Rác đủ các thành phần từ túi thức ăn đến chai nước, khăn giấy đến các tấm bìa carton dùng để ngồi.-Ảnh :vnexpress

Dù biết chuyện này "rác tai" người đọc nhưng vẫn cứ phải nhắc vì nó thật sự bức xúc quá rồi. Lễ giao thừa có bao nhiêu du khách đến Việt Nam để trải nghiệm không khí Tết của người Á Đông, ấy vậy mà để họ nhìn cảnh bừa bãi, bẩn thỉu ngay khi bước vào năm mới thì khó coi quá. Họ sẽ nghĩ gì về đất nước và con người này?
PV báo điện tử Một Thế Giới ghi nhận ở Hà Nội, sau đêm giao thừa, quanh khu vực hồ Gươm đã biến thành bãi rác khiến nhiều công nhân vệ sinh phải nai lưng ra dọn trong thời tiết gió rét và so sánh chua chát: Pháo hoa trên trời, “pháo rác” dưới đường.
Không hẹn mà gặp, PV báo điện tử Một Thế Giới ở TP.HCM ghi nhận sau khi kết thúc màn pháo hoa chào mừng năm mới, trung tâm TP.HCM trở thành bãi rác lớn khi chai lọ, giấy, hộp đựng thức ăn… tràn lan trên các tuyến đường. Các công nhân dọn vệ sinh vì thế mà phải “còng lưng” ra dọn dẹp bãi chiến trường.
Hai thành phố bộ mặt của đất nước sao đáng buồn trong đêm giao thừa đến thế?
Mà đấy là ở TP.HCM còn có sáng kiến bất cứ người nào bỏ rác vào thùng trên đường hoa Nguyễn Huệ sẽ được Hội Liên hiệp Thanh niên quận 1 lì xì 10.000 đồng. Không ít ý kiến phản đối cách làm này vì cho rằng bỏ rác vào thùng là hành vi xuất phát từ ý thức chứ không nên trả công. Thật ra, đó không phải là trả công mà là cách khuyến khích hành vi sống văn minh. Dù sáng kiến này không thật thành công nhưng cũng đáng khen vì nó là nỗ lực để đánh thức ý thức của mọi người thay là vì ngồi không, bàng quan thực tại.
Nhưng khuyến khích ý thức bằng tiền thì khó thành công và tạo hiệu ứng lâu dài lắm, nhất là chỉ khi có 10.000 đồng, không đủ tiền gửi xe xem pháo hoa. Để khuyến khích người dân thì phải trông chờ vào ý thức của các quan trước. “Người trên” gương mẫu thì “người dưới” sẽ noi theo.
Ngày xưa, dân ta sống bằng nghề nông là chính, chỉ số giàu có của đất nước được đo bằng mùa màng bội thu, được đo bằng kho thóc, kho lúa. Để khuyến khích người dân chăm chỉ trồng trọt, tăng gia thì đầu năm, vua quan thường không ngại rét xuống ruộng, tùy theo cấp bậc mà ra công khác nhau. Nhà Nguyễn còn nâng tầm thành quy định: “Trong lễ tịch điền, vua là người đầu tiên xuống ruộng cày, 3 lần đẩy cày đi, 3 lần đẩy cày lại, sau đó đến các vị hoàng công thân phiên, chỉ những người chức cao bổng hậu mới được tham dự, cày 5 lần rồi đến bá quan văn võ mỗi người cày 9 lần, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn và lão nông chi điền... lần lượt cho đến khi kết thúc”.
Ngày nay thì để đánh giá chỉ số văn minh của một đất nước, người ta không còn dựa vào bao nhiêu tấn thóc nữa. Nhưng người nước ngoài có thể dựa vào lượng rác vứt xung quanh Hồ Gươm, đường hoa Nguyễn Huệ để đánh giá về văn minh của đất nước này.
Nếu các quan chức muốn nước mình văn minh hơn, bớt rác hơn thì sao không học người xưa mà phát động phong trào rồi tự mình nhặt rác đêm giao thừa, chẳng hạn như chia ra thứ bậc mà nhặt, quan chức to thì nhặt 2 kg rác, quan chức nhỏ thì nhặt 1 kg rác. Người dân thấy quan chức nhặt rác thì trông đó làm gương mà hăng hái nhặt rác, hay sợ hãi mà không dám xả rác bừa. Khi đó, ý thức mới thật sự được hình thành trong người dân.
Nhặt rác cũng là lao động, mà các quan chức lại luôn nói lao động là vinh quang. Vậy thì nhặt rác đâu có gì đáng ngại và còn ý nghĩa chẳng kém chuyện trồng cây đầu năm. Hơn nữa, có đi nhặt rác thì mới đi sâu vào quần chúng để hiểu tại sao dân lại xả rác, rồi có chính sách ban hành phù hợp hơn, như cần chi tiền bao nhiêu cho vệ sinh môi trường là tương xứng hay đơn giản hơn là cần đặt bao nhiêu thùng rác quanh Hồ Gươm, huy động bao nhiêu thanh niên xung phong lo chuyện nhặt rác ở đường hoa Nguyễn Huệ vào giao thừa là đủ. Còn nếu chỉ ngồi trên đắm say với các báo cáo thì các báo cáo ảo cũng chỉ là rác.
Anh Tú