Monday, March 7, 2016

Nhiễm độc nấm mốc ở các nước đang phát triển

Việt Hà, phóng viên RFA 2016-03-07  
051_XxjpbeE000594_20160127_TPPFN0A001-620
Theo báo cáo mới của IARC, bắp khô là sản phẩm chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nấm mốc AFP photo
Một nhóm làm việc bao gồm các chuyên gia y tế hàng đầu của thế giới mới đây đã đưa ra một báo cáo về tình trạng nhiễm độc nấm mốc trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Các nhà khoa học đã đưa ra một loạt các dẫn chứng về sự ảnh hưởng của nấm mốc lên sức khỏe của người dân, và thúc giục các quốc gia cần phải có những hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng này.
Theo báo cáo mới được công bố hôm 17 tháng 2 của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), hiện có khoảng 500 triệu người ở các nước vùng hạ Sahara, nam Mỹ và châu Á đang bị phơi nhiễm với những loại chất độc từ nấm mốc. Nguồn chính của những loại nấm mốc mà con người bị phơi nhiễm là các sản phẩm nông sản khô, đặc biệt là ngô, theo báo cáo mới của IARC.
Bản báo cáo là tập hợp những số liệu, đánh giá của nhóm làm việc bao gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới với sự trợ giúp của quỹ Bill và Melinda Gates.
Nấm mốc và bệnh tật
Bác sĩ David Miller, người đứng đầu nhóm làm việc của IARC, cho biết về những kết quả liên quan đến ảnh hưởng sức khỏe của các độc tố nấm mốc.
Điều quan trọng của báo cáo này là lo ngại mà các nước đã có trong suốt những thập niên qua liên quan đến ung thư của những độc tố nấm mốc phổ biến nhất bao gồm aflatoxin và fumonisin. Điều này đặc biệt quan trọng ở những vùng có tình trạng viêm gan B cao. Ung thư là một loại bệnh lâu dài và thường chỉ bùng phát ở những độ tuổi lớn, nó có ảnh hưởng nhất định lên sức khỏe cộng đồng. …
Vấn đề với nấm mốc nằm ở chỗ là khi bạn để vào kho bất cứ sản phẩm nào thì những sản phẩm này cũng có nguy cơ bị nấm mốc.
- Bác sĩ David Miller
Bác sĩ David Miller cho biết, độc tố aflatoxin có trong nấm mốc được cho là có liên quan đến khoảng từ 20 đến 30% các ca ung thư gan trên toàn thế giới, chủ yếu là ở các nước châu Phi và châu Á.
Tại Việt Nam, một nghiên cứu các bệnh nhân ung thư gan vào năm 2010 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội cho thấy chất aflatoxin B1 có trong tổ chức gan của hơn 83% bệnh nhân, có 17% bệnh nhân có cùng lúc 2 yếu tố nguy cơ là aflatoxin B1 và viêm gan virut, 13% bệnh nhân có cùng lúc 3 yếu tố là aflatoxin B1, rượu và thuốc lá. Tác giả của nghiên cứu này cho biết hầu hết bệnh nhân nghiện rượu dùng rượu trắng được nấu từ ngô, sắn, gạo là những lương thực dễ bị nhiễm nấm mốc sinh độc tố Aflatoxin B1. Đa số người nghiện rượu khi uống thường dùng đậu phộng rang là loại cũng dễ bị nhiễm nấm mốc.
Theo báo cáo, nếu một người không may ăn phải một liều lớn độc tố nấm mốc thì có thể bị tử vong trong thời gian ngắn do nhiễm độc. Bác sĩ David Miller giải thích
Nếu bạn bị phơi nhiễm với độc tố nấm mốc dù với số lượng nhỏ trong một thời gian dần dần chất độc tích lũy và nó gây hại cho gan của bạn….. Nếu bạn bị phơi nhiễm với số lượng lớn thì chất độc sẽ phá hoại hoàn toàn gan của bạn và bạn chết. Cho nên vấn đề ở đây là nó phụ thuộc vào số lượng độc tố mà bạn bị phơi nhiễm. Nếu một ít độc tố mỗi lần ăn và trong thời gian dài thì bạn bị ung thư. Nhưng với số lượng lớn đáng kể thì bạn có thể tử vong trong vài ngày cũng giống như bạn uống thuốc độc vậy. Còn đối với trẻ nhỏ bị phơi nhiễm thì nó ảnh hưởng đến khả năng trẻ hấp thụ những chất dinh dưỡng và do đó nó làm trẻ dễ bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác.
Giới hạn độc tố nấm mốc ăn vào người được quy định tùy theo từng nước. Ví dụ, ở Việt Nam mức được bộ Y tế quy định là không quá 5 microgram một kg trọng lượng cơ thể đối với aflatoxin B1 trong thực phẩm nói chung. Một điều tra về tình trạng nhiễm nấm mốc ở các sản phẩm hạt, bột và sữa trẻ em ở Việt Nam cách đây khoảng hơn 10 năm cho thấy lượng aflatoxin trung bình một người lớn ở Việt Nam ăn phải một ngày là khoảng 15 đến 60 nannogram, ít hơn so với mức tối đa quy định.
Theo bác sĩ David Miller, tại Đông Nam Á thời gian qua đã có những báo cáo về một vài trường hợp tử vong do ăn phải nấm mốc. Tại Kenya, châu Phi, báo cáo cho biết một vụ bùng phát nấm mốc ở nước này khoảng 10 năm về trước đã khiến ít nhất 125 trẻ em thiệt mạng.
051_XxjpbeE000603_20160220_TPPFN0A001-400
Một nhà hàng Trung Quốc đang làm món dumpling từ bột. AFP photo
