Đào Đức Thông (VNTB) Gia đình cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn đã phản đối việc Chính quyền địa phương cưỡng chế đất vì việc bồi thường quá bất công. Theo đó thì đất bị thu hồi chỉ được bồi thường với giá rẻ bèo 300 ngàn đồng một mét vuông, trong khi đất tại khu liền kề được bán với giá 25 triệu đồng một mét vuông.
Em Nguyễn Mai Trung Tuấn. Nguồn: internet |
Truy nã và tống trẻ em 15 tuổi vào tù
Pháp luật Hình sự (“BLHS”) qui định: Khoản 2-Điều 12: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Và khoản 3 Điều 8 qui định: “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù”.
Khoản 5- Điều 69: Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Khoản 2- Điều 74: Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn, là đứa trẻ chỉ mới 15 tuổi, vào ngày 22/11 đã bị Chính quyền đưa ra Tòa án ở Thạnh Hóa, Long An xét xử về tội danh ‘cố ý gây thương tích’ theo khoản 3 điều 104 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Kết thúc phiên xử vào đầu giờ chiều cùng ngày, tòa tuyên bị can Nguyễn Mai Trung Tuấn 4 năm 6 tháng tù giam. Ngoài ra còn bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng.
Điều cần nói ở đây là cháu Tuấn đã bị bắt ngày 6 tháng 8 theo lệnh truy nã của cơ quan Cảnh sát Điều tra-CA huyện Thạnh Hóa-T. Long An khi đang chữa trị bệnh suy nhược thần kinh tại nhà một người quen ở Ninh Thuận.
Nhìn lại nguyên nhân vụ việc
Gia đình cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn đã phản đối việc Chính quyền địa phương cưỡng chế đất vì việc bồi thường quá bất công. Theo đó thì đất bị thu hồi chỉ được bồi thường với giá rẻ bèo 300 ngàn đồng một mét vuông, trong khi đất tại khu liền kề được bán với giá 25 triệu đồng một mét vuông.
Sáng ngày 14/4/2015 là ngày lực lượng cưỡng chế của Chính quyền địa phương đến trấn áp gia đình bất hạnh đó. Khi cưỡng chế có hai chiếc xe tải chở từ 100 đến 200 cảnh sát cơ động đến ập vào nhà. Họ uy hiếp, đánh đập gia đình chị Mai Thị Kim Hương và anh Nguyễn Trung Can (ba má cháu Tuấn) rất dã man, theo lời một vài nhân chứng có mặt ở lúc đó Chính quyền đã bắt chị Hương, anh Can và đập đầu xuống đường. Cháu Tuấn là cậu bé mới 15 tuổi vì thương Cha Mẹ nên đã dùng bom xăng tự chế và ná cao su để ngăn cản lực lượng cưỡng chế hùng hậu của Chính quyền được vũ trang đến tận răng theo như tư duy trẻ con của một đứa trẻ 15 tuổi.
Khi lực lượng cưỡng chế do trung tá công an Nguyễn Văn Thủy dẫn đầu tràn vào thì ngôi nhà cháu Tuấn bùng lên bốc cháy. Hoảng loạn cũng bùng lên. Hoảng loạn đến mức viên trung tá chỉ huy cũng quay lưng bỏ chạy ra ngoài. Trong bối cảnh đó, lại vang lên các tiếng thét của lực lượng cưỡng chế: Bắt lấy nó, bắt lấy nó!
Cháu Tuấn không còn biết suy nghĩ gì nữa, sẵn ca axit của anh Can (ba cháu Tuấn) dùng để chế bình ác quy xe (anh Can làm nghề sửa xe) để gần đó cậu đã chụp và tạt ra ngoài, ngẫu nhiên trúng vào lưng viên trung tá công an đang xoay lưng bỏ chạy vì hoảng loạn.
Phiên sơ thẩm diễn ra trong hai ngày 15 và 16 tháng 9 vừa qua đưa 12 người thuộc hai hộ dân chống đoàn cưỡng chế ra xét xử. Tất cả bị tuyên tổng cộng 27 năm tù giam, và 6 năm, 6 tháng tù treo. Chị Mai Thị Kim Hương - mẹ của Nguyễn Mai Trung Tuấn, bị tuyên 3 năm 6 tháng tù giam, và anh Nguyễn Trung Can – cha của Nguyễn Mai Trung Tuấn là 3 năm tù giam.
Tỷ lệ thương tích 35% đầy dấu hỏi?
Về luật pháp, khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự (“BLHS”) qui định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Và khoản 3 Điều 8 qui định: “tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù”.
Như vậy, Nguyễn Mai Trung Tuấn chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi ‘cố ý gây thương tích’ (nếu có) – trong trường hợp ‘để cản trở người thi hành công vụ’- khi gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người bị hại mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm pháp y (Sở Y tế Long An) (“Bản Giám định pháp y”) đã kết luận: “Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 35% (ba mươi lăm phần trăm)”, một tỷ lệ ‘hợp pháp’ đủ để làm căn cứ truy tố buộc em Tuấn phải vào tù!
