SÀI GÒN (NV) - Phải trả giá cao để chịu đụng đủ thứ bất tiện vẫn là vấn nạn giao thông trong dịp Tết. Sự khác biệt nếu có chỉ nằm ở chỗ mức độ trầm trọng càng ngày càng lớn.
Quốc lộ 1 đoạn chạy ngang tỉnh Tiền Giang trước khi Tết đến. (Hình: Tuổi Trẻ)
Bất kể yêu cầu kiểm soát, kiềm chế giá từ nhà cầm quyền trung ương tại Hà Nội, giá vé xe đò đi các nơi tại Việt Nam trong dịp Tết vẫn tăng từ hai đến bốn, thậm chí sáu lần. Dân chúng muốn về quê đón Tết bằng xe đò chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc móc túi trả tiền.
Tuy phải trả nhiều tiền hơn nhưng đi xe đò đồng nghĩa với chuyện phải chấp nhận bị nhồi nhét. Ngoài cảnh sát giao thông, công an Việt Nam còn điều động thêm nhiều lực lượng khác nhằm “ngăn chặn tình trạng vận chuyển quá tải, bảo đảm an toàn giao thông” nhưng hình ảnh mà báo chí Việt Nam chụp và đăng cho thấy, xe đò nào cũng chật cứng, không còn chỗ trống, kể cả trên lối đi.
Dù đây là chuyện phổ biến nhưng theo Ủy Ban An Toàn Giao Thông Việt Nam thì công an Việt Nam chỉ phát giác, lập biên bản, xử phạt được chừng một chục xe chở lượng người gấp... đôi số chỗ trên xe. Đó cũng là lý do nhiều người nghèo không chọn xe đò. Họ dùng xe hai bánh gắn máy về quê và đó là lý do kẹt xe khắp nơi. Từ 27 đến 29 Tháng Chạp âm lịch, quốc lộ 1A, hướng từ Sài Gòn về các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long kẹt cứng.
Dù là đường xuyên Việt song tất cả các loại phương tiện phải nhích từng chút. Tờ Tuổi Trẻ cho biết, trên con đường xuyên Việt này, các loại xe cộ đọng lại thành nhiều cục, mỗi cục dài khoảng vài cây số. Cục dài nhất có chiều dài chừng... mười cây số từ cầu Mỹ Thiện đến cầu Cổ Cò nằm ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong vài ngày qua, có ba quốc lộ là sự hãi hùng cho những người về quê đón Tết là quốc lộ 1 (chạy suốt từ Nam ra Bắc), quốc lộ 5 (chạy từ Hà Nội tới Hải Phòng) và quốc lộ 10 (chạy dọc khu vực duyên hải miền Bắc từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh).
Các loại xe di chuyển trong bối cảnh như vậy nên tất nhiên là tai nạn giao thông phải tăng. Công an Việt Nam cho biết, riêng trong ngày 28 Tháng Chạp âm lịch, tại Việt Nam có 22 người chết, 27 người bị thương vì tai nạn giao thông.
Sợ đường bộ, nhiều người chọn đường sắt để về quê. Đường sắt tuy do doanh nghiệp nhà nước điều hành nhưng giá vẫn tăng và vẫn phải chen chúc suốt từ sân ga cho đến khi đã lên tàu.
Năm nay, tổng công ty Đường Sắt Việt Nam bắt đầu bán vé xe lửa qua Internet. Chuyện phổ biến từ dịch vụ mới được xem như một nỗ lực đáng ghi nhận của ngành đường sắt là vé giả, vé thiếu chi tiết hoặc một số chi tiết không chính xác nên người mua qua đại lý không thể lên tàu. Báo chí Việt Nam giới thiệu nhiều trường hợp mà nạn nhân khóc ròng: Họ dành dụm cả năm để được quay về quê đoàn tụ với thân nhân trong dịp Tết song bất thành vì vướng vé giả, vé thiếu chi tiết, chi tiết sai mà phần lớn hoàn toàn không phải lỗi của họ.
Những người khá giả chọn máy bay để về nhà nhưng đường hàng không cũng có vấn đề. Do giao thông quanh các phi trường thường xuyên tắc nghẽn. Để không trễ chuyến bay vì bị kẹt xe, người dùng máy bay phải ra sớm từ vài tiếng cho đến một buổi. Đến được phi trường cũng chưa xong. Cục Hàng Không Việt Nam mới thừa nhận, trong vài ngày vừa qua, tình trạng cất cánh, hạ cánh trễ, hành khách phải chờ đợi là rất phổ biến. Nguyên nhân là các phi đạo bị nghẽn vì thời tiết xấu và cả vì tần suất cất/hạ cánh dày đặc.
Không chỉ đường bộ bất ổn, đường sắt, đường hàng không lắm thứ nhiêu khê mà đường thủy cũng tương tự. Tuần qua, bởi vùng biển Quảng Ngãi có gió giật đến cấp 7 trong khi tàu chở khách chỉ có thể chịu được gió giật tới cấp 5, hàng ngàn người đã vật vờ ở cảng Sa Kỳ, chờ thời tiết tốt hơn để quay về Lý Sơn đón Tết cùng gia đình.
Theo báo chí Việt Nam, cũng vì biển động, hàng trăm tấn hàng dự kiến được vận chuyển ra đảo Lý Sơn để cư dân trên hòn đảo này đón Tết đang ứ lại ở cảng Sa Kỳ. Những viên chức có trách nhiệm ở Quảng Ngãi thông báo với những người đang ở đất liền chờ cơ hội về nhà và dân chúng trên đảo Lý Sơn đang chờ cả thân nhân lẫn hàng hóa đến vào dịp Tết rằng, đến sát giao thừa, nếu biển vẫn còn động, ba con tàu khách không thể nhổ neo Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Biển Vùng 2 mới điều động tàu để vận chuyển giúp. Đảo Lý Sơn cách đất liền chỉ 15 hải lý.
Tết rồi sẽ qua. Vài ngày nữa, nhiều người Việt sẽ phải dấn thân vào một cuộc hành xác mới khi từ quê trở về nơi ở, nơi lam việc. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment