Canhco — 02/08/2016 - 03:35
Tết năm nay có lẽ niểm vui chan hòa cho mọi người khắp nơi là được nghe chung, nghe chính thức, nghe mà không sợ bị bảo là nghe nhạc vàng, nhạc phản động, nghe mà ai ai cũng cùng tắc lưỡi: sao mà hay thế?
Hay, nhưng mãi 40 năm sau chúng ta mới được thưởng thức vị ngọt tinh thần thay cho pháo cho mứt tết ấy. Ca khúc Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương người miền Nam ai ai cũng biết trước năm 1975 bây giờ gần hai thế hệ sau cả nước mới được biết. Có điều lạ, tuy đã già như thế nhưng bài hát vẫn làm người ta lâng lâng, trái tim mở ra với trời đất vào xuân. Không ai cảm thấy sự gượng gạo, lên gân dù một chữ trong tác phẩm xứng danh “bất hủ” này.
Tiếng hát như chính mình, từng người một trong xã hội lắng nghe lời chúc của nhau. Lắng nghe tiếng nói nhân văn trong những ngày đầu năm mới. Từng mạch máu trong ta chuyển động và đó là lý do mà Ly rượu mừng vẫn tinh khôi như ngày đầu tiên khi nó ra đời vào năm 1952.
Ly rượu mừng cất tiếng trong những ngày đầu năm lấn át sự bực bội sau hai tuần lễ của đại hội 12. Ly rượu làm cho lâng lâng niềm hứng khởi về một cơ may thay đổi nào đó rất đỗi mơ hồ nhưng không ai có thể khước từ là đang hiện hữu. Con người được hai chữ “hy vọng” nuôi nấng và bảo vệ trước những điều bất công, độc đoán mang tới từ người nắm quyền do không được một cơ chế dân chủ nào kềm chế. Hy vọng đến từ các động thái có thể mị dân, hay thực tâm đổi mới nhưng chưa đủ lực đủ tài. Hy vọng theo phân tích của lý trí ấy tuy rõ rệt nhưng lại dễ dàng thay đổi và biến mất khi một sự thể khác xuất hiện.
Ly rượu mừng là một hy vọng tâm linh. Nó không hiện hữu cụ thể mà bàng bạc trong lòng. Nó lãng đãng trong không gian vô tận của vũ trụ nhỏ trong mỗi con người. Hy vọng từ những lời chúc đẹp và thực như tranh, như khuôn mặt của vị Thần Nhân đạo.
Đối ứng với chủ nghĩa cộng sản, chỉ chúc cho nhân dân làm theo gương Bác ngay trong giờ khắc linh thiêng của năm mới, hay mừng Xuân không thể thiếu Đảng đi kèm, Ly rượu mừng là tiếng nói của con người, của toàn vẹn yêu thương mà thượng đế chỉ trao tặng cho con người mà không một sinh vật nào khác có được. Rượu không mừng chiến thắng như cách mạng mừng sau khi đã lật đổ một chế độ, một đất nước. Ly rượu được chưng cất sau 40 năm ấy càng đậm thêm hương vị của yêu thương gắn bó, bất kể con người dưới chế độ mới là ai miễn vẫn nhận mình là người Việt Nam.
Tín hiệu yêu thương tràn ngập Sài Gòn, Hà Nội cũng như các vùng quê hẻo lánh làm cho mùa Xuân Việt Nam năm nay trở mình, gượng dậy sau 40 năm ngủ vùi trên những thừa thải ca tụng nhưng thiếu lắm một cái tình. Tình hàng xóm, nghĩa đồng bào mà Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương đang rót vào tình tự dân tộc.
Không lẽ chúng ta không mừng về viễn cảnh người Việt bắt đầu biết yêu thương nhau, vốn đã vắng bóng khá lâu trên quê hương chúng ta từ sau ngày giải phóng?
Tôi tin rằng chính những người từng đặt bút ký tên cấm phát hành nhạc phẩm này cũng phải tự xấu hổ khi hôm nay được nghe nó vang vang trong không khí ngày xuân của năm 2016. Có thể ngày xưa họ được nghe nó một lần nào đấy dưới hầm bí mật hay trong rừng sâu nên hai chữ “chiến sĩ” trong bài hát là điển hình của Mỹ ngụy và vì thế họ cấm. Giống như họ cấm hiến pháp không được có cái đảng thứ hai và cấm người dân không được biểu tình ngay cả khi biểu tình chỉ để ủng hộ đảng.
Cái gì họ cấm lúc này thì lúc khác sẽ có người cho phép. Ly rượu mừng cũng trong trường hợp đó, nhưng để đến 40 năm sau thì chua chát quá. Thởi gian quá lâu để người dân nghĩ rằng không phải đảng đã chuyển ý mà sức ép từ văn hóa xã hội mới là động lực làm cho bài hát được xuất hiện.
Vậy thì sức ép nào làm cho điều 4 bị lôi ra khỏi hiến pháp và lực đấy nào khiến người dân cầm biểu ngữ biểu tình chống đảng sẽ xảy ra?
Lần đầu tiên sau 40 năm người ta không dùng rượu để nhậu mà để mừng. Cũng không phải mừng đảng, mừng xuân mà mừng cho chính chúng ta, những con người được thượng đế tạo ra không phải chỉ biết cúi đầu mà còn biết cười to trước những sự ngu dốt, đảo điên và nhất là sự cưỡng bức trí óc không thể kéo dài mãi mãi. Nâng ly rượu của năm 2016, nâng ly chúc người nhạc sĩ đã cất từng giọt rượu cho chúng ta có mà uống trong ngày hôm nay. Nâng ly vì niềm vui sắp tới sẽ lớn hơn trên quê hương yêu dấu.
Sài Gòn, sáng Mùng Một Tết năm Bính Thân, 2016.
No comments:
Post a Comment