Theo VOA-03.04.2016
Đài đảng cũng ‘hé miệng’
VOV - Đài tiếng nói Việt Nam - là cái tên mới nhất có thể được ghi nhận mang hơi hướng “hé miệng” trong giới báo chí nhà nước.
Trước đây, VOV luôn bị xem là một “kênh đảng” khi đa phần chỉ chuyển tải những vấn đề thuộc về chủ trương, nghị quyết của “đảng và nhà nước ta”, hoặc dẫn tin theo Thông tấn xã Việt Nam. Quá nhiều tin bài khô cứng trong khi thiếu hẳn chất phản biện xã hội đã khiến VOV chẳng khác những kênh đảng khác nhưNhân Dân và Quân Đội Nhân Dân là mấy.
Cách đây khoảng 2 năm, đã từng có dự định một chương trình hợp tác giữa VOV với VOA - Đài tiếng nói Hoa Kỳ. Tuy nhiên không biết vì lý do đủ nhạy cảm gì, kế hoạch này đã không thành hình.
Điều có vẻ đáng ngạc nhiên là trong khoảng nửa năm qua, hãng phát thanh này đã thực hiện được một số đề tài mang tính cách độc lập hơn. Tuy chưa đả động đến chính trị, nhưng phản biện dân sinh đã bắt đầu mang sắc tố riêng. Trong tường thuật về những phong trào phản kháng của dân chúng trên nhiều vùng chữ S, người ta không thấy đài này cong queo “tính đảng” như trước đây.
Trước Tết Nguyên đán 2016, một cuộc biểu tình tổng hợp già trẻ lớn bé lên đến vài ba ngàn người của tiểu thương chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã bùng nổ. Khác với tâm thế bị cấm cản từ Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông vào những năm trước, khá nhiều báo nhà nước đã đưa tin bài về vụ biểu tình Ninh Hiệp với thái độ không hoàn toàn dửng dưng. Một số phóng viên đã bày tỏ không giấu giếm thái độ ủng hộ cuộc đấu tranh đòi quyền sinh tồn của người dân.
Sau Tết Nguyên đán 2016, một cuộc biểu tình khác nổ ra ở Thanh Hóa - phong trào “đòi biển” ở Sầm Sơn. Đến lúc này, báo giới nhà nước tăng mạnh cường độ tin bài. Không chỉ những tờ báo có truyền thống phản biện về dân sinh như Dân Việt, Người Lao Động, mà cả những trang báo điện tử mang khuynh hướng “trung dung” như Vnexpress và cả báo chuyên ngành như Vneconomy cũng đã bắt đầu nghiêng về quan điểm cổ vũ đường lối đấu tranh kiên trì và ôn hòa của ngư dân Sầm Sơn, tuy vẫn không quên mô tả “đức độ” của Bí thư Thanh Hóa khi chấp nhận “thua dân”.
Không khí tin bài phản biện xã hội vào đầu năm nay có thể khiến người ta nhớ lại vụ Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng, Hải Phòng vào đầu năm 2012. Khi đó có đến gần 2.000 tin bài xuất hiện trên báo chí nhà nước, phần lớn ủng hộ “người anh hùng áo vải” đã dám vùng dậy chống lại cả một đoàn quân cưỡng chế hùng hậu tác chiến “trận đánh đẹp” được đạo diễn bởi giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca - nhân vật sau đó không những không phải ra tòa mà còn được lên lon.
Cũng vào đầu năm 2016, khẩu khí kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 chống Trung Quốc xâm lược đã bất ngờ “mở miệng”. Khác nhiều với tư thế co ro những năm trước, báo chí Việt Nam gần như đồng loạt vươn vai khơi lại tội ác dã man của quân đội Trung Quốc. Một số tờ báo còn liên hệ tội ác trong quá khứ với hình ảnh bị coi là “cướp biển” của tàu Trung Quốc khi tấn công ngư dân Việt trong những năm gần đây.
‘Tuyên giáo trung ương không nên cầm tay chỉ việc’
“Không có lẽ nào cứ bắt báo chí câm miệng mãi. Người ta thì sôi sùng sục biểu tình phản đối Trung Quốc, bọn tôi chẳng lẽ cấm khẩu à?” - một ký giả có thâm niên của một tờ báo nhà nước thốt lên vào dịp Tết Nguyên đán 2016. Vào thời gian đó, giới dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã liên tiếp tổ chức những cuộc tưởng niệm ngày mất quần đảo Hoàng Sa 19/1 và ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam 17/2 ở Hà Nội, Sài Gòn và Vũng Tàu.
“Tuyên giáo trung ương chỉ nên làm cái việc định hướng chung thôi chứ tuyệt đối không nên cầm tay chỉ việc như trước. Không phải cứ tuần nào tháng nào cũng nhắn tin cho các báo không được đăng cái này cái kia. Làm như vậy là hết sức mất dân chủ, xem tự do báo chí không ra cái gì” - một nhà báo khác thẳng ruột ngựa hơn.
Ngay sau Tết Nguyên đán 2016, giới quan sát chính trị chú ý một hiện tượng lạ: Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương là Vũ Ngọc Hoàng đã trở thành quan chức đương nhiệm đầu tiên của Việt Nam trả lời phỏng vấn một “đài địch” có cỡ là RFA Việt ngữ. Không những trả lời, ông Hoàng còn biểu hiện một chút khí sắc tự tin chứ không đến nỗi “ngậm hột thị” như nhiều quan chức khác.
Rõ là thời thế đang đổi thay. Âm thầm đổi thay. Nếu Tổng Bí thư Trọng đã chịu đi Mỹ, chấp nhận Công đoàn độc lập trong TPP và không cầm giấy đọc trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Obama tại Phòng Bầu Dục vào tháng Bảy năm 2015, hình như não trạng giới quan chức đảng ở Việt Nam bắt đầu chuyển động, dù vẫn gia tốc chậm.
Nhưng đổi khác rõ nét nhất của báo chí nhà nước lại liên quan đến một chủ đề cực kỳ nhạy cảm: tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang nghĩ gì về thời cuộc?
Khác hẳn những kỳ bầu cử Quốc hội trước đây với chỉ 10-15 nhân vật tự ứng cử trên toàn quốc được “chọn” vào danh sách bầu cử và chỉ có 4-5 người “dễ bảo” lọt vào Quốc hội, kỳ bầu cử Quốc hội năm 2016 đã chứng kiến hơn 150 người tự ứng cử, trong đó có đến hơn hai chục người thuộc giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền.
Không cần phải mô tả cũng có thể hình dung thái độ của giới công an, chính quyền một số địa phương và giới dư luận viên vừa điên tiết vừa phải đối phó đến thế nào đối với những người tự ứng cử. Thế nhưng điểm khác biệt về chất so với những kỳ bầu cử trước đây là đã có một sự phân hóa lớn trong báo giới nhà nước. Ngay sau khi Petrotimes - một tờ báo được dư luận xem là “tiếng nói của Bộ Công an” - tung ra một bài viết vừa lên án vừa mạt sát thậm tệ một trong những người tự ứng cử - diễn viên Nguyễn Công Vượng - hàng loạt tờ báo nhà nước như Gia Đình, Thanh Niên, Vietnamnet, Dân Việt… đã lên tiếng chia sẻ và ủng hộ diễn viên này.
Cũng ngay sau khi một quan chức trong đoàn giám sát chính phủ tung hê tuyên ngôn “có tổ chức phản động đứng phía sau một số người tự ứng cử” trong buổi làm việc với thành phố Hà Nội và được báo chí nhà nước ồn ào đăng tải, nhiều tờ báo như Người Lao Động, Dân Việt, Pháp luật TP.HCM, Vietnamnet, Đất Việt…, kể cả Tuổi Trẻ đã thực hiện phỏng vấn những cựu chiến binh như Thiếu tướng Lê Mã Lương, cả với quan chức đương nhiệm như ông Vũ Trọng Kim của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng một số đại biểu Quốc hội và quan chức khác. Đa số những ý kiến này đều ủng hộ quyền tự ứng cử, tự ứng cử thể hiện dân chủ ở Việt Nam và còn cho rằng cơ quan chức năng không có quyền xâm phạm đối với những người tự ứng cử.
Nếu những bài viết và nhận định trên mạng xã hội về tự ứng cử vẫn thường bị công an và chính quyền quy kết là “luận điệu của thế lực thù địch”, thì phản ứng trong chính dư luận nội bộ đã khiến cho cán cân dân chủ trở nên thăng bằng hơn: sau bài đả kích và mạt sát diễn viên Nguyễn Công Vượng, chính tờ Petrotimes đã phải “sửa sai” bằng cách đăng bài phỏng vấn một số người tự ứng cử luôn bị chính quyền xem là “bất đồng chính kiến”, thậm chí là “phản động” như các ông bà Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Đình Hà, Đặng Bích Phượng.
Vai trò của báo chí nhà nước cũng bởi thế đang được giá trị hóa, không chỉ bằng những tin bài nóng hổi về phản ứng xã hội của người dân, mà bắt đầu tham dự vào đời sống chính trị quốc gia một cách thực chất hơn.
Trên một phương diện khác, dư luận báo chí lại tác động không nhỏ đến suy nghĩ và cách thức hoạt động của Quốc hội Việt Nam. Một khi cả một số tờ báo nhà nước đã bắt đầu nói thẳng rằng Quốc hội đã “gật” quá nhiều trong nhiều năm, tư thế ngủ ngồi của cơ quan tối cao quyền dân này có thể phải được cải thiện chút ít. Sau khi chính phủ thêm một lần đề nghị hoãn trình luật Biểu tình ra Quốc hội, lác đác đó đây đã có những tờ báo phỏng vấn quan chức Quốc hội như một cách phản ứng với thái độ chây lì trì hoãn luật Biểu tình ấy.
Đầu 2016, tự do báo chí đang lộ dần ở Việt Nam theo cách vừa khiên cưỡng vừa tự phát.
Hiện tượng không thể bỏ qua trên, cùng một tổng bí thư Mác - Lê vừa tái cử sau Đại hội XII và trước thềm cơn giông tố phản kháng xã hội Việt Nam, khiến nhiều người căn vặn: ông Nguyễn Phú Trọng đang nghĩ gì về một thời cuộc mà đảng của ông không thể kéo dài mãi mãi?
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment