Hàn Giang-03-18-2016
Trần Thị Hài: “Chín tháng tù như một giấc ngủ trưa”
(VNTB) - “...Tôi thấy đồng bào tôi, những người sống quanh tôi còn khổ lắm. Tôi không thể sống sung sướng khi nhìn thấy những đồng bào của tôi trong toàn 63 tỉnh thành đang còn bị nghèo khổ, bị đánh đập, bị cướp bóc tài sản đẩy ra đường, cơm không đủ ăn, khi mưa gió không mảnh áo che thân, lúc chết không biết đặt cái quan tài ở đâu khi về phía giới bên kia. Vì lẽ này mà tôi thấy hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mới là lớn, còn hạnh phúc của tôi và gia đình tôi không là gì cả, chỉ là một hạt cát hạt bụi. Cho nên tôi chấp nhận dấn thân, bỏ tất cả tài sản và vật chất để đi vào con đường đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam đó là một điều hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi chứ không phải hưởng thụ cá nhân...”, lời bà Trần Thị Hài.
Người dân Việt Nam nói chung, người dân oan và giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam nói riêng hẳn không lạ với người phụ nữ ở tuổi “thất thập cổ lai hy” thường xuyên có mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam hay những cuộc tuần hành của giới dân oan trong hành trình đấu tranh đòi công lý, đòi tài sản gia đình. Người phụ nữ ấy là ai?
Có một cái tên hễ khi nhắc đến là làm hài lòng mọi người: Trần Thị Hài. Bà Hài năm nay 71 tuổi, quê ở Bình Dương, từng là một đảng viên cộng sản nhưng rồi tai họa bỗng ập xuống bởi chính sách đất đai của Nhà nước khiến hạnh phúc gia đình do bà cùng chồng và các con (3 gái, 1 trai) vun đắp bằng mồ hôi nước mắt bao nhiêu năm trời bỗng tan vỡ. Bà Hài trở thành một dân oan đi khiếu kiện đất đai từ Nam ra Bắc và sau đó bị 2 lần vào tù do liên quan đến việc đi khiếu kiện lâu năm và tham gia những hoạt động dân chủ.
Tiếp chuyện với Việt Nam Thời Báo (VNTB), bà Hài vui vẻ chia sẻ những biến động đã trải qua trong quãng đời của mình và mong nguyện của bà trong những ngày còn lại.
PV (VNTB): Thưa cô Hài! Cô có thể chia sẻ cho mọi người biết là cô chính thức tham gia vào con đường đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam từ khi nào?
Bà Trần Thị Hài: Nếu nói chính thức tham gia vào con đường đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam thì khoảng hơn 2 năm hoặc 3 năm tức là thời điểm tôi ở trong tổ chức dân sự Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam.
PV (VNTB): Thời gian tham gia hoạt động dân chủ, nhân quyền không lâu, vậy cô có gặp những khó khăn gì không?
Bà Trần Thị Hài: Hơn 2 năm ở trong Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt an ninh, liên tục những lần tôi đi chia sẻ, gặp gỡ tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo rồi tù nhân là dân oan ở khắp 63 tỉnh thành khi về đều có giấy mời của an ninh tỉnh Bình Dương. Ban đầu tôi chưa có kinh nghiệm lắm, tôi cũng lên làm việc nhưng sau này tôi có luật sư rồi thì mỗi lần như vậy tôi đều tham vấn cùng luật sư nên tôi từ chối, tôi không làm việc và ghi rõ vào tờ giấy mời lý do tôi không hợp tác vì đây là quyền tự do của công dân. Mọi công dân 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia Hội, thành lập Hội mà Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã quy định. Tôi rất nhiều lần tham gia các cuộc họp của các tổ chức dân sự hoặc những buổi tọa đàm dân sự đều có an ninh theo dõi, có lần tôi đi bị ngăn chặn nên không thể đi được. Còn khi trên mạng xã hội có kêu gọi các chương trình tuyệt thực cho dân oan Việt Nam thì họ (an ninh) khoảng mấy chục người (an ninh) đã bao vây nhà tôi từ hôm trước cả ngày lẫn đêm. Thậm chí họ còn cho xe chặn ngang cửa nhà tôi, đổ keo vào khóa cửa ngõ nhà tôi nếu như hôm đó nhà tôi lỡ có hỏa hoạn thì gia đình tôi gồm 5 người không biết thoát bằng cách nào? An ninh của Bình Dương rất độc ác đối với những người như tôi hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự.
