NGUYỄN DƯƠNG-09:35 20/03/2016
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa quyết định cho di dời Nhà máy phân bón Sao Nông gây ô nhiễm môi trường khiến người dân nhiều lần tập trung phản đối.
Ảnh minh họa.
Chiều 19/3, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì buổi làm việc với đại diện người dân thôn Đa Sỹ (xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa), lãnh đạo các sở, ngành chức năng và Công ty cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát về vấn đề nhà máy hoạt động gây ô nhiễm khiến dân bức xúc.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch tỉnh yêu cầu lãnh đạo các ngành chức năng giải trình, làm rõ những nội dung liên quan đến vấn đề quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư dự án, việc thực hiện các bước trong quá trình đầu tư, các quy định của pháp luật về môi trường… để doanh nghiệp và người dân hiểu.
Trước việc người dân bức xúc vì nhà máy gây ô nhiễm, ông Xứng nghiêm túc nhận trách nhiệm trước người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, vị Chủ tịch quyết định dừng toàn bộ hoạt động sản xuất của nhà máy; đồng ý cho công ty tiêu thụ hết số sản phẩm, nguyên liệu trong kho.
“Công ty Cường Phát đã cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục đầu tư Nhà máy phân bón Sao Nông. Tuy nhiên công ty chưa thực hiện đúng các bước theo quy định nên đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc”, ông Xứng khẳng định.
Vì lý do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý cho di dời toàn bộ Nhà máy phân bón Sao Nông sang địa điểm mới để tiếp tục hoạt động sản xuất với điều kiện phải đảm bảo mọi quy định của nhà nước, đặc biệt là về vấn đề vệ sinh, môi trường.
Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông có công suất thiết kế 9.500 tấn/năm. Nhà máy chính thức chạy thử ngày 8/11/2015. Trong quá trình hoạt động, khí thải của nhà máy đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân thôn Đa Sỹ.
Người dân địa phương đã tổ chức tập trung trước cổng đơn vị này để thể hiện sự bức xúc về vấn đề trên. Ngày 20/2/2016, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa quyết định tạm dừng hoạt động của Nhà máy để yêu cầu khắc phục hệ thống xử lý môi trường đảm bảo đúng quy định.
Người dân căng băng rôn, khẩu hiệu trước cổng nhà máy thể hiện sự bức xúc. Ảnh: Nguyễn Dương.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện một vài giải pháp như nâng cao ống khói lên 28 m, thu gom bụi khí thải từ lò hơi để xử lý tại bể dập bụi… công ty chưa có báo cáo nghiệm thu các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường với các ngành chức năng và UBND tỉnh thì lại tiến hành hoạt động trở lại và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.
Điều này khiến người dân càng thêm bức xúc nên rất nhiều lần tụ tập đông người trước cổng nhà máy nhiều ngày để phản đối và yêu cầu nhà máy phải di dời.
Theo Zing News
No comments:
Post a Comment