image captionÔng Trương Tấn Sang và phu nhân trong một chuyến công du của Chủ tịch nước sang Philippines dự Hội nghị APEC lần thứ 23, cuối năm 2015.
"Tôi biết rằng mọi người ai muốn gặp ông chủ tịch nước thì ông sẽ gặp mà không phân biệt người có chức có quyền. Đặc biệt những anh em ở Sài Gòn trong phong trào học sinh - sinh viên trước 1975, muốn gặp ông chủ tịch nước rất là dễ dàng... Đó là những dấu hiệu tốt và ông ấy cũng bức xúc với tình hình tham nhũng nhưng rõ ràng theo hiến pháp mới, ông Chủ tịch nước không có quyền gì cả...."

Không để lại gì?

Hôm thứ Bảy, cũng bình luận về dấu ấn, của cựu Chủ tịch Sang, một nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC:
"Bây giờ một số người vẫn tự hỏi với nhau về dấu ấn của các vị đã qua... người ta đành phải nói một điều thế này. Nói chung là dấu ấn lớn nhất của các vị đó là không để lại dấu ấn gì cả!
"Có lẽ đó cũng là quan điểm của tôi, bởi vì tôi nhìn mãi, tìm mãi mà chẳng thấy có một cái dấu ấn gì từ phía ông Trương Tấn Sang cả, ngoài việc ông Sang đặt ra được một khái niệm mà người ta nhớ mãi và sau này có lẽ sẽ không quên, đó là khái niệm 'Đồng chí X'.
"Ngoài ra những vấn đề khác thì không thấy gì nổi bật, nếu không muốn nói là trong suốt nhiệm kỳ như ông Trương Tấn Sang thừa nhận, là trong suốt nhiệm kỳ của ông ấy, ông đã ký lệnh phong cho 300 tướng cả quân đội lẫn công an, góp phần vào tình trạng lạm phát tướng lĩnh ở Việt Nam.
"Thứ hai nữa là trong nhiệm kỳ của ông Trương Tấn Sang, ông ấy đã không thể nào làm được chuyện cực kỳ quan trọng của Chủ tịch nước là thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Điều đó khó vô cùng, và ông đã không làm được.
"Và vấn đề thứ ba là những chuyện nhỏ thôi nhưng ông cũng chưa thể làm được, đó là họp giao ban với khối chính phủ để nắm phần điều hành công việc của khối chính phủ như thế nào. Coi như là một cách để kiểm soát chủ tịch nước, kiểm soát bên chính phủ.
"Không biết ông Trần Đại Quang có cải thiện được những việc ông Trương Tấn Sang chưa làm được hay không, nhưng dù sao ông Trần Đại Quang cũng xuất thân là ngành công an, nên phần nào kiểm soát được công an, nhưng chưa chắc kiểm soát được bên quân đội," nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nêu quan điểm.

Lúng ta lúng túng


Hôm Chủ nhật, khi được hỏi liệu cựu Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang có điểm nào có thể coi là 'mặt khuyết' chính hay không, Luật sư Trần Quốc Thuận, cũng nói:
"Ông Trương Tấn Sang chưa làm hết nhiệm vụ của mình.
"Trong bản Hiến pháp 2013, ông Chủ tịch nước có quyền đòi hỏi chính phủ bàn về những vấn đề mà mình quan tâm... với những bức xúc xã hội, người ta yêu cầu ông ấy phải lên tiếng một cách công khai thì ông ấy vẫn lúng ta lúng túng...
"Người ta đặt vấn đề thì ông ấy nói chúng tôi đã nói ở một chỗ khác.
"Người ta cũng đòi hỏi ông phải xử sự nhiệm vụ Chủ tịch nước của mình một cách tích cực hơn, thay vì mình cứ nói 'Đồng chí X', mà mình phải đặt 'Đồng chí X' phải làm thế này, phải làm thế kia...
"Thì rõ ràng ông ấy vẫn chưa làm được cái mặt đó, tức là cái mặt tích cực, cụ thể.
"Phải có hành động cụ thể hơn để chống lại quan liêu tham nhũng, thì ông chưa làm một cách đầy đủ nhiệm vụ của Chủ tịch nước," cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC.

No comments:

Post a Comment