Monday, March 7, 2016

Khô hạn, lòi ra hơn 1,000 công trình cấp nước 'dỏm'

GIA LAI (NV) - Trong khi người dân phải vét từng giọt nước suối để dùng thì hơn 1,000 công trình nước sinh hoạt ở các tỉnh Tây Nguyên hư hỏng, xuống cấp, bỏ hoang do bị rút ruột khi xây dựng.

Theo tin Người Lao Ðộng, ngày 6 tháng 3, 2016, từ năm 1999 đến 2012, tỉnh Gia Lai đầu tư xây 1,742 “công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để phục vụ người dân.” Ðến năm 2013, ủy ban tỉnh kiểm tra thì phát hiện 783 công trình xuống cấp hoặc không hoạt động.

Người dân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, phải lấy nước ở khe suối về sinh hoạt mỗi ngày. (Hình: Người Lao Ðộng)

Trong đó, 73 công trình do Trung Tâm Nước Sinh Hoạt và Vệ Sinh Môi Trường tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư; 710 công trình do huyện, thị xã làm chủ đầu tư. Ðặc biệt, có nơi như huyện Krông Pa, có 59 công trình thì 24 công trình đã không hoạt động.

Trung Tâm Nước Sinh Hoạt và Vệ Sinh Môi Trường Nông Thôn tỉnh Gia Lai khẳng định, các công trình này sau khi xây dựng xong đều có biên bản bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, khi phát hiện hư hỏng, các địa phương không báo để có biện pháp khắc phục. Trung tâm chỉ thừa nhận là thiếu kiểm tra thường xuyên các công trình do thiếu,... cán bộ.

Còn tại tỉnh Ðắk Nông, trong tổng số 230 công trình nước sinh hoạt tập trung thì có hơn 50% hư hỏng, ngừng hoạt động.

Tương tự, báo Người Lao Ðộng dẫn tin từ Sở Nông Nghiệp Ðắk Lắk cho biết, tỉnh này có 107 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn đầu tư hơn 345 tỷ đồng nhưng chỉ có 25 công trình đem lại hiệu quả, 42 công trình đã ngừng hoạt động.

Cụ thể, ông Y Tuyên Niê, phó Phòng Dân Tộc huyện Krông Búk cho hay, tại xã Ea Sin, trong nhiều năm qua, hơn 400 hộ đồng bào dân tộc thiểu phải lội bộ gùi từng gùi nước suối cách xa hơn 2 cây số, trong khi công trình nước sinh hoạt 1.7 tỷ đồng do ban quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư nằm ngay khu dân cư lại “đắp chiếu.”

Cùng cảnh ngộ, tại xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, một công trình nước sinh hoạt có tổng vốn đầu tư lên đến trên 7 tỷ đồng đưa vào sử dụng cuối năm 2009, nay cũng không sử dụng được, hàng trăm gia đình không có nước sạch.
Theo Trung Tâm Nước Sinh Hoạt và Môi Trường Nông Thôn tỉnh Ðắk Lắk, công trình nước sinh hoạt tập trung bị hư, không còn hoạt động nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Krông Năng, Buôn Ðôn, Cư M'Gar, Krông Pắk.

Chưa hết, tại thành phố Buôn Ma Thuột, nhiều công trình nước ở các xã Hòa Xuân, Hòa Phú, Hòa Khánh... cũng đã ngừng hoạt động nhiều năm nay, mà theo ông Võ Hồng Hải, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Xuân thì “do các công trình này thường xuyên hư hỏng, không có tiền sửa chữa đành phải đóng cửa.”

Ông Phạm Phú Bổn, giám đốc Trung Tâm Nước Sinh Hoạt và Môi Trường Nông Thôn tỉnh Ðắk Lắk, thừa nhận: “Các công trình không phát huy hiệu quả do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, thiếu cán bộ quản lý và vận hành,... nhưng điều đáng nói nhất là nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp nhanh chóng và ngừng hoạt động do lựa chọn nhà thầu, địa điểm và phương án thiết kế không phù hợp, quản lý quá lỏng lẻo...” (TrN)

03-07-2016 2:12:08 PM

No comments:

Post a Comment