Với việc Tòa tuyên em Tuấn mức án 4 năm 6 tháng tù (và được biết mức án do VKS đề nghị tại tòa là từ 4,5 – 5 năm tù), cho thấy sự việc đúng như dự đoán của giới luật sư – đó là em Tuấn “chết” là do khung hình phạt quá rộng. Trong bối cảnh các cơ quan tiến hành tố tụng ở Long An thì đã quá lạnh lùng, không cho Tuấn được hưởng những tình tiết có lợi cho em một cách đúng luật.
Trong vụ án này, em Tuấn bị truy tố theo khoản 3 điều Điều 104 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích, có mức hình phạt từ 5-15 năm tù - được xác định thuộc trường hợp phạm tội “rất nghiêm trọng”. (Theo quy định, nếu tội danh nào có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm - thì là trường hợp phạm tội “rất nghiêm trọng”).
Trong khi đó, tại khoản 2 cùng điều 104, thì mức hình phạt chỉ từ 2-7 năm tù, đồng thời không bị xem là trường hợp phạm tội “rất nghiêm trọng”. Và nếu em Tuấn được "rơi vào" trường hợp này (khoản 2), thì em Tuấn sẽ không bị truy tố, vì em là trẻ em (chưa thành niên, không phải chịu trách nhiệm hình sự).
Song có thể thấy với kết quả Tòa sơ thẩm tuyên phạt em Tuấn 4,5 năm tù, tức là còn dưới khung hình phạt tại khoản 3 điều 104, rõ ràng Tòa đã nhận định hành vi của em là không đến mức cao trong khung hình phạt từ 5-15 năm.
Điều đáng nói là mức hình phạt mà Tòa sơ thẩm đã tuyên HOÀN TOÀN NẰM TRONG KHOẢN 2 điều 104.
Bản Giám định pháp y nhiều vi phạm– Chứng cứ để buộc tội trẻ em
Kết luận Giám định được xác định là chứng cứ, ‘dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án’ nếu như nó ‘có thật, và được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định”.
Thế nhưng Bản Giám định pháp y lại không tuân thủ ‘trình tự, thủ tục’ Bộ luật TTHS, Luật Giám định Tư pháp, vi phạm những nguyên tắc ‘thực hiện giám định tư pháp là: 1. Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn. 2. Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời…” được qui định tại Điều 3 Luật Giám định Tư pháp.
Điều này thể hiện rõ khi Luật sư Nguyễn Văn Miếng, tham gia bào chữa cho Tuấn, đã ‘yêu cầu triệu tập giám định viên’ do nhận thấy “Bản kết luận giám định pháp y về thương tích” số 95 TgT.15-PY ngày 02.06.2015 của Trung tâm Pháp Y – Sở Y tế Long An còn có một số vấn đề chưa rõ ràng…
“Bản kết luận giám định pháp y về thương tích” không khách quan, không phù hợp quy định pháp luật
Về hình thức, Bản Giám định pháp y được công an huyện Thạnh Hóa trưng cầu tổ chức giám định: Trung tâm pháp y (Sở Y tế Long An), việc giám định do tập thể (2 Giám định viên) và ‘nhiều người tham gia’ (1 bác sỹ, 1 y sĩ và 1 điều dưỡng) nhưng không có phân công, xác định ‘người chịu trách nhiệm điều phối’ là không phù hợp qui định điểm a khoản 2 Điều 24 Luật Giám định Tư pháp (“Luật GĐTP”). Tập thể giám định, nhưng chỉ có một giám định viên ký tên là trái với khoản 3 Điều 28 Luật GĐTP. Không có Biên bản giao nhận đối tượng, tài liệu giám định là không phù hợp qui định Điều 27 Luật GĐTP. Cần chú ý là Ông Phan Hồng Trường, tham gia với tư cách là giám định viên nhưng ông chỉ ký với tư cách là ‘người đứng đầu tổ chức’ theo qui định phải có, ký thay Giám đốc trung tâm và đóng dấu Trung tâm pháp y.
Kết luận điều tra, Cáo trạng và các lời khai của em Nguyễn Mai Trung Tuấn và chính lời khai của ‘bị hại’ Nguyễn Văn Thủy đều khẳng định: ‘bị tạt một giọt nước rất lớn, dài’ vào vùng lưng. Nhưng Giám định pháp y lại kết luận tổn thương ở cả “vùng mặt, má, cổ phải, cánh tay, cẳng tay, ngực, lưng, mu bàn chân…” cho đủ 35%. Đáng chú ý là kết luận các vùng thương tổn cũng không phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác trong quá trình Nguyễn Văn Thủy điều trị tương tích tại Bệnh viện Chợ Rẫy như Giấy ra viện, Phiếu thanh toán, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH…
Acid nồng độ 68% ở đâu ra trong ca sau khi đã sử dụng?
