Nguyễn Dư (Danlambao) - Chắc nhiều người biết chữ "Ngụy" là có nguồn gốc từ chữ Hán, người mình dùng quen, cho nên đến những thế hệ của chúng ta sau này nó trở thành từ Hán-Việt thông dụng. Chữ "Ngụy" đi kèm với những từ sau nó thì sẽ làm biến đổi ý nghĩa của câu. Thí dụ như: ngụy quân tử.
Người Á đông quý trọng người quân tử, vì thế cho nên nhiều người lợi dụng điều đó mà cải trang cho bản thân bằng những phong cách giống như người quân tử, nhưng bản chất thật thì không được nhiều người quý trọng. Trong trường hợp này, ngôn ngữ bình dân người ta gọi những người như thế là đóng kịch, giả dối, giả tạo, hay văn vẻ hơn: là ngụy quân tử.
Thí dụ tiếp theo: như chữ ngụy trang, ngụy triều, ngụy quân, ngụy quyền... Ngày xưa, cộng sản gọi chế độ Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quân, ngụy quyền, chắc có lẽ họ lấy ý từ hai chữ ngụy triều mà ra. Họ cho rằng "triều đại" Việt Nam Cộng Hòa là do Mỹ dựng nên, là chế độ kềm kẹp, bù nhìn, là giả tạo; còn họ (cộng sản Bắc Việt) đánh là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc thì là... chính nghĩa(?!). Trong vấn đề này chúng ta đã nói, phân tích nhiều, không cần phải tranh cãi nữa. Cũng cần phân biệt thêm nước Ngụy ngày xưa bên Trung Hoa và họ Ngụy của người Á Đông.
Tôi đã trải qua hai thời kỳ, bắt đầu từ khi ông Diệm còn làm thủ tướng, rồi sau đó thành lập Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa; cho đến ngày hôm nay ngồi ôn lại quá khứ, chưa bao giờ thấy chế độ miền Nam Việt Nam là chế độ ngụy, kềm kẹp, giả dối, giả tạo như cộng sản gán ghép, "gắp lửa bỏ tay người" một cách gian trá như người cộng sản thường tuyên truyền, xuyên tạc. Rồi từ khi gọi người Việt hải ngoại bằng "khúc ruột ngàn dặm", có lẽ vì trơ trẽn quá nên họ bỏ dần, thấy sau này không còn sử dụng từ ngụy quân, ngụy quyền nữa.
Ngày hôm nay thì mọi người thấy rõ, chính cộng sản mới là ngụy quyền (gọi theo cách của người xưa là ngụy triều), bởi lẽ, họ cướp chính quyền miền Nam Việt Nam, "soán ngôi" bất chính, mà họ dùng ngụy từ là đi giải phóng để che đậy. Ai cần giải phóng ai thì chúng ta và mọi người điều biết. Đáng lý ra người miền Nam cần giải phóng người miền Bắc thoát khỏi cảnh kềm kẹp mà trở nên nghèo nàn, lạc hậu rồi đi đến ngu dốt, thì mới là hợp lý.
Từ cái chỗ bất chính, cho nên họ mới quản lý ngôn luận gắt gao và dùng những ngụy ngữ để che đậy những gì xấu xa do chế độ tạo nên. Thí dụ như chữ Osin là từ vay mượn nước ngoài, mới xuất hiện gần đây để thay cho động từ ở đợ trong tiếng Việt. Đình công thì họ gọi là ngừng việc tập thể; biểu tình thì là tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng. Tàu Trung Quốc bắn giết ngư dân thì họ gọi là tàu lạ...
Người cộng sản nhận ra, nếu nói rằng đi làm công hay bán sức lao động ra nước ngoài thì nghe nó kỳ khôi quá, cho nên họ gọi hợp tác lao động hay xuất khẩu lao động, nghe nó có vẻ nhẹ nhàng hơn. Bây giờ thì có khác; chứ còn ngày xưa trong chế độ xã hội chủ nghĩa có lẽ chẳng có gì để xuất khẩu nên đành phải xuất khẩu lao động vậy!
Hợp tác lao động, gọi như thế là họ chơi ăn gian, bởi lẽ hai chữ hợp tác nó mang hàm ý là hùn hạp, cùng làm, cũng có nghĩa là phải công bằng. Thí dụ: có liên quan tới tiền bạc thì chia theo tỉ lệ; trong công việc thì phải cùng làm chung, ăn lương theo giờ tùy khả năng. Còn một người bỏ tiền ra mướn người khác làm việc cho mình rồi trả lương, tức là chủ trả lương cho người làm công (thợ); có khi người làm công còn bị chủ bóc lột sức lao động thì không thể gọi là hợp tác được.
Những gì xấu xa mà cộng sản "gắp lửa bỏ tay người", gán ghép cho Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa như: kềm kẹp, tư bản bóc lột, ngụy quân, ngụy quyền, bọn phản động bán nước, thì bây giờ thời gian đã trả lời, họ đã hiện nguyên hình trong những cái xấu xa đó.
Chế độ cộng sản - cần phải gọi chính xác cho đúng nghĩa - mới là chế độ ngụy quyền.
02/12/2015
No comments:
Post a Comment