Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-01-18
Một người bán hàng rong đi qua một tấm áp phích tuyên truyền cho Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội ngày 15 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Bão táp truyền thông phi chính thống
Xin bắt đầu bài điểm blog hôm nay bằng lịch sử ngắn ngủi của một trang blog mới ra đời cách đây vài tuần mang tên là Ý kiến đảng viên về đại hội 12. Như cái tên của nó, những người đứng sau trang này nói rằng họ lập ra để gom góp các ý kiến trong nhân dân và đảng viên cho đại hội toàn quốc lần thứ 12 của đảng cộng sản. Ngoài ra còn có hàng loạt các bài viết được cho là thư từ của các vị đứng đầu đảng, đã về hưu hay còn tại chức, được đưa ra trong một bầu không khí truyền thông mờ mờ ảo ảo.
Sau khi hội nghị trung ương lần thứ 14 kết thúc, mà nhiều người tin rằng đã đưa ra được những người lãnh đạo mới của đảng, khi truy cập vào trang blog này thì được chỉ sang báo… Nhân dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Việt Nam.
Cuộc đời ngắn ngủi của trang blog để lại một lời đồn đãi rằng ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Tổng bí thư nói rằng vị đứng đầu đảng phải biết lý luận và là người miền Bắc.
Lời đồn đãi này lập tức được đem ra phê bình mạnh mẽ trong suốt những ngày trước đại hội đảng, mà rốt cuộc người ta cũng không biết có phải ông Trọng đã nói như vậy hay không!
Chuyện xuất hiện những trang blog ngắn ngủi này đã trở thành một thông lệ mỗi khi có một sự kiện lớn nào đó liên quan tới đảng cộng sản, đó là Quan Làm Báo, là Chân Dung Quyền Lực ra đời và kết thúc cách đây không lâu.
Hậu quả của một nền chính trị không công khai, minh bạch là càng gần đến ngày đại hội, càng lắm thông tin không biết đúng sai được các phe nhóm tung ra tới tấp để triệt hạ nhau, khiến người dân càng không biết đường nào mà lần.
- Blogger Song Chi
Ngoài những trang blog đó, các trang từ trước tới nay vẫn hay bị các cơ quan truyền thông chính thống của đảng chỉ trích là phản động, đã nhận được vô số những tài liệu được cho là bí mật rò rỉ ra từ bộ máy của đảng. Cuối cùng một không khí truyền thông mờ ảo hư hư thực thực bao trùm độc giả, có những người tin theo, những người khác không tin, những người còn lại thì nghi ngờ,… và bàn luận thì sôi nổi, mặt dù không có được bao nhiêu là minh chứng cụ thể.
Blogger Song Chi giải thích nguyên nhân của sự tranh luận sôi nổi mà có vẻ như tuyệt vọng đó:
Hậu quả của một nền chính trị không công khai, minh bạch là càng gần đến ngày đại hội, càng lắm thông tin không biết đúng sai được các phe nhóm tung ra tới tấp để triệt hạ nhau, khiến người dân càng không biết đường nào mà lần. Lướt qua những trang facebook, blog, lắng nghe những câu chuyện bàn luận của người dân những ngày này mới thấy người VN thực sự bất lực, tuyệt vọng. Bất lực vì không có quyền gì để tác động vào cái kết quả của đại hội đảng, vào đường hướng phát triển của đất nước sau đại hội…
Hai ông lớn
Câu chuyện sôi nổi nhất trên không gian mạng xã hội và blog là cuộc tranh giành giữa hai nhân vật nổi bật nhất trên chính trường Việt Nam hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng đương kim Tổng bí thư bên đảng, và ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên chính phủ, và cả hai ông đều là người của đảng!
Có ba tác giả viết nhiều về hai ông này, đó là nhà báo Huy Đức, blogger Người buôn gió, và blogger Kami.
Trong bài Bộ tứ, nhà báo Huy Đức cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã thất thế. Mặc dù có khen rằng ông Dũng đã từng nói lên nỗi lòng của người dân Việt trước sự lấn áp của Trung quốc, nhưng Huy Đức cho rằng ông Dũng có một trình độ không cao đúng tầm chức vụ Thủ tướng của ông. Huy Đức cũng khuyên mọi người là đừng vì mệt mỏi những gì giáo điều mà tung hô một kẻ độc tài. Ông cho rằng ông sợ điều đó là một điều đen tối vì sẽ mở đường cho sự chiếm đoạt thể chế mang tính cha truyền con nối.