PV (VNTB): Trải qua thời gian tham gia hoạt động dân chủ, nhân quyền cô thấy dân chủ và nhân quyền nó thiết thực như thế nào cho đất nước và người dân Việt Nam?
Bà Trần Thị Hài: Tôi đã tìm hiểu và biết được từ các Hiếp pháp năm 1946 của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam ngày nay và qua mấy lần sửa đổi Hiến pháp (tạm gọi luật mẹ) đều ghi rõ công dân Việt Nam có quyền thành lập Hội, có quyền biểu tình thì tôi thấy rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thiếu người dân Việt Nam như quyền thành lập Hội, quyền biểu tình… Suốt 71 năm qua, người dân Việt Nam như bị đánh cắp, bị cướp các quyền này cho nên các văn bản nghị định, điều luật của Đảng đưa ra tôi cho toàn là dối trá, lừa bịp nhân dân Việt Nam và quốc tế cụ thể những điều luật ở Việt Nam và số công ước quốc tế đã ký nhưng đến thời điểm này vẫn không thực hiện. Kết luận nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đánh cắp các quyền mà tôi nêu trên gọi chung là quyền con người.
PV (VNTB): Là một người phụ nữ tuổi cũng đã cao, cũng là người mẹ với bao lo toan gánh nặng gia đình giờ cô còn tham gia hoạt động dân chủ, nhân quyền để đón nhận thêm bao khó khăn, có bao cô nghĩ mình tự rước cái khổ vào bản thân một cách vô nghĩa vô ích hay không?
Bà Trần Thị Hài: Tôi biết mình năm nay đã 71 tuổi rồi, tôi cũng là người mẹ và cũng là người bà đã từng sống trong cái nôi của cộng sản giúp tôi hiểu rằng; chỉ có tự do dân chủ, quyền con người được bảo đảm thì mới có hạnh phúc, dân tôc và con cháu chúng ta mới được hạnh phúc dĩ nhiên trong đó có cả gia đình chúng tôi. Vì vậy, tôi nguyện rằng; mình còn sức lực còn lại thì tôi dù có gian khổ, tù đày, ra pháp trường dưới họng súng của cộng sản thì tôi vẫn mỉm cười nói rằng; tôi đã làm được những việc để đòi dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam.
PV (VNTB): Gia đình có phản đối những việc cô đang làm hay không?
Bà Trần Thị Hài: Tôi có một suy nghĩ mình không thể hạnh phúc khi người dân Việt Nam còn khổ. Tôi thấy đồng bào tôi, những người sống quanh tôi còn khổ lắm thì tôi không thể sống sung sướng khi nhìn thấy những đồng bào của tôi trong toàn 63 tỉnh thành đang còn bị nghèo khổ, bị đánh đập, bị cướp bóc tài sản đẩy ra đường, cơm không đủ ăn, khi mưa gió không mảnh áo che thân, lúc chết không biết đặt cái quan tài ở đâu khi về phía giới bên kia. Vì lẽ này mà tôi thấy hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mới là lớn, còn hạnh phúc của tôi và gia đình tôi không là gì cả, chỉ là một hạt cát hạt bụi. Cho nên tôi chấp nhận dấn thân, bỏ tất cả tài sản và vật chất để đi vào con đường đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam đó là một điều hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi chứ không phải hưởng thụ cá nhân. Tôi mong muốn đồng bào và toàn dân Việt Nam phải được hạnh phúc, phải được tự do, phải được hưởng ánh sáng văn minh của thế giới…vì quan điểm này của tôi nên gia đình tôi đều ủng hộ tôi về mặt tinh thần và sức khỏe để theo đuổi con đường mà tôi đã chọn.
