Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Nếu hiểu hội theo diễn giải "Lập hội là việc các cá nhân liên kết, tập hợp lại với nhau (to associate, gether) thành nhóm để hướng đến những lợi ích, mục đích hay sự quan tâm chung... Các hội có hình thức đa dạng, đó có thể là các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, công đoàn, tổ chức tôn giáo, chính đảng và công ty. Do sự đa dạng của các nhóm, pháp luật các quốc gia thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật riêng như: luật về doanh nghiệp - công ty, luật về công đoàn - nghiệp đoàn, luật về các đảng phái chính trị, luật về các tổ chức tôn giáo" của LHQ thì ở Việt Nam có rất nhiều hội.
Hầu như bất kỳ một người nào trong cuộc đời mình cũng đều tham gia ít nhất vài ba hội. Lúc nhỏ đi học là đội viên nhi đồng, thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Lớn lên một chút vào đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Có chí hướng làm lãnh đạo thì phấn đấu để trở thành đảng viên. Là công nhân, viên chức, cán bộ thì tham gia tổ chức công đoàn ở nơi làm việc. Nông dân, phụ nữ thì chả cần được kết nạp cũng nghiễm nhiên là thành viên của hội nông dân tập thể, hội phụ nữ. Từ lúc tuổi cao, về hưu, mất sức tới khi chết là quãng thời gian sinh hoạt ở hội người cao tuổi. Đó chỉ mới là vài trong số nhiều hội của nhà nước. Nếu tính cả những hội mà thấy "có cùng một cái gì đó" là người ta lập thì còn nhiều nữa.
Theo thống kê của bộ nội vụ hiện có 481 hội hoạt động trên phạm vi cả nước và có khoảng 52 nghìn hội hoạt động phạm vi địa phương. Chắc chắn con số thống kê này chưa kể tới các hội như: Cùng tuổi lập hội đồng niên, cùng nhập ngũ lập hội đồng ngũ, cùng lớp lập hội đồng môn, cùng thích chơi thể thao lập câu lạc bộ, sinh sống ở xa thì lập hội đồng hương cùng quê,... khá phổ biến ở các nơi hiện nay.
Gần đây, do những chính sách bất công về đất đai cùng hệ thống pháp luật chỉ nhằm bảo vệ đảng, chính quyền nên đội ngũ dân oan trong nước ngày một đông, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ đang dần lớn mạnh, xã hội dân sự bước đầu hình thành và phát triển đã kéo theo sự ra đời của hội dân oan và hàng loạt các hội đoàn xã hội dân sự. Theo cam kết khi gia nhập TPP, sắp tới ở Việt Nam sẽ có cả công đoàn độc lập. Có thể tạm chia hệ thống hội ở Việt Nam thành hai loại: Hội của nhà nước và hội của dân.
Hội của nhà nước tất nhiên là do nhà nước cũng chính là đảng lập ra cho dân. Có những đặc điểm để nhận biết sau:
- Lãnh đạo hội là đảng viên.
- Hoạt động dưới sự chỉ đạo của đảng bộ hoặc chính quyền cấp trên.
- Dân có thể tự nguyện, buộc phải, hoặc nghiễm nhiên trở thành hội viên.
- Kinh phí cấp cho hoạt động của hội hoặc hoạt động của lãnh đạo hội lấy từ ngân sách nhà nước tức là tiền thuế của dân.
- Thường có tổ chức quy mô từ trung ương tới địa phương nên số thành viên đông trên danh nghĩa.
- Dĩ nhiên là có tư cách pháp nhân.
Hệ thống hội nhà nước hầu như phủ kín mọi tầng lớp công dân, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tựa như hệ thống chân rết bám sâu vào từng ngõ ngách để theo dõi, định hướng, điều chỉnh, kiểm soát các hoạt động xã hội của công dân. Thực chất là công cụ để tuyên truyền cho đảng, lừa dối, ru ngủ quần chúng, triệt tiêu đối lập nhằm duy trì chế độ độc tài.
