Monday, February 8, 2016

Kiều bào và mặt khác của kiều hối *

Hồi giữa năm qua, Hội Xã hội học Hoa Kỳ đã trao giải thưởng “Sách hay nhất năm 2015 về châu Á” cho tác giả người Việt là Thái Cẩm Hưng, Giáo sư Đại học Pomona (California) về một tác phẩm giàu chất liệu thực tế liên quan đến kiều hối, một đề tài nóng bỏng không chỉ với cộng đồng người Việt ở Mỹ mà cả với người trong nước.

Sách có tựa đề Insufficient Funds (tạm dịch Thiếu tiền) là công trình nghiên cứu rất công phu và có ý nghĩa sâu sắc, mà theo thông cáo báo chí của Đại học Pomona đây là “một tường thuật về tài chính của người di dân, một đóng góp lớn lao cho sự hiểu biết của chúng ta về sinh hoạt kiều hối”.

Thái Cẩm Hưng là một trong số không nhiều giáo sư ngành xã hội học gốc Việt ở Hoa Kỳ.Insufficient Funds là công trình thứ ba của ông sau hai luận án tiến sĩ đề tài “Việt kiều về nước kết hôn trong bối cảnh toàn cầu hóa” và “Gia đình trong thời toàn cầu hóa”.

Việt kiều về thăm quê hương. Ảnh: MINH KHUÊ
Để thực hiện các công trình nghiên cứu này, Giáo sư Thái Cẩm Hưng đã cùng nhóm 12 người cộng sự làm việc tích cực hơn 10 năm qua. Riêng ông đã về nước khoảng 80 lần, gặp gỡ phỏng vấn hàng trăm người để tìm chất liệu sống cho các công trình nghiên cứu. Insufficient Funds nói về những khoản tiền do một số người Việt có thu nhập thấp đang sống ở Mỹ gửi về cho thân nhân ở quê nhà, biểu lộ tình cảm thắm thiết đến mức làm cho mối quan hệ gia đình của người Việt bị “tài chính hóa”.

Đây là những khoản tiền chắt chiu được trả giá đắt, bất chấp những bấp bênh tài chính của những gia đình chỉ ở trên mức nghèo theo tiêu chuẩn Mỹ. Họ tằn tiện tiêu xài để gửi về nước những đồng đô la vượt ngoài khả năng kiếm được, khiến nhiều người phải mắc nợ, thậm chí nhiều gia đình rạn nứt vì chuyện “kiều hối”, một sự hy sinh mà thân nhân ở bên này nửa vòng trái đất không hề biết đến.

Đây chẳng phải là chuyện hãn hữu khi mà một gia đình trung lưu ở Mỹ mỗi năm dành dụm được 10.000 đô la là không hề đơn giản. Điều đó giải thích tại sao nhiều người nhớ nhà da diết mà vẫn không về nước khi chưa kiếm đủ tiền làm quà tặng, cả “hiện vật” lẫn “hiện kim”, cho người thân. Rất may là áp lực đó nay đã không còn nặng như hàng chục năm trước.
Nếu cứ mãi trông chờ vào những đồng tiền không do mình làm ra chính là dựa dẫm vào người khác, tức là đánh mất lòng tự trọng. Đây không chỉ là chuyện của gia đình dòng họ mà cũng là chuyện của đất nước.
Nhớ lại vào cuối thập niên 1970 thế kỷ trước, lần đầu tiên người trong nước nhận được những thùng quà biếu với nhiều loại hàng tiêu dùng, thuốc trị bệnh chuyển thành tiền, đã giúp hàng vạn gia đình trong nước vượt qua đời sống khó khăn.

Sau mấy năm tự phát, đến 1983 kiều hối được chính thức thừa nhận và trở thành nguồn tiền ngoại nhập đáng kể cho nền kinh tế nhờ vào thuần tuý là tình cảm của người xa xứ đối với thân nhân.

Những năm đầu của thập niên 1990, số kiều hối ít ỏi chỉ khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, mười năm sau tăng gấp đôi, vậy mà đến năm 2010 dù chịu ảnh hưởng cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cũng gần 7 tỉ đô la Mỹ. Lượng kiều hối tăng hàng năm với những hiệu ứng tích cực lẫn tiêu cực từ khi đồng tiền nghĩa tình chuyển hướng vào dòng chảy kinh doanh với không ít cạm bẫy và lọc lừa.

