Linh Ngọc-07-03-2016
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Một số bộ, ngành có thể sẽ không còn tiền đầu tư trong 5 năm tới nếu trong trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số vốn ứng trước.
Lo ngại trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinhđưa ra khi báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 tại phiên họp 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn này là 1,846 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do các Bộ ngành và địa phương đề xuất lên tới khoảng 4 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015, gấp 2,1 lần khả năng cấn đối vốn 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Nhu cầu đầu tư gấp tới... 20,5 lần so với dự kiến
Trong khi đó, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng chỉ ra thực tế là việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt khoảng 31,7% GDP, không đạt mục tiêu đề ra là 33,5%-35%.
Nguyên nhân do bối cảnh trong nước, quốc tế không thuận lợi. Ngoài ra, chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập; một số dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế nhà nước đầu tư vốn, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ…
Mặc dù trong 5 năm tới sẽ xử lý xong tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách trung ương. Có nghĩa, sau 2020 sẽ không còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; ngân sách trung ương sẽ tập trung đầu tư chủ yếu cho các dự án lớn và nâng cao đáng kể hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, do cân đối ngân sách còn khó khăn, nhu cầu chi thường xuyên lớn nên khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.
Dẫn chứng là tổng mức ngân sách trung ương trung hạn 5 năm 2016-2020 (vốn trong nước) chỉ đáp ứng được khoản 30% nhu cầu đầu tư của cả nước. Số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn ngân sách trong 5 năm tới.
Ngoài ra đối với các dự án của một số Bộ, ngành trung ương, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản, số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương lớn, nếu trong kế hoạch trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số ứng trước thì sẽ không còn nguồn để đối ứng các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và thực hiện các mục tiêu khác.
Tổng mức đầu tư quá lớn, nhiều Bộ ngành không cân đối nổi
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn nhấn mạnh: “Thậm chí sẽ không còn nguồn để khởi công mới như Bộ Giao thông Vận tải, các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận...”
Trong khi trên thực tế, nhiều dự án cấp bách đã có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn nhưng do tổng mức đầu tư quá lớn, các Bộ, ngành trung ương và địa phương chưa cân đối được số vốn được phân bổ. Đồng thời vẫn chưa bố trí được đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trọng điểm.
Do đó, mục tiêu giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh thu hút và huy động các nguồn của khu vực doanh nghiệp và tư nhân để đầu tư hệ thống kế cấu hạ tầng; ưu tiên đẩy mạnh đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, thực tế số dự án đầu tư theo hình thức PPP ở các Bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất trong giai đoạn này còn rất ít.
Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 phải dựa trên các nguyên tắc chặt chẽ, đó là phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển; tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
No comments:
Post a Comment