Tuesday, December 1, 2015

Vụ án Ân Đàn Đại Đạo: những người tù kêu oan

 Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ   
phan-van-thu-b7cdd
Ông Phan Văn Thu trước tòa.  File photo
Vụ án Ân Đàn Đại Đạo, Khu Sinh Thái Đá Bia tại Phú Yên năm 2012 kết thúc với phiên xử sơ thẩm một năm sau đó. Những người chứng kiến cho biết tất cả những người trong cuộc đều phải nhận tội tại tòa.
Tuy nhiên sau một thời gian thụ án những người trong tù viết đơn kêu oan và nhờ người nhà bên ngoài lên tiếng.
Thư kêu cứu
Bà Võ thị Thanh Thúy, vợ của ông Phan Văn Thu, tự Trần Công - người khai sáng giáo phái Ân Đàn Đại Đạo có thư kêu cứu mới nhất vào ngày 21 tháng 11 vừa qua.
Những nơi mà thư kêu cứu được nói gửi đến gồm Hội Đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Ủy hội Tự Do Tôn giáo Quốc tế, Các tổ chức Nhân quyền Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam cùng các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.
Người đứng đơn Võ thị Thanh Thúy cho biết lý do phải tiếp tục có thư kêu cứu:
“Tôi gửi thư ra ngoài Hà Nội mà chờ lâu quá không thấy nên làm thêm một bộ hồ sơ nữa. Ngoài ra tôi cũng nghe họ chuyển khu vực miền Trung về Đà Nẵng nên mọi người cũng làm đơn, ký mang ra Đà Nẵng gửi cho Tòa án Tối cao và Viện Kiểm Sát Tối cao. Nhưng thất vọng lắm, tôi rất ức, đau khổ vì giống như họ bao che với nhau vậy. Họ xem xét một vụ án mà rất sơ sài đơn giản; họ chỉ dựa trên bản án cũ của tỉnh Phú Yên rồi cho là không oan. Chỉ nói vậy thôi. Sau khi đi thăm ông Trần Công trở về, tôi nhận được công văn đó nên rất ức. Tôi nói mọi người đồng ký tên gửi lên Liên Hiệp Quốc. Bây giờ chỉ nhờ Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng can thiệp giúp chứ tôi không biết gửi đi đường nào nữa.”
Qui định của pháp luật Việt Nam
Xin được nhắc lại, phiên sơ thẩm diễn ra tại Phú Yên vào tháng 2 năm 2013 tuyên án ông Phan Văn Thu/Trần Công mức án chung thân và hơn 20 người khác đều chịu mức án nặng.
Vào tháng 10 vừa qua, bà Võ Thị Thanh Thúy gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm cho trường hợp của ông Phan Văn Thu/Trần Công và những người đồng đạo trong cùng vụ án.
Chỉ 18 ngày sau khi gửi đơn bà nhận được công văn trả lời cho rằng không hề có oan sai trong việc xét xử.
Bây giờ chỉ nhờ Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng can thiệp giúp chứ tôi không biết gửi đi đường nào nữa.
- Bà Võ thị Thanh Thúy
Luật sư Võ An Đôn cũng là một người Phú Yên cho biết qui định của  luật pháp Việt Nam về vấn đề xét xử lại sau khi có bản án như sau:
“Theo qui định của pháp luật Việt Nam, sau khi có bản án rồi mà bị cáo kêu oan thì tòa sẽ xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Có nghĩa khi có tình tiết mới người ta sẽ chấp nhận. Khi có tình tiết mới làm thay đổi vụ án thì tòa sẽ xem xét lại và nếu có cơ sở thì hủy án để điều tra lại, xét xử lại từ đầu.
Khi mà tòa án tối cao đã trả lời xem xét vụ án rồi mà không có tình tiết mới thì phải chấp hành thôi, không còn cách nào nữa!”
Yêu cầu
Những người trong cuộc kêu oan và yêu cầu cơ quan chức năng Việt Nam xem xét lại vụ án của họ. Những điều đó được bà Võ thị Thanh Thúy trình bày:
“Nếu họ nói chúng tôi có tội thì phải đưa hết bằng chứng, nhân chứng, vật chứng ra. Những gì thu được họ phải đưa ra chứ đừng giấu; những cái nên đưa thì không đưa ra. Còn họ nói có hằng trăm tập tài liệu thì hằng trăm tập tài liệu đó là gì. (Chúng tôi) yêu cầu hãy đưa ra ánh sáng, cho tất cả mọi người xem; cho Đài, báo được xem, cho dân chúng xem để biết được vụ án Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn mà Nhà nước đặt cho. Đó là Ân Đàn Đại Đạo mà từ trước năm 1975 chúng tôi được sự ủng hộ và chứng nhận của Việt Nam Cộng Hòa. Cho đến nay chúng tôi cũng chỉ là đạo thôi; không có bất kỳ gì là chính trị mà cho là có hành vi lật đổ chính quyền.
Khi vào họ bắt thì thấy rồi tất cả là những người già, người bệnh tật. Ban ngày đi làm sinh thái, ban đêm học đạo pháp.
Tôi đặt câu hỏi như vậy xã hội có công lý, công bằng chưa! Tôi không còn hiểu chế độ này nữa vì trong đêm bắt đó tôi có mặt trên chiếc xe và chứng kiến hết tất cả mọi việc. Dù họ có dối gian, mọi sự bày ra đó tôi thấy hết và đã nói hết với cán bộ rồi.
Ông Trần Công là một người già. Ông làm gì? Ông chỉ thuyết pháp, thuyết đạo; ông giảng đạo pháp cho bào tộc, cho đệ tử đi vào con đường chính pháp.
Trên tay ông ta chỉ có cái kìm bấm cây. Ông bấm cây thôi và chỉ cho con cái làm những công trình đẹp đẽ tại khu du lịch sinh thái Đá Bia. Đó là những bằng chứng thực nhất.”
Ông theo đạo cũng đâu có làm hại gì cho ai. Mình đi tu mà bị hàm oan, không giết đến con kiến. Gia đình làm đơn nhiều lắm nhưng Nhà nước chỉ nói theo ý của họ.
- Bà Trương thị Hiệp
Còn bà Trương thị Hiệp, vợ của tù nhân Lê Trọng Cư, 51 tuổi và hiện phải thụ án 12 năm tù trong vụ án bị cho ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam nói rằng chồng bà chỉ vì niềm tin tôn giáo mà bị tù tội:
“Ông theo đạo cũng đâu có làm hại gì cho ai. Mình đi tu mà bị hàm oan, không giết đến con kiến. Gia đình làm đơn nhiều lắm nhưng Nhà nước chỉ nói theo ý của họ.”
Bà  Hiệp cho biết chồng của bà vào tháng 9 vừa qua bị chuyển từ trại giam Xuyên Mộc ở Bà Rịa- Vũng Tàu ra trại 5 Yên Định, Thanh Hóa. Việc bị chuyển đi xa như thế khiến gia đình chưa thể thăm nuôi ông này.
Còn ông Phan Văn Thu/Trần Công thì hiện đang thụ án tù tại trại Phú Giáo, Bình Dương. Một số bị giam tại An Điềm, Quảng Nam.
Cựu tù nhân chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và luật sư Lê Quốc Quân từng bị giam chung với một số tù nhân trong vụ án Ân Đàn Đại Đại, Khu Sinh thái Đá Bia. Cả hai đều cho biết đó là những con người chân chất, một lòng vì đạo và hiểu biết về luật pháp của Việt Nam không được nhiều.

No comments:

Post a Comment