Cũng cần nhắc lại rằng trên mạng xã hội và blog Việt Nam có rất nhiều ý kiến ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền lực cao nhất sau đại hội đảng lần này. Vì thế khi bài Bộ tứ của Huy Đức ra đời, tác giả đã chịu vô vàn chỉ trích từ những người không đồng tình, mà thậm chí có người còn cho rằng ông làm việc cho ông Nguyễn Phú Trọng.
Một quan điểm khác về tương lai chính trị của hai ông Trọng và Dũng là của blogger Kami. Blogger này cho rằng dù ông Dũng không được Bộ chính trị ưa thích, nhưng trong thời gian gần đây, Bộ chính trị đã từng bị áp đảo bởi Ban chấp hành trung ương đảng, và vì thế khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền lực cao nhất của đảng cũng không thể bị bỏ qua. Ngoài ra Kami còn cho rằng đa số các Ủy viên Trung ương Đảng CSVN hiện nay là những người có trình độ, có viễn kiến, đặc biệt là tư duy. Chính điều đó sẽ giúp cho họ có các quyết định chính xác khi lựa chọn người lãnh đạo của mình.
Tác giả thứ ba là blogger Người Buôn gió có liên tục nhiều bài nói về hai ông Dũng và Trọng, từ những bài viết theo văn phong phân tích chính trị cho đến kiểu dí dỏm khôi hài. Trong bài Cả hai cùng tiến, tác giả phân tích lời tuyên bố bế mạc hội nghị trung ương 14 để nói rằng phe của ông Trọng đã nhường bước, và vì thế còn có một khả năng nữa là ông Dũng, và ông Trọng đều cùng nhau chia quyền lực sau đại hội đảng lần này.
Cây cầy có ma
Đó là tựa bài của blogger Trần Minh Khôi, sau khi chứng kiến sự tranh luận ai sẽ lên nắm quyền tại Việt Nam lần này, và sau khi chứng kiến cơn bão chỉ trích của nhiều người nhắm vào nhà báo Huy Đức.
Trần Minh Khôi cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đang thao túng sự ngây thơ của dân chúng, và không có chuyện ông A tốt hơn ông B để mà hy vọng vào một cá nhân, vì sự tham lam bạo ngược hiện nay đã được thể chế hóa:
Không hiểu từ đâu, người ta tin rằng trong nội bộ Đảng Cộng sản tồn tại một phái “thân Tàu” và một phái “thân Mỹ” đối nghịch nhau.
Không có bằng chứng nào cho điều này cả. Có lẽ nó đã xuất hiện từ đâu đó bằng những suy đoán mông lung để phục vụ một luận điểm nào đó về những lục đục nội bộ của nhóm cầm quyền. Sự mường tượng này ngay lập tức được chấp nhận có lẽ là vì nó khớp với cái khuôn mẫu tư duy nhị nguyên dễ dãi – trắng/đen, xấu/tốt, đúng/sai, phải/trái, địch/ta, cách mạng/phản động,... – đã rất quen thuộc trong lối tư duy của chúng ta.
Có dấu hiệu cho thấy những người cầm quyền đang thao túng niềm tin ngây thơ của chúng ta. Họ có vẻ hiểu rất rõ thói quen tư duy nhị nguyên dễ dãi của chúng ta. Họ cũng bước vào cuộc chơi “nhị nguyên” này.
Sự thoái hóa của hệ thống chính trị hiện nay là sự thoái hóa có tính định chế. Sự tham lam, bạo ngược ở một quốc gia toàn trị là sự tham lam bạo ngược có tính định chế. Và cho đến khi có dấu hiệu thay đổi các định chế thoái hóa, tham lam, và bạo ngược đó thì không thể chứng minh được một “ông A” nào đó sẽ làm tốt hơn một “ông B” nào đó.
Chúng ta đã quá tuyệt vọng. Và như những con thuyền lạc trên biển nhìn những đám mây cuối chân trời mà ngỡ là đất liền, chúng ta trông chờ vào những ảo giác. Tất cả những lập luận xây trên cái nền tảng “ông A lên tốt hơn ông B” là những ảo giác như thế. Những lập luận này nguy hiểm: nó đánh lừa chúng ta.
Kết thúc bài viết tác giả cho rằng khi nhìn lại những bàn luận này sẽ thấy rõ là mọi người đã từng tin vào một điều không có thực như một cây cầy có ma.
