Tuesday, December 1, 2015

Biển rộng nhưng ngư dân Việt không có đường sống

CÀ MAU (NV) Ngoài Trung Quốc, ngư dân Việt còn bị Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan rượt đuổi, bắn, bắt, giam giữ, buộc nộp phạt, tịch thu phương tiện sinh nhai với cáo buộc tương tự: Xâm phạm lãnh hải!

Theo tờ Tuổi Trẻ thì Thái Lan vừa phóng thích 14 ngư dân cư trú ở Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Những ngư dân này làm việc trên hai tàu đánh cá, một mang số hiệu CM 99693 và một mang số hiệu CM 91030, bị Hải Quân Thái Lan bắt vì “xâm phạm lãnh hải” vào ngày 18 tháng 9.


Cảnh đoàn tụ của một gia đình ngư dân vừa được Thái Lan phóng thích. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tất cả đều bị đánh, bị bỏ đói, thân nhân phải nộp tiền phạt, bị giam ba tháng rồi mới được trả tự do. Song không phải ai cũng được thả. Hiện vẫn còn một ngư dân của tàu CM91030 bị giam ở nhà tù Songkhla.

Cùng bị bắt với họ trong ngày 18 tháng 9 còn có ngư dân trên ba tàu của các tỉnh khác ở Việt Nam nhưng không rõ số phận những ngư dân ấy ra sao.

Ông Dương Hoàng Huy, làm việc trên tàu CM 99693, kể rằng, lúc bị bắt, thời tiết trên biển rất xấu, mưa to, gió lớn nên những tàu câu mực bị bắt chưa câu được gì và cũng không xác định được đâu là biển Việt Nam, đâu là biển Thái Lan. Họ cùng bỏ chạy khi bị tàu Thái Lan săn đuổi rồi bị bắt.
Mẹ ông Huy thì kể, sau khi hai đứa con trai bị bắt, bà đã chạy vạy, vay mượn khắp nơi để có 100 triệu “chuộc” con về.
Theo tờ Tuổi Trẻ, có những phụ nữ là vợ ngư dân bị Thái Lan bắt phải vay nóng với lãi suất 1% một... ngày để “chuộc” chồng.

Theo một báo cáo của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Cà Mau thì từ đầu năm 2010 đến giữa tháng 11 năm nay, riêng Cà Mau có 248 tàu và 2,269 ngư dân bị “nước ngoài bắt giữ.” Trong đó có một tàu bị bắn chìm, 187 tàu bị tịch thu, 9 tàu bị tịch thu ngư cụ. Chỉ mới có 51 tàu và 481 ngư dân được thả.

Nếu tính theo quốc gia thì có 159 tàu và 1,753 ngư dân bị Thái Lan bắt giữ. 35 tàu và 358 ngư dân bị Malaysia bắt giữ. 18 tàu bị Campuchia bắt giữ,...

Thống kê này chưa kể số lượng tàu đánh cá và ngư dân các tỉnh khác bị bắt giữ.

Ông Ðỗ Chí Sĩ, chi cục trưởng Chi Cục Khai Thác và Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản của Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Cà Mau, giải thích, ranh giới vùng biển của Việt Nam ở khu vực Cà Mau có sự chồng lấn với Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Nhiều tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam bị bắt ở khu vực có sự chồng lấn này. Việc “xâm phạm lãnh hải” có yếu tố do thời tiết. Cũng có khi do mải mê đuổi theo luồng cá.

Tờ Tuổi Trẻ kể rằng, riêng tại thị trấn Sống Ðốc, tháng nào cũng có tàu bị Thái Lan bắt giữ. Giữa Việt Nam và Thái Lan có sự khác biệt lớn khi ngư dân quốc gia này “xâm phạm lãnh hải” quốc gia kia. Ngư dân Thái Lan “xâm phạm lãnh hải” Việt Nam thì bị lập biên bản, nhắc nhở rồi thả. Còn Thái Lan đối xử với ngư dân Việt Nam theo hướng ngược lại. Không những không can thiệp hay tìm giải pháp thích hợp để bảo vệ, Việt Nam còn phạt những ngư dân bị Thái Lan bắt vì “tự ý đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài hoạt động.” Một viên đại úy tên là Nguyễn Văn Hệ, đồn phó Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, cho biết, mức phạt lên đến... 50 triệu đồng nhưng vẫn... có người vi phạm!

Cuối năm ngoái, Hải Quân Indonesia đã kéo ba con tàu đánh cá mà họ tịch thu của ngư dân Việt Nam đến vùng biển nằm giữa Indonesia và Mã Lai, gắn thuốc nổ vào cả ba con tàu rồi khai hỏa vào chúng. Theo Indonesia, cả ba con tàu vừa kể bị bắt giữ vào tháng 11. Indonesia đã tịch thu ba tấn cá và tạm giữ 33 ngư dân. Sau đó Tòa án Indonesia quyết định phá hủy cả ba con tàu và trục xuất 33 ngư dân Việt Nam. Ðến tháng 5 năm nay, trong 41 tàu đánh cá bị Indonesia bắt giữ rồi tổ chức phá hủy cũng có “một số tàu đánh cá Việt Nam” nhưng Indonesia không cho biết số lượng cụ thể.

Cũng cuối năm ngoái, Malaysia loan báo, chỉ riêng Cơ quan Chấp pháp Hàng hải Khu vực Tok Bali đã bắt giữ hơn 200 ngư dân Việt Nam vì “xâm phạm lãnh hải” và “đánh bắt trái phép” trong vùng biển thuộc chủ quyền của Mã Lai.

Cũng cuối năm ngoái, lực lượng tuần duyên của Philippines loan báo đã bắt giữ một tàu đánh cá và giam giữ 7 ngư dân Việt Nam để điều tra việc họ đánh bắt những loại hải sản bị cấm đánh bắt trong vùng biển của Philippines.

Chính quyền Việt Nam im lặng, không xác nhận đúng-sai trong tất cả các vụ bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân vừa kể, trừ vụ cảnh sát biển Thái Lan xả súng vào sáu tàu đánh cá của Việt Nam ở vịnh Thái Lan hồi tháng 9, khiến một ngư dân chết, hai trọng thương (G.Ð)

12-01-2015 2:10:01 PM 

No comments:

Post a Comment