Năm 2015 vừa qua, kiều hối đã lên đến hơn 12 tỉ đô la Mỹ, trong đó khoảng 1,6 tỉ do 500.000 người đi lao động nước ngoài gửi về, trong phần còn lại thì một nửa xuất phát từ Mỹ - nơi số người Việt sinh sống nhiều nhất. Có điều gì đó trùng hợp khi lượng kiều hối đổ về tỷ lệ thuận với mức tăng các hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước, khiến một số chuyên gia có tâm huyết đặt vấn đề cần nhìn lại thực chất của kiều hối những năm gần đây.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia cao cấp của Liên hiệp quốc, bằng phương pháp thống kê và đối chiếu số liệu từ nhiều nguồn, trong năm nay đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy có một sự liên quan giữa kiều hối tăng mạnh và dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài lên đến 33 tỉ đô la Mỹ chỉ trong vòng sáu năm từ 2008-2013 là có thật.

Dẫn chứng bằng những số liệu cụ thể, ông cho rằng số tiền do người Việt ở nước ngoài với mức sống thấp gửi về theo con đường kiều hối thông thường như thống kê lâu nay là không thể tin được trong khi số lượng tiền lớn chuyển ra nước ngoài bất hợp pháp được “rửa sạch” qua con đường kiều hối là không nhỏ.

Có hai lý do chính giải thích tình trạng chảy máu ngoại tệ, một là giới nhà giàu trong nước chuyển ngân lậu ra nước ngoài để cho con ăn học, chữa bệnh hoặc tậu nhà đất ở Mỹ như một động thái chuyển dịch tài sản, hai là những khoản tiền để chi trả hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

Một doanh nhân Việt kiều thành đạt sống tại Mỹ, có lần trong câu chuyện trà dư tửu hậu bày tỏ thắc mắc với một quan chức trong ngành ngoại giao Mỹ rằng trong khi chính phủ nước này tiêu tốn hàng tỉ đô la hỗ trợ cho cộng đồng người Việt còn khó khăn, thì lượng tiền kiều hối cứ liên tục gửi về Việt Nam ngày càng nhiều. Câu trả lời của quan chức này là nước Mỹ chẳng phải chịu thiệt đâu, rồi đây với thời gian thì dòng tiền chảy ngược về Mỹ sẽ còn nhiều hơn. Phải chăng đây là một lời giải thích có tính thuyết phục trong tình hình hiện nay.

Thật ra thì các số liệu và dẫn chứng của Tiến sĩ Vũ Quang Việt chỉ cho chúng ta hiểu thêm cặn kẽ về những gì liên quan đến chuyện ngược xuôi của đồng tiền bẩn lẫn đồng tiền sạch, trong đó kiều hối, dù dưới hình thức nào đi nữa, chẳng những không có tội tình gì mà ngược lại đã góp phần đáng kể cho GDP, thêm đồng vốn cho đời sống kinh tế - xã hội, giúp dự trữ ngoại hối tăng cao. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để một chính phủ có được những khoản vay quốc tế dễ dàng hơn, lãi suất thấp hơn khi người ta nhìn vào khả năng trả nợ. Thế nhưng vấn đề là những khoản tiền ấy phải đến đúng người, đúng chỗ để nạp thêm năng lượng cho cơ thể kinh tế đang lúc phục hồi và làm ra của cải vật chất mà xã hội cần, nếu không như thế thì chẳng khác nào đưa thức ăn bổ dưỡng vào nuôi các tế bào ung thư trong cơ thể con người.

Cần nhìn thẳng vào thực tế là thế hệ thứ hai thứ ba của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng nhạt nhòa tình cảm với quê hương cũng như thân nhân trong nước, để đừng ảo tưởng kiều hối là nguồn lợi bất tận, mà tùy thuộc vào những diễn biến tích cực mọi mặt từ trong nước.

Làm sao cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài “xa mặt mà không cách lòng” để còn gắn bó với quê nhà? Chỉ có một cách là tạo được niềm tự hào dân tộc và lòng tin vào tương lai của đất nước ngày mai sáng sủa hơn ngày hôm nay. Làm được điều này thì dòng kiều hối sẽ không ngừng chảy. Bằng không thì các thế hệ con cháu chúng ta rồi đây nếu về thăm quê hương cũng trong tâm thế của một du khách đến miền đất lạ. Và khi ấy nếu cứ mãi trông chờ vào những đồng tiền không do mình làm ra chính là dựa dẫm vào người khác, tức là đánh mất lòng tự trọng.


Đây không chỉ là chuyện của gia đình dòng họ mà cũng là chuyện của đất nước.

02-06-2016
Theo TBKTSG

No comments:

Post a Comment