Liệu pháp sốc Nguyễn Tấn Dũng
Có những blogger có cùng quan niệm rằng chẳng có ai tốt hơn ai trong chính trường Việt Nam hiện nay, nhưng lại chủ trương phải có một sự thay đổi, từ bỏ chế độ toàn trị tập thể. Những người này cho rằng cần phải có một liệu pháp sốc.
Trong bài Tử huyệt, blogger Cánh Cò viết về ông Nguyễn Tấn Dũng, trong trường hợp ông thắng thế trong cuộc tranh đoạt quyền lực kỳ này:
Dù hơi bất chính một chút vì trở mặt với đồng chí, nhưng nhân dân sẽ tha thứ và tiếp tục xem ông là một người hùng, hay gian hùng cũng được, miễn là vở kịch cũ và kéo dài này nên có một kết thúc có hậu.
Dù hơi bất chính một chút vì trở mặt với đồng chí, nhưng nhân dân sẽ tha thứ và tiếp tục xem ông là một người hùng, hay gian hùng cũng được, miễn là vở kịch cũ và kéo dài này nên có một kết thúc có hậu.
- Blogger Cánh Cò
Còn blogger Lãng thì viết rằng:
Nếu buộc phải chấp nhận thì một tay độc tài bất lương nhưng sáng mắt còn hơn một gã mù đại diện cho quá khứ tăm tối vốn đã phải bị chôn vùi từ lâu, nhưng vẫn đang ngắc ngoải như một thứ dị dạng của lịch sử.
Người phân tích cặn kẽ hơn quan niệm liệu pháp sốc này là tác giả Đinh Phong Vũ trong bài Vài ý kiến nhỏ về bài Bộ tứ của Huy Đức. Sau khi phân tích những mô hình chuyển đổi sang dân chủ bằng con đường độc tài ở Chi Lê, Indonesia, và Liên Xô, tác giả không đồng ý với quan niệm của Huy Đức rằng đừng chán ngán chuyện giáo điều mà tung hô một nhà độc tài. Ông viết:
Thiết nghĩ nhận định “Đừng vì quá mỏi mệt với giáo điều, trì trệ mà tung hô một nhà độc tài vì nghĩ ông ta dám phá bỏ những gì đang làm chúng ta mỏi mệt”, theo ý tôi cũng là một lời “xui dại”. Cả Pinochet lẫn Suharto không (hoặc chưa) phải người đạo đức, nhưng là người đã có công xoay chuyển tình thế, việc mà ít người dám làm và có khả năng làm. Rất có thể hai ông ấy là “độc tài” nhưng đã giải tỏa một xã hội giáo điều, trì trệ… một xã hội bị giáo điều dắt dẫn khiến bất cứ ai có lương tri đều thấy cần phá bỏ và thay thế, cho dù người phá bỏ ấy là một nhà độc tài đi chăng nữa…
Nhân dân là những khán giả thua cuộc
Dù có những quan điểm khác nhau, những blogger, nhà báo, mà chúng tôi trích dẫn, và thường xuyên xuất hiện trên trang điểm blog của chúng tôi, hầu như có cùng quan điểm rằng người dân Việt Nam đang là những khán giả thiệt thòi.
Viết Từ Sài Gòn viết là Chỉ có chúng ta, đám khán giả hiếu kỳ và không hề thiếu mộng mơ, khi vở diễn hạ màn chúng ta lại tiếp tục trong vai trò … khán giả.
Nhà báo Huy Đức thì nói là số phận của đất nước này trước mắt vẫn nằm trong tay những kẻ thắng cuộc trong cuộc chơi của họ.
Song Chi, và Kami cùng cho rằng thể chế chính trị hiện nay không thay đổi thì sự thay đổi về nhân sự của đảng cộng sản cũng không làm thay đổi gì cả.
Và điều quan trọng hiện nay mà Việt Nam cần là một sự dân chủ như Giáo sư Jonathan London viết trong bài của ông, quan sát các hội nghị của đảng cộng sản Việt Nam lần này, hay như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, khuyên mọi người tránh xa các tranh chấp của nội bộ đảng cộng sản vì còn rất rất nhiều việc thiết thực, khả thi khác để thúc đẩy sự chuyển đổi chế độ độc tài và ngày càng cảnh sát hóa, sang chế độ dân chủ thực sự một cách ôn hòa.
No comments:
Post a Comment