PV (VNTB): Như cô nói trên, cô là thành viên của Hội phụ nữ Nhân quyền, một hội có tôn chỉ bảo vệ nhân quyền cho người phụ nữ vậy theo cô thì người phụ nữ Việt Nam ta thường hay bị vi phạm nhân quyền ở lĩnh vực nào nhiều nhất?
Bà Trần Thị Hài: Tôi thấy phụ nữ Việt Nam bị vi phạm nhân quyền nhiều nhất, đặc biệt các chị em hoạt động trong tổ chức dân sự, các chị em đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng và những chị em dân oan….
PV (VNTB): Vậy người phụ nữ Việt Nam có những thuận lợi gì trong quá trình tham gia đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam?
Bà Trần Thị Hài: Nói thuận lợi thì tôi nghĩ là không có thuận lợi gì cả. Nếu đã chấp nhận đấu tranh đòi công bằng, công lý và chống tham nhũng thì những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là không phân biệt nam hay nữ. Họ sẵn sàng bịt mồm, bịt miệng bỏ tù những chị em dám lên tiếng đấu tranh…
PV (VNTB): Đối với những người tham gia con đường đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam đặc biệt là phụ nữ thì cô có lời gì chia sẻ, nhắn gửi đến họ hay không?
Bà Trần Thị Hài: Tôi có lời nhắn gửi là; hãy vì cộng đồng mà mang hết sức lực và trí tuệ của mình để dấn thân, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam.
VNTB cám ơn những chia sẻ, tâm tư của bà Trần Thị Hài và chúc bà chân cứng đá mềm trong hành trình đòi công lý công bằng cho gia đình lẫn cho cả dân oan Việt Nam và cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam!
Bà Trần Thị Hài có chồng là ông Đỗ Thành Huấn nguyên là nhạc sĩ, kỹ sư cơ khí tốt nghiệp từ trường Ucoren tại Nga, cựu giám đốc Công ty Cơ khí Nông Nghiệp huyện Bến Cát. Năm 17 tuổi, bà Hài được kết nạp vào Đảng cộng sản nhưng được thời gian sau bà trả lại thẻ Đảng. Cuộc đời lắm thăng trầm, mười mấy năm đi khiếu kiện đất đai, bà Hài nếm trải biết bao cay đắng, tủi nhục vào tù ra tội. Cụ thể, năm 2006 bà Hài đi tù lần nhất, bản án 9 tháng tù giam về tội đi khiếu kiện đất đai không làm người phụ nữ kiên cường này khuất phục, bà Hài từng nói đất đai của gia đình có thể từ bỏ nhưng công cuộc đấu tranh đòi công lý công bằng thì không thể từ bỏ. Ngay sau ra tù lần thứ nhất, bà Hài tiếp tục bị tù lần thứ 2 vào năm 2012 sau khi tham dự cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội về lại Bình Dương thì bị công an Bình Dương vào nhà còng tay và sau đó giam tù cũng với mức án 9 tháng tù giam. Tháng 9/2013, bà Hài mãn án tù lần 2, lần này bà Hài có nói “9 tháng tù như một giấc ngủ trưa” và tuyên bố tiếp tục công cuộc đấu tranh. Bà Hài tiếp xúc với giới đấu tranh dân chủ Việt Nam đặc biệt là những người phụ nữ đã giúp bà nhận thấy trong hành trình đấu tranh đòi tự do dân chủ, nhân quyền Việt Nam thì người phụ nữ cũng bị đàn áp không kém phái nam. Vì lẽ này nên vào khoảng cuối năm 2013, bà Hài chính thức là thành viên của Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam với tuyên ngôn sứ mệnh “Bảo vệ Tự do và Nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam”. Bà Trần Thị Hài chính thức bước vào cuộc chiến mới dù tuổi đã cao nhưng vẫn không ngừng nghỉ với sứ mệnh hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mới là lớn, còn hạnh phúc bản thân chỉ là chuyện nhỏ, chấp nhận dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam đó là một điều hạnh phúc nhất của cuộc đời.
No comments:
Post a Comment