HÀ NỘI (NV) - Nhờ tiền của Việt kiều ở hải ngoại và người Việt đi lao động khắp nơi trên thế giới gửi về mà thị trường địa ốc tại Việt Nam đang có những dấu hiệu hồi phục.
Trong một bài viết hôm 24 tháng 3, hãng tin Reuters nói như vậy về tình hình thị trường địa ốc tại Việt Nam sau mấy năm đổ sập, kéo theo một loạt các ngân hàng thương mại vì ôm những khoản nợ xấu khổng lồ từng cho các công ty cả quốc doanh lẫn tư doanh vay rồi đổ vào bất động sản.
Một dự án chung cư hàng trăm căn hộ cao cấp ở ngoại ô Hà Nội bị bỏ hoang hồi năm 2012 từ khi chưa hoàn tất vì thị trường địa ốc tại Việt Nam sụp đổ. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/GettyImages) |
Các căn nhà biệt lập và chung cư được bán sang tay, bằng tiền mặt, gia tăng trong những tháng qua, đã giúp cho thị trường hồi phục nên Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đang có dấu hiệu muốn siết chặt thêm các tiêu chuẩn tài trợ địa ốc.
Có vẻ họ muốn tránh một cuộc khủng hoảng như từng xảy ra hồi năm 2011 đã làm “đóng băng” hàng chục ngàn căn nhà và chung cư với tổng trị giá lên đến $6 tỉ và các ngân hàng tràn ngập nợ xấu.
Giới chuyên viên địa ốc cho rằng nền kinh tế của Mỹ hồi phục mạnh khỏe hơn, nơi có một triệu rưỡi người Mỹ gốc Việt cư ngụ, và một số luật lệ về địa ốc của Việt Nam được sửa đổi cũng như nền kinh tế của nước này cải thiện đã kích thích Việt kiều gửi tiền về nước.
Reuters dẫn trường hợp của bà Vũ Ngọc Mai, đi du học tại Hòa Lan 18 năm trước, nói rằng bà tìm kiếm trên mạng Internet hàng ngày để tìm cơ hội đầu tư bất động sản giá rẻ tại Việt Nam. Hồi năm 2012, bà đã gửi tiền về nước cho thân nhân xây dựng một khu chung cư nhỏ tại Hà Nội rồi cho thuê.
“Tôi đi tìm mua các chung cư rồi cho người ngoại quốc thuê.” Bà Mai được thuật lời trên bài viết của Reuters. Hiện bà đã là một công dân Hòa Lan và làm cho một công ty về trang thiết bị truyền thông ở Bỉ.
“Ðó là tiền để dành của tôi để tôi sử dụng sau này khi trở về vào lúc lớn tuổi.”
*Kiều hối gia tăng
Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ước lượng số lượng “kiều hối” mà người Việt Nam từ khắp nơi gửi về nước trong năm nay có thể lên đến $14 tỉ, tương đương với khoảng 6.4% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Nếu con số này đúng như ước lượng thì gia tăng 15% so với lượng kiều hối của năm ngoái.
Theo Ủy Ban Giám Sát Tài Chính của CSVN ước lượng, số lượng kiều hối có thể lớn hơn con số thống kê và ước lượng của Ngân Hàng Nhà Nước rất nhiều. Bởi vì còn khoảng $2.7 tỉ từ nước ngoài chảy về Việt Nam qua những kênh không chính thức, hồi năm ngoái.
Nếu không nhờ các số tiền của người Việt Nam gửi về nước, nền kinh tế của Việt Nam không thể tăng trưởng được 6.7% trong năm 2015, một mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2007 đến thời điểm này.
Hiện có khoảng 5 triệu người Việt Nam đã định cư hoặc làm việc tại nước ngoài qua các chương trình “xuất khẩu lao động.” Nhà cầm quyền CSVN cho các cơ quan nhà nước lập các công ty xuất khẩu lao động, thu “phí” của dân với giá cắt cổ buộc người ta phải cầm cố nhà cửa, vườn ruộng để có một “suất” xuất khẩu, phần lớn đi làm thuê tại các nước khu vực như Malaysia, Nam Hàn, Ðài Loan, Nhật Bản. Xa hơn thì đến một số nước ở Trung Ðông.
Theo kinh tế gia Izumi Devalier của ngân hàng đầu tư HSBC thì đến 70% tiền người Việt gửi về nước đã chảy vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh, lôi cuốn bởi sự chi tiêu của lớp người thuộc tầng lớp trung lưu và những gia đình có lợi tức gia tăng. Kiều hối là nguồn tài chính cốt lõi tài trợ cho nền kinh tế của Việt Nam.
Theo Ngân Hàng Nhà Nước CSVN, một phần năm số lượng kiều hối đã được đổ vào bất động sản hồi năm ngoái. Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp Hội Ðịa Ốc thành phố Sài Gòn thì nhờ vậy, giá nhà đất tại Việt Nam đã tăng lên. Theo ông này, nếu Ngân Hàng Nhà Nước siết chặt tiêu chuẩn cho vay và tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng xấu đến sự hồi phục của thị trường địa ốc.
Theo công ty kinh doanh địa ốc CBRE của Mỹ hoạt động tại Việt Nam, vào dịp cuối năm 2015, giá trung bình một mét vuông căn hộ chung cư “cao cấp” ở Sài Gòn lên tới $1,949, tăng 21% so với cùng thời kỳ này năm 2014. Còn giá một mét vuông căn hộ chung cư “cao cấp” ở Hà Nội trung bình $1,592, tăng 10% so với năm trước. (TN)
No comments:
Post a Comment