Theo VNTB-19.01.2016
Thiên Điểu (VNTB) Liên tục những ngày qua, sau khi kết thúc Đại hội 13 về công tác chuẩn bị nhân sự cao cấp cho bầu cử nhiệm kỳ khóa XII. Ban Tuyên giáo Trung ương và cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phát đi thông điệp “ngăn chặn; kiểm soát.. thông tin xấu trên mạng”. Đây có thể xem như chỉ dấu minh chứng cho việc sắp xếp nhân sự đã “thành công” hay chỉ là động thái mang tính hình thức vốn có ?
Nhìn trên bình diện xã hội, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Không có chính thể nào đảm bảo được là không có lực lượng đối lập - Đối lập về tư tưởng, quan điểm.. chứ chưa nói là đối nghịch hay thù địch. Sự đối lập ấy luôn giúp cho thể chế và xã hội tốt lên vì nó là qui luật tất yếu của sự phát triển. Nếu một chính thể dám tự cho mình là chính thể tốt đẹp nhất thì đồng nghĩa việc để hình thành những tư tưởng đối lập đã là dở, nhưng để xuất hiện thế lực thù địch có thể “lợi dụng; bôi xấu..” thì chính thể đó không thể là chính thể tốt đẹp được. Nói cách khác: Đó là một chính thể quá tệ.!
Ảnh minh họa. |
Dân gian có câu “cây ngay không sợ chết đứng”. Thời đại ngày nay là thời đại của thông tin, thế giới đã chuyển sang bình diện phẳng về mặt liên kết và đánh giá thông tin. Nó cho phép người ta tiếp cận và chọn lọc thông tin một cách đa chiều chứ không còn là thời đại để “không đúng nhưng nói mãi sẽ tin” như trước đây. Nếu chế độ tốt, lãnh đạo tốt thì người dân sẽ đánh giá trên cơ sở những giá trị thực tiễn qua sự phát triển của đất nước, mức độ lợi ích người dân được hưởng cụ thể chứ không hẳn chỉ thuần túy do tuyên truyền. Có nghĩa là: Nếu chính thể lãnh đạo đất nước phát triển thịnh vượng, người dân thấy được lợi ích của mình trong đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần thì không thể có thế lực nào “bôi xấu được”.
Quay lại nội dung “ngăn chặn thông tin xấu” trong thông điệp của các lãnh đạo nhà nước Việt Nam.
Xung quanh thông tin về Đại hội Đảng và bầu cử nhân sự khóa XII, nếu đánh giá các thông tin trên mạng hoàn toàn là bịa đặt, vu khống thì không đúng. Khẳng định này dựa trên hai tiêu chí:
- Không đúng sự thật tức là có sự thật khác có thể chứng minh được.
- Cơ sở thực tế của thông tin không đúng không có trong thực tế.
Cụ thể trong bài phỏng vấn đăng trên newzing.vn của ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo TW ngày 15/1/2016 là “Họ bịa đặt, dựng chuyện lãnh đạo tranh giành quyền lực; Các thế lực xấu nói rằng trong Đảng “có sự rạn nứt”, kể cả trong lãnh đạo cấp cao có sự “tranh giành quyền lực”, thậm chí “đấu đá”. Họ dựng lên những chuyện như đồng chí A, đồng chí B tham nhũng, lợi ích nhóm, có tội này, tội nọ. Có một số câu chuyện bịa đặt, xuyên tạc đến mức những người giàu trí tưởng tượng cũng khó có thể dựng lên được.”.. nhưng lại không đưa ra cơ sở chứng minh được khi không chỉ ra nội dung cụ thể về “thế lực” nào và tại sao có thông tin như vậy.
Trên vai trò là lãnh đạo của Ban Tuyên giáo, đương nhiên phát biểu của ông Nguyễn Thế Kỷ đúng về mặt trách nhiệm phải nói nhưng không có tính thuyết phục bởi những cơ sở có thể giải quyết được điều kiện đó bản thân ông không có quyền, không dám đưa ra.
Việc có hay không vấn đề tranh chấp quyền lực, căn bản người dân không cần nghe hay đọc thông tin từ “thế lực” nào cả. Chỉ cần theo dõi ngay chính thông tin từ TW Đảng đưa ra qua báo chí và đặt ra vài câu hỏi là có thể minh bạch ngay vấn đề này. Chẳng hạn như: Nếu khống có tranh giành quyền lực thì tại sao tiêu chí “trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo” mà Đảng đưa ra suốt bao nhiêu nhiệm kỳ đã qua tới nay lại vẫn phải dùng “nhân sự quá tuôi”. Lực lượng trẻ trong Đảng chưa đủ khả năng hay vì lý do khác ? Nếu như vấn đề lựa chọn nhân sự là “công khai, dân chủ” thì tại sao tất cả các thông tin đề cử, tái cử các vị trí cao nhất phải làm tới làm lui nhiều lần và tới nay vẫn chưa có thông tin chính thức và không hề được công khai trước dư luận ? Danh tính những lãnh đạo sẽ dẫn dắt đất nước, quyết định vận mệnh quốc gia và tương lai của dân tộc gắn liền với mỗi người dân, tại sao lại là “tuyệt mật”, chỉ cho dân biết sau khi đã bầu xong ?
