Sunday, March 20, 2016

Hiệp thương bầu cử Việt Nam đã lạc hậu?

Theo BBC-3 giờ trước 

Quốc hội Việt NamImage copyrightGetty
Image captionViệt Nam sắp tiến hành kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào cuối tháng 5/2016.
Hiệp thương được nhà nước và chính quyền Việt Nam sử dụng như một công cụ thay thế cho tranh cử, tuy nhiên kinh nghiệm của nhiều quốc gia từng trải qua thể chế một đảng cho thấy có lộ trình từ tranh cử hạn chế tới tranh cử đầy đủ, theo một nhà phân tích chính trị nội bộ Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm 20/3/2016, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Chiến lược Quốc tế và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng hiện nay chiến lược 'nhất thể hóa' hệ thống quyền lực và lãnh đạo của đảng đối với hệ thống chính quyền nhà nước đang dẫn đến 'hạn chế tranh cử ngay trong nội bộ' đảng và chính quyền.
Trước câu hỏi, liệu cơ chế hiệp thương được chính quyền sử dụng lâu nay và áp dụng cho kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2016 còn phù hợp hay đã lạc hậu, so với tình hình phát triển chính trị - xã hội, dân trí và nhận thức của người dân Việt Nam và chuẩn mực chung của quốc tế, nhà nghiên cứu nói:
"Hiện cho đến thời điểm này, thì quy chế hiệp thương... từ năm 1986 đến giờ không có một thay đổi gì từ quy chế tiến hành và thủ tục hiệp thương.
"Và chúng ta nhìn và thấy chưa có một thay đổi gì về thủ tục hay là quy chế gì về hiệp thương. Mà hiệp thương vẫn dựa trên cơ sở các hoạt động theo quy định, trong khung cảnh của hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
"Tôi thấy rằng vì ý nghĩa của hoạt động thực hành của cái gọi là nhất thể hóa, nó dẫn đến việc hạn chế tranh cử ngay trong nội bộ, bởi vì cái đó ảnh hưởng trực tiếp từ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, ảnh hưởng đến quá trình hiệp thương.
"Người ta dùng hiệp thương để thay cho tranh cử. Đấy là cái hạn chế."

Bao giờ có tranh cử?

Bình luận về việc hàng chục ứng cử viên độc lập đã được chấp nhận qua vòng hiệp thương thứ hai ở một số địa phương trong nước, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói:
"Hiện nay, phải nói rằng danh sách tự ứng cử mà không phải nằm trong sự giới thiệu từ bên Đảng, ví dụ như Hà Nội có khoảng gần năm chục người, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng gần năm chục người, ở các địa phương thì còn khá là ít, một số địa phương là không có, vì cho đến nay đã vượt qua thời hạn nộp hồ sơ tự ứng cử và kể cả ứng cử theo giới thiệu...
"Hoàn cảnh, tình hình như thế đặt ra một cái là khả năng trong tương lai gần thôi thì cũng sẽ cần có đổi mới."
Gần đây, một cựu dân biểu Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm trên truyền thông nước này cho rằng cần có tranh cử.
Trả lời câu hỏi của BBC liệu có nên có tranh cử vào Quốc hội và các hội đồng nhân dân, đặc biệt là tranh cử vào các vị trí lãnh đạo nhà nước và chính quyền hay không, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói:
"Trong quá trình đổi mới trước đây ở một số nước đã từng trải qua thể chế một đảng thì dần dần họ sẽ tiến đến mở rộng từ việc hiệp thương sang tranh cử hạn chế và tranh cử đầy đủ.
"Thế thì cũng hy vọng là rồi sẽ tiến đến một hoàn cảnh là sẽ có tranh cử hạn chế, rồi tiến đến tranh cử đầy đủ và cái đấy phụ thuộc rất lớn vào việc Mặt trận Tổ quốc Việt nam đổi mới như thế nào."

Dự đoán nhóm tự ứng cử

Image copyrightAFP
Image captionQuốc hội Việt Nam có tỷ lệ đại đa số đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản đang cầm quyền.
Được đề nghị nêu dự đoán về khả năng và kết quả của các ứng viên độc lập tự đề cử ở Việt Nam trong kỳ bầu cử đang tới, trong đó có một số ứng viên như TSKH Nguyễn Quang A, Nhà báo Trần Đăng Tuấn, TS. Nguyễn Xuân Diện v.v..., ông Hà Hoàng Hợp nói:
"Hiện nay họ đã vượt qua giai đoạn một, tức là họ đã được chấp nhận ở giai đoạn hiệp thương lần thứ nhất.
"Đến lần hiệp thương thứ hai, tùy từng trường hợp cụ thể một thì hiệp thương lần thứ hai sẽ xảy ra.
"Và tôi nghĩ nó sẽ có những điểm đặc thù và đặc biệt, có thể nó sẽ có những khó khăn cho các vị ấy."
Bình luận thêm về các kết quả hiệp thương và đặc biệt về vai trò của Hội đồng Bầu cử Quốc gia Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch, trong đảm bảo công bằng cho các ứng viên thuộc mọi thành phần dù tự ứng cử hay được đảng, chính quyền giới thiệu, TS. Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm:
"Tôi thấy kết quả của hiệp thương lần thứ nhất có một điểm tích cực là những người tự ứng cử hầu hết đã lọt vào, tức là đã được chấp nhận để đưa vào hiệp thương lần thứ hai.
"Và đấy là một tiến bộ của Hội đồng Bầu cử, của hiệp thương, nó trả lời rằng là những dư luận, từ chỗ nọ, chỗ kia, nó không có nhiều giá trị," nhà phân tích nói với BBC.
Mới đây, trên một số báo chí, truyền thông ở Việt Nam, xuất hiện một số thông tin, trong đó có dẫn lời một số quan chức, cựu quan chức chính quyền, nêu bình luận cho rằng đằng sau một số ứng viên tự ứng cử độc lập kỳ này ở Việt nam có 'bàn tay' và 'hậu thuẫn' của các tổ chức 'phản động' ở nước ngoài, hoặc coi việc 'có quá nhiều' ứng viên độc lập là hiện tượng đáng 'lo ngại' v.v...

No comments:

Post a Comment