Sunday, March 20, 2016

Giám đốc Google người Việt ủng hộ chính sách thân thiện với người tị nạn

Tạp chí CoExist hôm nay kể lại câu chuyện của một người Việt Nam tị nạn cộng sản đã tạo dựng sự thành công ở Thung lung Silicon, thông qua việc viết ra nhu liệu giúp các nhà khoa học có thể lưu trữ một khối tài liệu khổng lồ.
Đó là Christopher Nguyễn, người theo gia đình vượt biên từ năm 1978 tại một tỉnh miền Tây của Việt Nam lúc mới 12 tuổi. Họ bị rơi vào tay hải tặc Thái Lan, bị đẩy trở ra ngoài khơi Malaysia, và cuối cùng đặt chân lên một trại tị nạn đông đúc tại một hòn đảo. Gia đình ông may mắn được Liên Hiệp Quốc cứu vớt và được Hoa Kỳ tiếp nhận với tư cách người tị nạn.
Christopher Nguyễn tốt nghiệp trường đại học Stanford, trở thành một giáo sư và nay là một giám đốc của Google. Nguyễn nói rằng từ năm 1938, phần lớn dân Mỹ từ chối người tị nạn, kể cả người Do Thái đến từ Đức. Cuộc thăm dò dư luận hồi tháng Mười Một năm ngoái cho thấy, 64% người Mỹ không muốn tiếp nhận người tị nạn Syria. Từ năm 2012, Hoa Kỳ chỉ tiếp nhận khoảng 2,000 trong số 4 triệu 600 ngàn người tị nạn Syria.
Ở Đức, 40% dân chúng muốn bà Angela Merkel từ chức, vì chính sách thân thiện với người tị nạn. Nhưng họ không biết rằng, hiện có 43 ngàn việc làm công nghệ thông tin tại Đức bị khiếm khuyết vì không tìm được nhân tài.
Christopher Nguyễn cho rằng, chính sách khuyến khích nhận thêm người tị nạn, sẽ là chiến lược quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt để cứu lấy thành phố Detroit hiện nay. Tại Michigan, người tị nạn tốt nghiệp trường đại học 4 năm đông gấp đôi số người được sinh ra tại Hoa Kỳ. Nguyễn nói rằng, nếu Hoa Kỳ chấp nhận tỉ lệ người tị nạn tương đương với Thuỵ Điển thì con số này sẽ là 6 triệu người. Theo ông, để đạt đến mục tiêu lớn hơn, thì một quốc gia sẽ phải giải quyết tất cả những vấn đề khó khăn để tiến đến mục tiêu đó. Christopher Nguyễn khẳng định rằng Hoa Kỳ luôn luôn là đất nước của người tị nạn cho thấy ông ủng hộ chính sách thân thiện với người tị nạn. 
03/16/2016 - 15:21
Song Châu / SBTN

No comments:

Post a Comment