Trong cấu trúc chính trị của nhà nước Việt Nam hiện nay, Nếu Đảng CSVN không nắm giữ vai trò lãnh đạo tối cao thì việc lựa chọn nhân sự có thể chỉ cần giới hạn trong phạm vi “ thông tin nội bộ”. Người dân không tham gia về mặt chính trị với Đảng CSVN thì không cần biết. Nhưng khi đã áp đặt quyền lãnh đạo toàn diện thì vấn đề ai lãnh đạo đất nước thì nó liên quan quyền và nghĩa vụ của toàn dân, không có lý do gì để giấu. Bản thân chính TBT Nguyễn Phú Trọng và nhiều quan chức cao cấp trong Đảng cũng từng nói nó không thuộc loại thông tin trong “vùng cấm” nhưng sao không công khai? .
Một cách chứng minh rất đơn giản: Công khai danh tính, cho truyền hình trực tiếp diễn biến và kết qua lấy ý kiến qua các kỳ Đại hội thì không có lý do xuất hiện bất cứ sự nghi ngờ hay “bịa đặt” nào. Đồng nghĩa không thể có “thế lực thù địch” nào có thể “lợi dụng, bôi xấu” được.
Về nội dung “bôi xấu lãnh đạo” liên quan tố cáo tham nhũng, có tài sản khủng..v.v. càng dễ chứng minh hơn nhưng rốt cục lại cũng thuộc loại “không thể” chỉ vì không dám chứ không phải là lý do “nặc danh; không có cơ sở..” được. Bản thân cơ chế hành pháp hiện nay chứng minh quá rõ: Người tố cáo công khai, dù có đúng thì bản thân thường trở thành người bị hại, bị trù dập.. trước chứ không phải là người bị tố cáo. Hàng trăm, hàng ngàn vụ án liên quan tới khiếu nại tố cáo quan chức mà người vào tù chính là người đứng ra tố cáo chứ không phải quan chức bị tố cáo là sự thật. Đó chính là lý do tại sao có “nặc danh”. Một tố cáo nặc danh nếu chỉ liên quan tới cá nhân người tố cáo thì có thể không cần xem xét, nhưng tố cáo nặc danh mà có ảnh hưởng liên quan cả xã hội hay thể chế nhà nước, lôi kéo sự chú ý của dư luận đến mức nhà nước phải ngăn chặn thì không thể xem nhẹ vì nó được sự quan tâm và liên quan ít nhận một bộ phận số đông đông nếu không nói là cả xã hội.
Cũng chính đương kim TBT Đảng CSVN; Chủ tịch nước; rất nhiều quan chức cao cấp khác thừa nhận “tham nhũng ở mức cực kỳ nghiêm trọng”. Thực tế đâu đâu cũng có thể thấy tài sản lớn do các quan chức hoặc người thân quan chức sở hữu. Quan chức càng to thì tài sản càng lớn, nhưng kết quả thanh - kiểm tra thì không thấy đâu, cả nước chỉ phát hiện một vài vụ cỏn con (!) Làm sao thuyết phục người dân không tin vào “thông tin nặc danh; bôi xấu..” rằng quan chức này, quan chức kia không tham nhũng? Nếu công khai tài sản quan chức một cách minh bạch thì có thể có thông tin “bôi nhọ” không? Chắc chắn không !
Lý do mà ông Kỷ nói “một số cơ quan báo chí trong nước đã có những bài viết đấu tranh phê phán, phản bác những thông tin xấu độc, sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, định hướng dư luận, làm rõ trắng đen. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí khác dường như ngại tham gia, tham gia chiếu lệ. Tại sao anh lại ngại lên tiếng, ngại viết bài để phản bác các thông tin sai trái, phản động như thế. Tại sao chuyện một vụ án, một vài mặt yếu kém thì anh đưa thông tin đậm, kéo dài mấy kỳ”.. Không có gì khó hiểu khi nhìn thẳng vào vấn đề là: Chínhngười cầm bút không thể và không đủ khả năng, đủ thẩm quyền để đưa ra được những loại thông tin có đủ thuyết phục khả dĩ có thể phản bác lại. Nói cách khác, Ban Tuyên giáo TW và cả hệ thống báo chí cũng không làm được, vì vậy dùng quyền lực để ngăn chặn ?
Hiện nay, tình hình đất nước đang trong những thời khác nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử. Lịch sử Việt Nam từng mất nước, từng đối mặt với giặc phương bắc mạnh hơn nhiều lần nhưng vẫn anh dũng vươn lên giành lại độc lập, quyền tự chủ cho đất nước. Nhưng những hành động của Trung quốc ngày nay và thái độ của chính quyền đang đặt ra rất nhiều nghi ngờ lẫn hệ lụy rủi ro đến tồn vong của Tổ quốc hơn bao giờ hết.
Không có một bộ máy lãnh đạo đủ tài, đủ tâm đễ dẫn dắt thì mối họa không chỉ là đe dọa chế độ mà nguy cơ mất nước ai ai cũng thấy. Nợ nần và yếu hèn sẽ dẫn đến họa diệt vong. Đó mới là mấu chốt gìn giữ lòng dân trước tiên chứ không phải chuyện tranh cãi có hay không sự bịa đặt, bôi xấu.
Đảng CSVN và Chính phủ Việt Nam có chứng minh được hay không phụ thuộc vào các hành động cụ thể chứ không thể dựa mãi vào tuyên truyền.
No comments:
Post a Comment