Để mị thành viên, khi lập đảng thường soạn thảo những chức năng, mục đích của chúng rất kêu như "bảo vệ quyền lợi của đối tượng này, nọ". Chẳng hạn: Chức năng thứ nhất của công đoàn Việt Nam ghi rõ "đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ". Còn hội nông dân tập thể lập ra để "chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân". Dĩ nhiên hội mà thành viên thuộc diện "chân yếu tay mềm" lại càng phải "chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ". Nhưng không quên giao nhiệm vụ tuyên truyền "tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn..." (Trích nhiệm vụ của công đoàn), hoặc "tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu biết đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của Hội, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân..." (Trích nhiệm vụ của hội nông dân tập thể), hoặc "tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước..." (Trích nhiệm vụ của hội liên hiệp phụ nữ). Và giao hẹn: hội chỉ bảo vệ chăm lo các "quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng" của các hội viên. Nghĩa là cái nào là "bất hợp pháp", là "không chính đáng" theo ý đảng thì không được chăm lo, bảo vệ. Chức năng, nhiệm vụ của các hội nhà nước còn lại hầu như cũng được dập khuôn theo công thức "Hội của đối tượng nào thì bảo vệ chăm lo cho đối tượng ấy nhưng phải kèm nhiệm vụ hoặc là tuyên truyền, chấp hành các đường lối chính sách của đảng hoặc là bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân mà đảng là trung tâm hoặc để đấu tranh với "các thế lực thù địch" bảo vệ đảng, nhà nước"...
Với chức năng, nhiệm vụ như vậy rất khó để các hội nhà nước chăm lo, bảo vệ được cho các thành viên của mình nhất là khi các chủ trương, chính sách của đảng xâm hại tới quyền, lợi ích của các thành viên ngày một nhiều. Ở vào tình huống đó các hội nhà nước chỉ còn cách bỏ rơi thành viên để làm tròn chức năng của một công cụ. Bởi vậy đã có nhiều nghịch cảnh xảy ra thường xuyên vào những năm gần đây. Công đoàn luôn đứng về phía giới chủ (kẻ đã cấu kết chia chác lợi ích với đảng, nhà nước) để thuyết phục công nhân dừng bãi công, đình công và khi thuyết phục không được thì bỏ mặc cho công an đàn áp bắt bớ công nhân. Hội nông dân tập thể hầu như không hề quan tâm tới một thực tế xảy ra ngày càng nhiều là nông dân bị thu hồi đất nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt thực chất là bị cướp đất. Hội phụ nữ thì bỏ mặc những phụ nữ bị đánh đập, bị giam giữ tra tấn vì đòi quyền con người, tự do, dân chủ. Nhiều hội khác của nhà nước cũng đồng loạt không thèm đếm xỉa tới các thành viên của mình tham gia biểu tình phản đối Tàu cộng bị nhà nước bắt bớ đàn áp rất dã man. Thậm chí những hội có sở trường về nói, viết như hội nhà báo, nhà văn cũng thường xuyên ngậm miệng khi các nhà báo, nhà văn bị đánh đập, bị bỏ tù vì chống tham nhũng và nói ra sự thật.
Hệ thống hội nhà nước đã làm nhiều người tưởng có dân chủ vì thấy được nói ở hội mà mình tham gia. Nhưng họ đã lầm. Đảng cộng sản đã thông qua lãnh đạo hội định hướng, thanh lọc để mọi lời không nói, dễ nghe, khó nghe của họ ở đó đều trở thành những "tràng vỗ tay". Để to, ròn rã hơn các hội lớn của nhà nước lại được cho nằm trong một hội lớn hơn nữa là mặt trận tổ quốc. Có thêm vai trò được bóng gió bằng bốn chữ trong câu mô tả hành động dây chuyền "Đảng chỉ tay, quốc hội giơ tay, mặt trận vỗ tay, nhân dân trắng tay". Nói thẳng ra là "mặt trận tổ quốc lập ra để mạo danh nhân dân tán thành các chủ trương chính sách của đảng".
