Tuesday, January 12, 2016

Đại hội 12: Có nên kỳ vọng cho dân chủ nhân quyền?

Theo VNTB-13-01-2016
Khúc Thừa Sơn (VNTB) “Đường lối đưa lại lối thoát cho Việt Nam tiến đến dân chủ của Đại hội thì không. Nhưng Đại hội này có thể cái kết đang đến dần của toan tính độc tài ngày một lộ rõ và là thời cơ để phong trào đấu tranh dân chủ ngày một manh lên. Đó là hy vọng, cũng là sự tất yếu phải đến của dân tộc”- nhận định của nhà báo PhạmThành trước câu hỏi là liệu Đại hội Đảng XII có hy vọng mở ra tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam hay không?  

Căng thẳng trên Biển Đông, những thông tin đấu đá cung đình được phơi bày trên các trạng mạng xã hội, thực trạng không mấy sáng sủa về kinh tế, xã hội… ở Việt Nam tromg năm 2015 cùng với những đòi hỏi cấp thiết của người dân về vấn đề nhân quyền và dân quyền đã đẩy Đại hội Đảng XII như đang đứng trước một thử thách của thời cuộc.

Đại hội Đảng XII trước thử thách thời cuộc

Theo hãng Tân Hoa Xã đưa tin vào ngày 6/1/2016, hai chiếc máy bay của hãng hàng không Trung Quốc lần lượt hạ xuống đường băng mà Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Ngày 8/1/2016, tại Hội nghị tổng kết công tác biên phòng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, đại tá Lê Văn Phúc, chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết tàu trinh sát Trung Quốc thường xuyên giả dạng tàu đánh cá tiến vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam để trinh sát nắm tình hình. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ hôm ngày 7/1/2016, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan ra khuyến cáo, “Hoa Kỳ phải duy trì một lực lượng hải quân mạnh hơn ở Biển Đông”. Cùng thời điểm này, Việt Nam đang chuẩn bị cao độ cho một kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII (ĐH XII) dẫn đến câu hỏi, liệu căng thẳng ở Biển Đông có ảnh hưởng đến ĐHĐ XII hay không?
Ảnh minh họa. BBC
Theo anh Phạm Văn Chính, một cư dân sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh có quan tâm đến vấn đề chính trị chia sẻ:

“Có liên quan, Trung Quốc bước vào giai đoạn cải cách chính trị bắt buộc, họ học theo mô hình nhà nước pháp quyền dân chủ nhưng lấy một cách gọi khác. Dưới thời kỳ Tập Cận Bình, ông ta được nhận trách nhiệm lớn. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều muốn thay đổi mô hình chính trị đã lỗi thời nhiều hạn chế. Trung Quốc lớn hơn Việt Nam nên thận trọng hơn trong sự cản phá lớn. Trung Quốc rất muốn Việt Nam cải tổ trước nhưng vẫn ôm tham vọng chiếm Biển Đông”.

Anh Chính thừa nhận việc căng thẳng giữa Việt - Trung trên Biển Đông đang đẩy mối quan hệ giữa Việt – Mỹ xích lại gần nhau hơn. Điều này Trung Quốc không mong muốn nhưng không thể làm khác hơn, Trung Quốc cũng không thể lấy chuyện căng thẳng Biển Đông để tác động sâu vào đại hội Đảng lần này. Nhận định của anh Chính có phần trùng hợp với nhận định của nhà báo Phạm Thành sống ở Hà Nội, khi cho rằng, Mỹ - Trung luôn tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông nhưng đối với ĐHĐ XII hẳn cũng có ảnh hưởng ít nhiều chứ nói một cách chung nhất thì không. 

“Không! Trung Quốc chỉ lợi dụng cơ hội đang tiến hành Đại hội Đảng XII để bành trướng lãnh thổ mà thôi,” ông Thành cho biết.

Đại hội lần này vẫn chưa đến thời điểm khai mạc nhưng sức nóng của nó đã lan tỏa khắp Việt Nam, những động thái tuyên truyền của giới truyền thông và những hoạt động chuẩn bị của bộ máy chính quyền đang diễn ra đã cho người dân Việt Nam và quốc tế thấy ít nhiều nét “đổi mới” so với các kỳ đại hội trước. Một hình ảnh dễ thấy là mấy ngày qua, chính quyền ở Hà Nội đã huy động một lực lượng lớn lực lượng vũ trang tiến hành diễn tập chống khủng bố, chống bạo động,... 

Kỳ vọng vận mệnh dân chủ

Năm 2015, ngoài thỏa thuận TPP ra, thì có thể nói đây là một năm đầy khó khăn và thử thách đối với Việt Nam, kinh tế không mấy sáng sủa, nợ công ở mức báo động trong khi ngân sách Nhà nước thì cạn kiệt. Những đòi hỏi về nhân quyền và dân quyền của người dân Việt Nam ngày một cao cộng với sự thay đổi “kỳ diệu” của đất nước Myanmar, Venezuela sẽ đẩy nhu cầu dân chủ hóa đất nước đến mức độ cấp thiết nhất. 

Liệu rằng, đại hội lần này sẽ có những quyết định nhân sự lẫn đường lối có lợi cho Việt Nam, mở đầu cho tiến trình dân chủ đất nước và giảm lệ thuộc Trung Quốc rõ ràng hơn hay không? Nhà báo Phạm Thành cho hay, ông không hy vọng vào những kỳ vọng ấy sẽ hiện thực ở kỳ đại hội này, nhưng cho biết, nó sẽ là nền tảng hy vọng về sau bởi dân chủ là một tất yếu của dân tộc. Ông Phạm Thành chia sẻ:

“Đường lối đưa lại lối thoát cho Việt Nam tiến đến dân chủ của Đại hội thì không. Nhưng Đại hội này có thể cái kết đang đến dần của toan tính độc tài ngày một lộ rõ và là thời cơ để phong trào đấu tranh dân chủ ngày một manh lên. Đó là hy vọng, cũng là sự tất yếu phải đến của dân tộc.”

Còn với anh Chính đặt kỳ vọng vào việc giải quyết các nền móng cơ bản về quyền con người “trong khuôn khổ Đảng cầm quyền”. Bắt đầu bằng việc tăng khả năng quản trị và cho phép người dân thực hiện quyền dân chủ. 

“Một cuộc chuyển biến lớn từ cả hai phía khi nhận thức, dân trí, tiền lương trách nhiệm và luật minh bạch hơn khi đó mới nói đến tam quyền phân lập,” anh Chính bày tỏ.

Đại hội Đảng Cộng sản còn ít ngày nữa sẽ khai mạc, và mỗi kỳ đại hội đến vẫn là những hy vọng của người dân vào sự tốt đẹp mà dàn lãnh đạo mới đem lại.

No comments:

Post a Comment