Cáo trạng căn cứ: “Tại kết luận giám định số: 1065/C54B ngày 05.05.2015 của Phân viện khoa học hình sự tại Tp.HCM kết luận: Chất lỏng đựng trong ca nhựa màu xanh lá cây có chứa thành phần acid sulfuric, nồng độ 68%…”. Thế nhưng, Kết luận giám định số 1065/C54B cũng thể hiện ‘không phù hợp pháp luật’.
Tại các biên bản thu giữ tại hiện trường cho thấy, CQĐT chỉ thu giữ một số ca nhựa, một số chai thủy tinh có chứa chất lỏng… nhưng không đề cập đến việc có thu giữ được ‘ca nhựa có chứa chất lỏng’ nào. Ngay trong Quyết định trưng cầu giám định của công an gửi kèm theo ‘mẫu vật cần giám định’ cũng chỉ ghi nhận: “02 ca nhựa màu xanh lá cây và màu đỏ nhạt”; “01 ca nhựa màu xanh”. Thế nhưng, kết luận giám định số: 1065/C54B ngày 05.05.2015 của Phân viện khoa học hình sự tại Tp.HCM lại ghi nhận của công an gửi giám định: “02 ca nhựa …bỏ trong bịch ny long màu đen đều có dính vết chất lỏng”. Còn “01 ca nhựa màu xanh lá cây” thì “có chứa khoảng 100ml chất lỏng” và kết luận “chất lỏng đựng trong ca nhựa màu xanh lá cây này có chứa thành phần acid Sulfuric (H2SO4), nồng độ 68%, thể tích :100ml”.!!!
Câu hỏi đặt ra là: Cháu Tuấn được xác định là cầm ca chất lỏng tạt, vậy thì khi thu giữ chỉ có thể thu được ca không còn chất lỏng (phù hợp biên bản thu giữ tại hiện trường). Như vậy 100ml acid nồng độ 68% ở đâu ra mà có trong ca nhựa màu xanh lá cây? Và nó được niêm phong, bảo quản như thế nào từ khi thu giữ tại hiện trường, chuyển đi giám định tại Tp.HCM? Và căn cứ nào để khẳng định ca nhựa màu xanh lá cây với chất lỏng được giám định là của em Tuấn cầm và tạt vào người cán bộ Thủy?
Hãy cứu lấy tương lai đứa trẻ 15 tuổi!
Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn chỉ là đứa trẻ mới 15 tuổi, không hiểu biết về pháp luật, nếu xét về hiếu cháu Tuấn rất có hiếu khi dám xả thân cứu lấy tông đường tổ miếu và cứu cha mẹ anh em tránh khỏi màn trời chiếu đất.
Xét về tình cháu có dòng máu anh hùng dân tộc Việt Nam dám chỉ thẳng vào cái sai, lạm quyền của những kẻ mượn Pháp Luật làm công cụ.
Bản chất của Luật pháp là để giáo huấn và tạo sự công bằng cho xã hội
Luật pháp không phải là công cụ để răng đe xã hội, để phục vụ cho một số nhóm lợi ích củng cố quyền lực.
Nếu lấy đạo đức của Luật Pháp mà giáo huấn thì dân chúng thuần phục, luôn tôn trọng Luật Pháp và coi Luật Pháp như cơm ăn không thể thiếu mỗi ngày.
Nếu lấy Luật Pháp làm công cụ trị răng đe, trấn áp thì dân chúng sẽ khiếp sợ, từ khiếp sợ họ sẽ vùng lên tự vệ và lật đổ bạo quyền.
Thiết nghĩ nếu ngay từ đầu lãnh đạo địa phương xuống tận nhà anh Nguyễn Mai Trung Can vận động và nói thiết thực về lợi ích chung của cộng đồng, đồng thời bồi thường nơi ăn chốn ở ổn định cho gia đình cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn thì làm gì có chuyện chống đối này xảy ra?
Chính quyền Cộng sản đang sử dụng Luật Pháp để đẩy người dân lành vào con đường tội ác, khi con người ko thể kiểm soát được mình kể cả đó chỉ là một em bé thật đau lòng. Đau lòng, nhẫn tâm. Quyền con người trong XH hiện nay rẻ mạt. Mai này tương lai của con cháu chúng ta đã được những người mang danh công lý vẽ bẩn và còn mãi mãi. Các con, các cháu sẽ phải mang theo vết nhơ này cả cuộc đời, thiệt thòi cho lớp con cháu vô cùng.
Chế độ hiện tại là một chế độ ngu dân, triệt tiêu tiềm năng nội lực của dân. Bằng chứng hiện tiền là cháu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn không được đến trường nữa mà phải vào trại giáo dưỡng... Mong chờ gì khi mà có mấy ai từ các trại cải tạo của chế độ này ra mà thành người tốt đâu, chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi... Những ai còn tình người, xin hãy lên tiếng, hãy làm những gì có thể làm để cứu cháu bé Nguyễn Mai Trung Tuấn! Cháu bé ấy xứng đáng được sống trong một môi trường xã hội tốt hơn, văn minh hơn!
12-01-2015
No comments:
Post a Comment