Tuy nhiên, hiện thời tràng "vỗ tay" to đã không còn át nổi tiếng kêu đòi lại những gì đã mất của những người dũng cảm trong số nhân dân "trắng tay"(mất sạch) mà không ít là thành viên của loại hội còn lại. Đó là hội của dân. Có các đặc điểm sau:
- Ban lãnh đạo thường không phải là đảng viên và quan trọng là không chịu sự chỉ đạo của bất cứ cấp bộ đảng hoặc cấp chính quyền nào.
- Nguồn kinh phí để hoạt động không lấy từ ngân sách nhà nước.
- Các thành viên gia nhập là hoàn toàn tự nguyện. Có thể chia hội của dân thành hai loại:
Loại 1 gồm những hội lập ra nhằm tới các mục đích đại loại như: rèn luyện sức khỏe, giải trí, văn hóa... đơn thuần, không quan tâm tới các vấn đề chính trị như thực trạng đất nước, nhân quyền, tự do,... Không đối lập với chính quyền. Loại này dễ dàng được cấp phép hoạt động vì nhà nước cũng rất muốn có nhiều hội kiểu này để tô điểm cho bức tranh xã hội dân sự vốn dĩ mờ nhạt trong mắt cộng đồng quốc tế, đồng thời lôi cuốn người dân vào các hoạt động giải trí vô bổ quên đi những chủ đề mà nhà nước không muốn người dân quan tâm.
Loại 2 tiêu biểu là các hội dân oan ba miền, hội anh em dân chủ, hội phụ nữ nhân quyền, hội cựu tù nhân lương tâm, hội bầu bí tương thân, câu lạc bộ bóng đá NO-U FC, hội văn đoàn độc lập, hội bảo vệ cây xanh Hà Nội,... sắp tới có thể là công đoàn độc lập. Đây là những hội đã bị đảng - nhà nước quy kết, nặng thì "các lực lượng thù địch chống phá nhà nước", nhẹ hơn "bị lợi dụng" hoặc "bất hợp pháp" vì trong mục đích hoạt động đã đề cập tới thực trạng đất nước, chống tham nhũng, quyền con người, tự do, dân chủ, công lý, đối lập phản biện với đảng và nhà nước của đảng... những lĩnh vực mà nhà nước độc tài không muốn người dân quan tâm. Bởi vậy các hội này thường xuyên bị vu cáo, sách nhiễu, đàn áp và tất nhiên không được cấp phép hoạt động. Có thể còn là ít, là sớm khi nói về các thành quả, thành công của những hội này nhưng chắc chắn chúng là nền móng xây dựng xã hội dân sự, góp phần dân chủ hóa đất nước tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ độc tài.
Vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, sau khi Liên Xô và các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ, tác giả Vladimir Bukovsky đã cho ra đời cuốn sách nghiên cứu chính trị "Chủ nghĩa toàn trị giữa ngã ba đường" trong đó có đoạn nói về chế độ độc tài toàn trị:
"Chế độ toàn trị có thể xem là chế độ độc tài mà đã tiến thêm một bước dài trên con đường độc tài. Thay vì đóng cửa, xoá bỏ những tổ chức xã hội dân sự (như một số chế độ độc tài quân sự đã làm), chế độ toàn trị thay thế chúng bằng các tổ chức xã hội dân chủ giả hiệu có vẻ giống như trong các chế độ tự do dân chủ, nhằm ngăn cản bất cứ một hành động nào ngoài vòng kiểm soát của họ xảy ra trong xã hội. Chính vì thế chế độ toàn trị còn tồi tệ và độc tài hơn rất nhiều so với những chế độ độc tài thông thường, chế độ toàn trị luôn kiểm soát mọi mặt của cuộc sống trong xã hội. Nó không những buộc con người trong chế độ phải sống như những nô lệ (của nhà nước toàn trị) mà còn buộc họ phải sống thường xuyên trong sự giả dối. Trên hết nó làm xã hội băng hoại đến mức độ việc quay lại với tự do và dân chủ gần như là không thể".
Từ kết quả nghiên cứu trên có thể gọi các hội của nhà nước là những tổ chức xã hội dân sự giả hiệu, đồng thời thấy rõ: chế độ cộng sản Việt Nam đích thực là chế độ độc tài toàn trị tồn tại lâu năm nên không thể cải biến mà phải thay thế...
02.12.2015
No comments:
Post a Comment