Điểm đáng chú ý của báo cáo là kết quả của những nghiên cứu mới về ảnh hưởng của nấm mốc lên sự phát triển của trẻ. Theo các nhà khoa học, trẻ nhỏ bị phơi nhiễm lâu ngày với nấm mốc sẽ bị chậm phát triển. Giải thích về mối liên quan này, bác sĩ David Miller cho biết:
Nhiễm nấm mốc cũng ảnh hưởng đến sự hoạt động của ruột. Khi người lớn bị nhiễm nấm mốc, tất nhiên người lớn thì có cân nặng hơn trẻ nhỏ nên ảnh hưởng của nấm mốc lên người lớn khác trẻ nhỏ. Ví dụ một người lớn ăn một bát thức ăn bị nhiễm độc nấm mốc thì chất độc này được chia cho toàn bộ trọng lượng cơ thể. Nhưng nếu một em bé ăn bát thức ăn đó thì cân nặng của em ít hơn rất nhiều và em đang trong giai đoạn phát triển nhanh nên ảnh hưởng của nấm mốc nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng mà báo cáo này nói đến là trong khoảng 5 hay 6 năm qua đã có những nghiên cứu cho thấy việc phơi nhiễm độc nấm mốc có thể dẫn đến kìm hãm sự phát triển ở trẻ.
Thống kê được đưa ra trong báo cáo cho thấy hiện cả thế giới có khoảng 162 triệu trẻ em có độ tuổi dưới 5 bị còi cọc. Theo các nhà khoa học, thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho các bà mẹ đang mang thai và trẻ nhỏ tại những vùng bị ảnh hưởng có thể làm giảm khoảng 20 đến 30% tỷ lệ trẻ bị còi. Điều này không thể giải thích được tại sao vẫn còn một phần đông số trẻ bị còi dù đã có đủ dưỡng chất. Bác sĩ David Miller cho rằng, điều này khiến các nhà khoa học đặt nhiều nghi ngờ vào yếu tố nấm mốc. Tuy nhiên, theo ông, các nhà khoa học vẫn cần thêm các nghiên cứu để khẳng định mối liên quan này.
Phòng tránh nấm mốc
Nguồn thực phẩm chính dễ bị nhiễm nấm mốc mà con người hay gặp phải theo báo cáo mới là các nông sản khô, trong đó chủ yếu là ngô. Nấm mốc phát triển trên các sản phẩm này do điều kiện bảo quản trong kho chứa không tốt khiến chúng bị ẩm ướt. Theo báo cáo mới của IARC, ngô là sản phẩm chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nấm mốc, nhưng điều này không có nghĩa là các thực phẩm nông sản khác không thể bị nhiễm nấm mốc, nhất là gạo vốn là thực phẩm quan trọng nhất của người dân ở khu vực Đông Nam Á. Bác sĩ David Miller cho biết:
Nếu bạn bị phơi nhiễm với độc tố nấm mốc dù với số lượng nhỏ trong một thời gian dần dần chất độc tích lũy và nó gây hại cho gan của bạn ...
- Bác sĩ David Miller
Vấn đề với nấm mốc nằm ở chỗ là khi bạn để vào kho bất cứ sản phẩm nào thì những sản phẩm này cũng có nguy cơ bị nấm mốc. Ví dụ như gạo chẳng hạn. Thóc thu hoạch từ ruộng là rất tốt. Nó không có nấm mốc ngoài đồng. Nếu nó được lưu kho đúng cách thì cũng không sao. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, trong quá trình từ người nông dân đến người tiêu dùng, gạo bị lưu kho trong điều kiện xấu, ví dụ như không đủ khô, bị ẩm do mưa thì sẽ bị mốc.
Đây là điều khá phổ biến ở Đông Nam Á là nơi mà người dân có thói quen phơi đồ trên đường. Cho nên rất có khả năng các thực phẩm này bị nhiễm aflatoxin. Gạo đáng ra không có vấn đề gì đối với aflatoxin. Tuy nhiên bất cứ những sai sót nào trong quá trình lưu kho có thể dẫn đến nhiễm aflatoxin, điều này rất dễ xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, là nơi có khí hậu nhiệt đới. Đã có những trường hợp tử vong do nấm mốc ở Đông Nam Á.
Từ những năm 60s của thế kỷ trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận thức được tầm quan trọng phải kiểm soát sự lây lan của nấm mốc trong thực phẩm mà con người và gia xúc ăn vào. Đã có những khuyến nghị được đưa ra yêu cầu các nước phải gia tăng các biện pháp bảo quản thực phẩm tránh nấm mốc. Một số quốc gia trên thế giới từ lâu đã áp dụng các biện pháp kiểm tra ngặt nghèo đối với việc bảo quản cũng như nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài để tránh nấm mốc. Theo bác sĩ David Miller, người đã có nhiều năm nghiên cứu về tình trạng nấm mốc trong thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á, chính phủ Thái lan từ vài thập niên qua đã thực hiện chương trình loại bỏ nấm mốc khỏi thực phẩm, trong khi Malaysia quản lý rất chặt việc nhập khẩu các thực phẩm từ nước ngoài để tránh nấm mốc. Việt Nam cũng có những quy định cụ thể đối với hàm lượng độc tố nấm mốc tối đa có mặt trong các thực phẩm dành cho người và gia xúc.
Bất chấp những nỗ lực của quốc tế và chính phủ nhiều nước trong việc kiểm soát nấm mốc, tình trạng nhiễm nấm mốc vẫn còn rất phổ biến ở những nước nghèo và phát triển trong suốt nhiều thập niên qua. Các chuyên gia của IARC kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và tư nhân gia tăng đầu tư trong thời gian tới để giải quyết triệt để tình trạng này.

No comments:

Post a Comment