Monday, February 8, 2016

Dân quyền Việt Nam, một giấc mơ quá xa

Nhân ngày Mồng Một Tết năm Bính Thân , 8 Tháng 2 năm 2016, chúc quí khán giả một năm mới vạn sự như ý. Và chúng tôi cũng như quí vị đều cầu mong một tương lại Nhân Quyền và Dân Chủ cho quê hương.



Trong bài Bình Luận Đầu Tuần này, chúng tôi xin được phép nhắc lại câu chuyện  xưa cũ từ 100 năm trước để minh chứng sự thật nghiệt ngã: Cuộc tranh đấu Dân Quyền Việt Nam đã kéo dài suốt thế kỷ 20, và nay vẫn đang tiếp tục tại thế kỷ 21 này, với mức độ khẩn thiết.
100 năm trước đây, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội Trung Kỳ dự tính sẽ diễn ra ngày 3-5-1916 bị người Pháp phát giác và dập tắt trong bể máu.  Biến cố này đã đưa đến cảnh lưu đày Vua Duy Tân đến đảo Reunion.  Còn những người liên quan như các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị kết án tử hình bằng cáchchém ngang lưng ở pháp trường An Hòa, cách Huế ba cây số về phía bắc trong ngày 17-5-1916. Cuộc vận động vũ trang giành độc lập dân tộc bị dìm trong máu của những sĩ phu yêu nước và vị quân vương người Việt cũng gánh chịu phần khổ nạn cùng vận mệnh quốc gia.
Năm nay, 2016, trong khi người Việt tị nạn sẽ cùng với 300 triệu công dân Hoa kỳ bỏ phiếu bầu người lãnh đạo quốc gia vĩ đại này,  còn người dân tại Việt Nam lại không có quyền tham dự việc lựa chọn những vị trí lãnh đạo của đất nước.  Diễn tiến đấu đá giữa các phe Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã minh chứng việc Đảng cộng sản Việt nam đã ngồi xổm trên hiến pháp và luật lệ đảng do chính họ đặt ra để thao túng tương lại vận mệnh của cả dân tộc.
So sánh cuộc tranh cử, bầu cử đang tiến hành trong năm 2016 tại Hoa kỳ, chúng ta nhận thấy rằng: cho dù sự khác biệt của các khuynh hướng Cấp Tiến (Liberal) và Bảo Thủ (Convervative) nhưng tất cả ứng viên đều tập trung ở một chủ đề duy nhất là: vì một đất nước Hoa Kỳ hùng mạnh.   Qua hình thức bỏ phiếu dân chủ, người dân Mỹ đã lựa chọn cho chính họ các nhà lãnh đạo từ cấp địa phương cho đến vị trí nguyên thủ quốc gia. 
Trong khi đó, qua kỳ đại hội đảng thứ 12 diễn ra vừa qua, đã cho thấy các ủy viên trung ương đảng đã tiếm quyền của dân chúng Việt Nam để chọn ra những vị trí điều hành quốc gia quan trọng như chức vụ Chủ tịch Nước, chủ tịch quốc hội và Thủ tướng.  Ở vị trí các địa phương, đảng đã áp dụng cách bầu cử vi hiến và phi dân chủ gọi là "đảng cử dân bầu!" để đưa người do đảng sắp xếp để kiểm soát địa phương đó, như ngày trước, họ đã "cơ cấu" ông  Nguyễn Tấn Dũng một người gốc Miền Nam làm đại diện dân cử của Hải Phòng để được vào trung ương đảng; và ngày nay họ bổ nhiệm ông Đinh La Thăng, bộ trưởng giao thông một người miền Bắc, làm bí thư thành ủy Sài Gòn, thành phố lớn và giàu có nhất nước.
Trên các trang mạng xã hội trong nước đã rộ lên những chỉ trích  phản đối cách phân chia quyền lực mang tính địa phương, làng xã, giòng tộc kiểu nầy, khi đề cập việc tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa yếu tố quyết định đối với chức vụ tổng bí thư phải là sinh trưởng người Miền Bắc! Trong khi đó, vận mệnh 90 triệu người Việt Nam, và họa phương Bắc đang đe dọa lại không hề được những kẻ đang tham dự màn đấu đá tại đại  hội đảng 12 lưu tâm mảy may.
Hóa ra máu xương của tiên nhân người Việt 100, 90 năm trước; công cuộc đấu tranh vì Tự Do- Dân Chủ- Dân Quyền của bao thế hệ người Việt suốt một thế kỷ qua và hiện nay đã bị vất bỏ bởi một tổ chức độc quyền gọi là đảng cộng sản VN và một tập thể gồm những đại biểu chỉ biết lợi ích bản thân và phe nhóm. Nếu người Việt quốc nội, có Dân Quyền thực sự, chắc chắn họ sẽ không chọn bất kỳ ai trong số những kẻ đang làm nghèo và bán rẻ đất nước như hiện nay.
Còn chúng ta, những người Việt tị nạn, đang sinh sống tại Hoa kỳ, được hưởng quyền tự do dân chủ, hãy thể hiện quyền công dân đất nước bằng cách bỏ phiếu đông đảo trong năm bầu cử 2016 để chứng tỏ sức mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.  Tinh thần dân chủ này của tập thể người Việt tị nạn sẽ ảnh hưởng dần đến các cấp chính giới Hoa kỳ và kinh nghiệm dân chủ này sẽ lan tỏa đến đồng bào chúng ta nơi quê nhà.
 02/08/2016 - 19:35
Phan Nhật Nam - Mai Phi Long / SBTN

No comments:

Post a Comment